ĐHĐCĐ Vinamilk (VNM): Lãi sau thuế quý 1/2021 gần 2.600 tỷ đồng

Cập nhật: 15:55 | 26/04/2021 Theo dõi KTCK trên

Năm 2021, Vinamilk lên kế hoạch lợi nhuận sau thuế 11.240 tỷ đồng, tương đương với năm ngoái cũng do tác động từ yếu tố giá nguyên liệu.

Lợi nhuận quý 1 Petrolimex ước đạt hơn 900 tỷ đồng

Dầu Tường An (TAC) báo lãi tăng 160% trong quý 1/2021

4856-vinamilk-1
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Vinamilk.

Sáng hôm nay (26/4/2021), CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021 theo hình thức trực tuyến.

4539-vnm-2
(Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên của Vinamilk).

Về kế hoạch kinh doanh, năm 2021, Vinamilk đặt mục tiêu tổng doanh thu 62.160 tỷ đồng, tăng 4% so với kết quả năm 2020; lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 11.240 tỷ đồng, tương đương với năm ngoái. Lợi nhuận phân bổ cho cổ đông công ty mẹ dự kiến là 11.120 tỷ đồng, tăng 21 tỷ so với thực hiện năm 2020.

Bên cạnh đó, công ty dự kiến chia cổ tức cho năm nay tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế hợp nhất, ít nhất chia thành hai đợt.

Năm 2020, tổng tỷ lệ chi trả cổ tức của Vinamilk là 41% (4.100 đồng/cổ phiếu), thấp hơn mức 45% của năm 2019 và tương ứng với tổng số tiền phải chi là 7.871 tỷ đồng.

4755-vnm-3
(Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên của Vinamilk).

Về vấn đề nhân sự, tại ĐHĐCĐ, HĐQT cũng trình cổ đông thông qua miễn nhiệm vị trí thành viên HĐQT độc lập với ông Nguyễn Bá Dương, cựu Chủ tịch của CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD). Ngày 17/9/2020, ông Dương đã xin rút khỏi HĐQT của Vinamilk trị vì lý do cá nhân.

Ngoài ông Dương thì HĐQT cũng trình miễn nhiệm chức thành viên HĐQT không độc lập với bà Nguyễn Thị Thắm. Ngày 7/4 năm nay, bà Thắm cũng đã có đơn từ nhiệm vì lý do cá nhân.

HĐQT trình ĐHĐCĐ bầu bổ sung hai thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 – 2021 là bà Tiêu Yến Trinh cho vị trí thành viên HĐQT độc lập và ông Hoàng Ngọc Thạch cho vị trí thành viên HĐQT không độc lập.

Sau khi bầu bổ sung hai thành viên trên thì ban quản trị của Vinamilk gồm 10 người.

Tại buổi họp, HĐQT công ty cũng trình ĐHĐCĐ phê duyệt thù lao HĐQT năm 2021 là 25 tỷ đồng, tính theo số lượng 11 thành viên, tương đương với mức thù lao năm 2018, 2019, 2020. Thù lao HĐQT sẽ được tính và chi trả tương ứng với số lượng thành viên thực tế.

PHẦN THẢO LUẬN:

1, Kế hoạch doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận lại đi ngang?

Bà Mai Kiều Liên giải đáp kế hoạch lợi nhuận bị ảnh hưởng của giá nguyên vật liệu. Năm 2021, giá nguyên vật liệu tăng cao chưa từng có.

Bên cạnh đó, lợi nhuận phụ thuộc rất nhiều vào doanh số, sức mua thấp thì lợi nhuận không thể tăng trưởng được.

CEO cho biết việc tăng giá bán trong bối cảnh dịch COVID-19, nền kinh tế khó khăn chung là việc hết sức đáng cân nhắc.

Công ty đã chốt giá nguyên vật liệu sữa bột tới tháng 6/2021, giá tăng bình quân của nguyên vật liệu quý I so với cùng kỳ là không cao nhưng từ quý II là tăng rất cao.

2, Hiệp định EVFTA ảnh hưởng như thế nào tới Vinamilk?

Bà Mai Kiều chia sẻ ngành sữa không được bảo hộ mấy chục năm nay, thuế nhập khẩu rất thấp so với các mặt hàng khác nên việc tham gia hiệp định khiến mức thuế có giảm vài % cũng không tác động nhiều. Bên cạnh đó, xuất khẩu vào châu Âu ít nên việc tham gia hiệp định cũng không có tác động nhiều.

3, Lợi nhuận quý I/2021 của Vinamilk

Bà Mai Kiều Liên cho biết quý I Vinamilk đạt 13.241 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế 2.597 tỷ đồng. So với kế hoạch đề ra, Vinamilk đã thực hiện được 21,3% kế hoạch doanh thu và 23% mục tiêu lợi nhuận đề ra.

Tổng Giám đốc cho biết thêm cuối năm 2020, công ty dự báo kết quả kinh doanh khả quan hơn trong quý I nhưng dịch bệnh bùng phát đợt ba là không ngờ tới nên kết quả có kém hơn chút.

Mộc Châu Milk, Vinamilk hay bất kể đơn vị cùng ngành nào trong nước đều đối mặt với sức mua giảm trong quý I.

Tuy nhiên bà cam kết từ tháng 4 tới hết năm doanh nghiệp sẽ phấn đấu để đảm bảo kế hoạch đề ra.

4, Lý do không phát hành ESOP

CEO của công ty sữa số 1 Việt Nam cho biết ESOP là một công cụ thu hút nhân tài và lần phát hành ESOP gần nhất của Vinamilk là năm 2016.

Giải trình về việc chưa phát hành ESOP, bà Liên cho hay nhà nước hiện đang nắm 36%, nếu phát hành ESOP sở hữu của nhà nước sẽ bị pha loãng và giảm xuống dưới 36%. Đây là điều cổ đông nhà nước không đồng ý.

5, Tác động của việc sáp nhập GTNfoods vào Vilico tới Vinamilk

Tại đại hội, cổ đông đặt câu hỏi việc huỷ niêm yết GTNfoods để sáp nhập vào Vilico ảnh hưởng ở góc độ kế toán tới Vinamilk ra sao, có lợi nhuận hoặc chi phí kế toán nào phát sinh bất thường trong năm 2021, lợi thế thương mại ra sao sau sáp nhập.

Bà Mai Kiều Liên giải đáp, về lâu dài khi sáp nhập sẽ tốt hơn do đơn giản cấu trúc của các công ty thành viên. Còn trong ngắn hạn việc hạch toán kế toán sẽ phải chờ kết quả kiểm toán sau sáp nhập mới biết được.

6, Lãnh đạo Vinamilk nói gì về nguyên nhân giá cổ phiếu giảm?

Cổ đông đặt câu hỏi cổ phiếu của công ty đã giảm 12 tháng qua, ban lãnh đạo công ty có biện pháp gì khôi phục lại niềm tin của nhà đầu tư.

Ông Lê Thành Liêm, Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Điều hành Tài chính của Vinamilk cho biết, so với đầu năm 2021, giá cổ phiếu của công ty giảm khoảng 7%, do nhiều yếu tố khách quan và nội tại.

Kết phiên 23/4, giá cổ phiếu VNM dừng ở mốc 99.500 đồng/cp. Vốn hoá của Vinamilk tính đến ngày 23/4 đạt xấp xỉ 9 tỷ USD, ông Liêm cho hay theo đánh giá gần đây (tổ chức tài chính, công ty chứng khoán) vẫn đưa ra các đánh giá tích cực với cổ phiếu VNM.

5100-vnm-1
Diễn biến giá cổ phiếu VNM.

Chia sẻ về hành động của ban lãnh đạo công ty về việc giúp giá cổ phiếu hồi phục, ông Liêm chia sẻ trong đợt giá cổ phiếu giảm sâu vào tháng 3/2020, ban điều hành đã đăng ký mua để ổn định giá cổ phiếu trên thị trường, tăng mua cổ phiếu. Tuy nhiên, do thay đổi của Luật chứng khoán mới nên đã tạm dừng phương án mua cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ.

Thu Thủy

Tin cũ hơn
Xem thêm