Doanh nghiệp dầu khí lãi đậm, cổ phiếu trên sàn tụt dốc

Cập nhật: 14:18 | 01/08/2022 Theo dõi KTCK trên

Cổ phiếu dầu khí thường có xu hướng đi theo giá dầu, cho nên việc giá dầu chững lại có thể sẽ khiến nhóm này khó thu hút dòng tiền trong thời gian tới đây...

Quý II/2022, giá xăng RON 95 và E5 RON 92 tăng tương ứng 6.036 đồng/lít và 5.230 đồng/lít lên lần lượt 32.870 đồng/lít và 31.300 đồng/lít (tại kỳ điều hành ngày 21/6). Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã tìm cách giảm thuế để hạ giá xăng dầu, nhưng nhiều nhà sản xuất và phân phối dầu khí này hầu hết đều ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý II.

Doanh nghiệp dầu khí lãi đậm, cổ phiếu trên sàn tụt dốc
Doanh nghiệp dầu khí lãi đậm, cổ phiếu trên sàn lại "khá buồn"...

Doanh nghiệp dầu khí lãi đậm

Mới đây, Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PV Oil, mã: OIL) công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với doanh thu đạt kỷ lục 30.412 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 1.429 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, PV Oil ghi nhận 53.700 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp 2,1 lần cùng kỳ và lãi ròng thu về 793 tỷ đồng, tăng 70,5% so với nửa đầu năm ngoái, hoàn thành vượt 19% kế hoạch doanh thu và 27,5% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

Doanh nghiệp dầu khí lãi đậm, cổ phiếu trên sàn tụt dốc

Theo giải trình của OIL, 6 tháng đầu năm, nguồn cung dầu sụt giảm trong khi cầu tăng mạnh do nhu cầu đi lại gia tăng, các quốc gia đồng loạt mở cửa đất nước khi giá dầu liên tiếp lập đỉnh. Trung bình 6 tháng, giá dầu brent ở mức 108,2 USD/thùng - tăng 67% so với cùng kỳ năm trước và tăng 40% so với thời điểm cuối năm 2021.

Tương tự, trong 6 tháng đầu năm, Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas (GAS) cũng đã ghi nhận kết quả kinh doanh cao kỷ lục với doanh thu đạt 54.560 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ và lợi nhuận là 6.920 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ và vượt 87% so với kế hoạch. Đây cũng là mức lợi nhuận 6 tháng cao nhất trong lịch sử kinh doanh của PV Gas.

Với Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, HoSE – Mã: PET), trong quý II/2022, PET ghi nhận doanh thu đạt 3.472,95 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 24,92 tỷ đồng, giảm 57,9% so với cùng kỳ.

Trong đó, lợi nhuận gộp tăng 69,6% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 130,24 tỷ đồng lên 317,49 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 1,7%, tương ứng tăng thêm 0,41 tỷ đồng lên 24,13 tỷ đồng; chi phí tài chính bất ngờ tăng 748,3%, tương ứng tăng thêm 188,27 tỷ đồng lên 213,43 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 11,2%, tương ứng giảm 12,27 tỷ đồng về 96,87 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Ngoài ra, nhiều nhà bán lẻ cũng ghi nhận doanh thu tăng vọt. Chẳng hạn như CTCP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex) - một trong 33 đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn nhất cả nước ghi nhận doanh thu thuần hơn 6.119 tỷ đồng, tăng 130% so với cùng kỳ.

Tính trong 6 tháng, doanh thu thuần mà công ty xăng dầu này ghi nhận được là 9.869 tỷ đồng. Mặc dù lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 89 tỷ đồng, thấp hơn năm ngoái khoảng 22 tỷ đồng nhưng việc kinh doanh đạt hiệu quả cao dẫn tới lãi gộp kỳ này của công ty đạt 153 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là 98 tỷ đồng.

Hay như CTCP Vật tư Xăng dầu (Comeco) - chủ sở hữu 45 cửa hàng xăng dầu tại TP.HCM, Long An... cũng ghi nhận 1.368 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của nhà bán lẻ này vẫn ở mức hơn 11 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước.

Còn với Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR), trong quý II/2022, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của BSR đạt 52.391 tỷ đồng, tăng 88,1% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng 54,5% lên 41.705 tỷ đồng giúp biên lãi gộp của đơn vị này cải thiện từ 6,7% lên 20,4%.

Doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 2,3% lên 292,1 tỷ đồng nhờ lãi tiền gửi ngân hàng tăng và lãi chênh lệch tỷ giá. Chi phí tài chính, chi phí bán hàng tăng lần lượt 63% và 23,2% so với quý II/2021 trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 96,1 tỷ đồng.

Kết quả, Bình Sơn ghi nhận lợi nhuận sau thuế 9.909 tỷ đồng, gấp 5,9 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lãi kỷ lục trong lịch sử hoạt động của đơn vị này. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 9.926 tỷ đồng, gấp 5,8 lần quý II/2021, EPS cải thiện từ 544 đồng lên 3.302 đồng.

Khó duy trì đà tăng trưởng cao

Nhìn chung, nhờ giá dầu thế giới và giá xăng trong nước tăng mạnh lên đỉnh 8 năm đã hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có lượng lớn tồn kho giá thấp.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, giá dầu thế giới đang trong giai đoạn có dấu hiệu hạ nhiệt và điều chỉnh mạnh sau khi đạt đỉnh. Bên cạnh đó, giá xăng trong nước cũng đang được kiểm soát chặt chẽ nhằm thực hiện mục tiêu chống lạm phát. Dự kiến giá xăng dầu trong nước ngày 1/8 có thể tiếp tục giảm nhẹ.

Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể sẽ khó duy trì được tăng trưởng cao thời gian tới khi phải trích lập dự phòng cho các khoản tồn kho giá cao.

Chẳng hạn, tính đến 30/6, tồn kho của PV Oil đã lên đến hơn 5.300 tỷ đồng, gấp đôi thời điểm đầu năm và tăng gần 200 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý I. Công ty cũng đã trích lập dự phòng giảm giá hơn 31 tỷ đồng cho lượng tồn kho trên. Con số này tại thời điểm 31/3 ở mức 22,5 tỷ đồng trong khi hồi đầu năm chỉ hơn 1 tỷ đồng.

Trong báo cáo mới đây, Agriseco Research nhận định, mặc dù giá dầu vẫn đang ở mức cao nhưng đã có sự điều chỉnh từ đầu tháng 6, khiến cho giá dầu đang chững lại.

“Giá dầu từ nay tới cuối năm có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ, và tiếp tục hạ nhiệt trong năm 2023 khi nguồn cung được bù đắp bởi sự gia tăng sản lượng của OPEC+ và Mỹ”, báo cáo nêu.

Cổ phiếu trên sàn liệu có "hút" được dòng tiền?

Nhìn chung, cổ phiếu dầu khí thường có xu hướng đi theo giá dầu, cho nên việc giá dầu chững lại có thể sẽ khiến nhóm này khó thu hút dòng tiền trong thời gian tới đây.

Thực tế, cổ phiếu xăng dầu sau thời gian tăng nóng đang ghi nhận diễn biến kém khả quan khi liên tục điều chỉnh giảm do ảnh hưởng giá dầu giảm.

Theo quan sát, tính từ phiên 1/6 đến chốt phiên 29/7, cổ phiếu BSR đã giảm từ 27.600 đồng/cp xuống 24.500 đồng/cp (-11,2%); cổ phiếu OIL giảm từ 15.300 đồng/cp xuống 12.600 đồng/cp (-17,6%); cổ phiếu PLC giảm từ 32.000 đồng/cp xuống 26.700 đồng/cp (-16,5%)…

Trao đổi với báo chí, một chuyên viên tư vấn chứng khoán của Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, diễn biến giá dầu thô đang có xu hướng giảm do áp lực kìm chế lạm phát của các nước trên thế giới, điều này sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp xăng dầu trong nước.

Chẳng hạn như Lọc hóa dầu Bình Sơn, thông tin lợi nhuận cao đã phản ánh vào giá từ tháng 5 trước khi ra báo cáo. Vì vậy thông tin tốt về kết quả kinh doanh lúc này không còn nhiều tác dụng nâng đỡ cho đà tăng của cổ phiếu.

Trước áp lực bán mạnh mẽ, cổ phiếu BSR đã hình thành xu hướng giảm giá và đang có tín hiệu hồi phục, song dòng tiền chưa đủ lớn và giá cổ phiếu đang tiến đến gần kháng cự 25 – 25,5. Mức hỗ trợ hiện tại là 21,5 – 22, khả năng nhà đầu tư tiếp tục theo dõi quan sát cổ phiếu này.

Doanh nghiệp dầu khí lãi đậm, cổ phiếu trên sàn tụt dốc
Diễn biến giá cổ phiếu BSR thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Các sự kiện, thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

Có rất nhiều tin tức đáng chú ý để thị trường điều hướng trong tuần này, trong đó yếu tố tác động lớn nhất có ...

Góc chuyên gia: Nhà đầu tư nên tích lũy dần cổ phiếu

Không ít cổ phiếu của các công ty xây dựng nhà sẽ bị ảnh hưởng do lãi suất cao. Các nhà bán lẻ như Walmart ...

Thị trường chứng khoán ngày 1/8/2022: Tín hiệu kỹ thuật phiên chiều

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam dẫn nguồn Vietstock đưa ra những phân tích tín hiệu kỹ thuật phiên chiều ngày ...

Nguyên Nam