Dịch Covid-19 sáng 27/5: Cả nước có thêm 25 ca mắc mới

Cập nhật: 07:21 | 27/05/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo Bản tin sáng 27/5 của Bộ Y tế cho biết, tính từ 18h ngày 26/5 đến 6h ngày 27/5, Việt Nam có thêm 25 ca mắc mới (BN6087-6111). Trong đó, 1 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội, 24 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang 23 ca và Lạng Sơn 01 ca.

Thông tin chi tiết các ca mắc mới như sau:

24 ca ghi nhận trong nước

CA BỆNH BN6088 ghi nhận tại tỉnh Lạng Sơn: nam, 49 tuổi, địa chỉ tại huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, đã được cách ly từ trước; liên quan dịch tễ với BN3482. Kết quả xét nghiệm ngày 26/5/2021 dương tính với SARS-CoV-2.

CA BỆNH BN6089-BN6111 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu phong tỏa liên quan đến các khu công nghiệp. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

01 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh: CA BỆNH BN6087 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Thành phố Hà Nội: nữ, 35 tuổi, quốc tịch Ấn Độ. Ngày 07/5/2021, từ nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Thành phố Hà Nội. Kết quả xét nghiệm lần 3 ngày 25/5/2021 dương tính với SARS-CoV-2.

Cũng theo Bộ Y tế, nước ta có thêm 795 người được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trong ngày 26/5/2021.

Tính đến 16 giờ ngày 26/5/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP với 1.034.867 liều cho các đối tượng là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 là 28.522 người.

2033-dich-covid
Hình minh họa

TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách mật độ mua sắm ở chợ, siêu thị để phòng dịch Covid-19

Chiều tối 26/5, UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, sẽ thực hiện giãn cách mật độ mua sắm ở chợ, siêu thị; giãn cách giờ làm việc của công nhân; kích hoạt lại Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.

Theo đó, văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh vừa có thông báo khẩn, truyền đạt kết luận của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong về phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP tại Công văn 1641 về tạm dừng hoạt động một số loại hình dịch vụ để phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng thời, quán triệt cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị khi có các dấu hiệu ho, sốt, khó thở nên ở nhà, không đến cơ quan và cần thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Từ ngày 25/5, khách đến cơ quan công sở liên hệ công tác, làm việc phải khai báo y tế. Mỗi cơ quan, đơn vị phải thành lập một Tổ An toàn Covid-19 để kiểm soát y tế hành khách ra vào cơ quan mình.

TP tổ chức giãn cách mật độ mua sắm tại các chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đêm, chợ đầu mối... theo hướng mua từng nhóm, bảo đảm khoảng cách tối thiểu 2 m và hạn chế tối đa tập trung đông người.

Để thực hiện, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Nội vụ kích hoạt lại Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19, đi vào hoạt động từ ngày 27/5. Cùng với đó, phối hợp Sở Y tế ban hành thông cáo báo chí vào lúc 18 giờ hằng ngày về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP để cung cấp chính thống, đầy đủ thông tin cho người dân TP.

“Từ trường hợp nghi nhiễm ở quận Gò vấp (xét nghiệm 4 lần, trong đó lần đầu dương tính, 3 lần sau âm tính), đề nghị Sở Y tế vẫn áp dụng các biện pháp phòng dịch như ca nghi nhiễm đối với các trường hợp tương tự vì dịch bệnh lần này rất phức tạp, không được phép chủ quan, lơ là”, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo.

Đồng thời, người đứng đầu TP giao Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao phối hợp với Sở Y tế và chính quyền địa phương nghiên cứu, điều chỉnh giờ làm việc của các dây chuyền sản xuất theo hướng giãn cách giờ vào làm việc buổi sáng và giờ tan ca cuối chiều nhằm giảm mật độ người tụ tập quá đông cùng một thời điểm.

Cuối cùng, giao Công an TP chủ trì, phối hợp với các quận, huyện, TP Thủ Đức rà soát toàn bộ số lao động nước ngoài được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh vào làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức; kiên quyết không để sót, để lọt người nhập cảnh trái phép trên địa bàn TP.

Thành lập Quỹ vắc xin phòng COVID-19

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Nghị quyết 53/NQ-CP thông qua chủ trương thành lập Quỹ vắc xin phòng COVID-19. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã ký ban hành Quyết định 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ vắc xin phòng COVID-19.

Quyết định nêu rõ: Thành lập Quỹ vắc xin phòng COVID-19 Việt Nam (Quỹ) để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vắc xin của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân.

Quỹ do Bộ Tài chính quản lý. Tên giao dịch tiếng Anh của Quỹ: Vietnam Fund for Vacination Prevention of Coronavirus Disease 2019 (viết tắt là VFVC).

Quỹ có chức năng quản lý, điều phối các nguồn lực tài chính, hiện vật của Quỹ để tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

Bộ máy quản lý Quỹ sử dụng cán bộ, công chức của Bộ Tài chính, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.

Kinh phí hoạt động của bộ máy quản lý Quỹ do ngân sách nhà nước chi trả, không sử dụng từ nguồn thu của Quỹ.

Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.

Quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của Quỹ của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán nhà nước; giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng.

Quỹ được sử dụng vốn nhàn rỗi của Quỹ để gửi tại các ngân hàng thương mại nhằm mục đích bảo toàn và phát triển vốn cho Quỹ nhưng phải đảm bảo an toàn.

Quỹ tiếp nhận các nguồn hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu, sản xuất vắc xin

Quỹ tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vắc xin của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc vận động quyên góp, tài trợ cho Quỹ để hỗ trợ, tài trợ hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 theo quy định.

Nguồn thu của Quỹ bao gồm: Các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vắc xin, các loại hình vật chất khác của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cho Quỹ; các nguồn vốn hợp pháp khác.

Nhiệm vụ chi của Quỹ là sử dụng để hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng COVID-19, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chi từ Quỹ để tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 theo quy định.

Bộ Tài chính xuất Quỹ để chi theo nội dung Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và căn cứ hồ sơ đề nghị của Bộ Y tế.

Trang Nhi (t/h)

Tin cũ hơn
Xem thêm