ĐHĐCĐ CEO Group: Cổ đông tham dự đông kỷ lục, Chủ tịch HĐQT nhận hơn 100 câu hỏi chất vấn

Cập nhật: 12:07 | 30/04/2022 Theo dõi KTCK trên

Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Tập đoàn CEO (HNX: CEO) dự kiến bắt đầu lúc 8h sáng 29/4, tuy nhiên số lượng cổ đông tới dự đại hội “đông chưa từng có” khiến thủ tục thẩm tra tư cách cổ đông kéo dài tới 1,5 giờ. Ban tổ chức bố trí hai hội trường ở tầng 6 (tham gia trực tiếp) và tầng 9 (tham dự qua màn hình) để đủ chỗ ngồi cho cổ đông. Phiên thảo luận cũng nóng rẫy với màn đối đáp gần 1 giờ.

Năm 2021, CEO Group đạt 1.249 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế đạt 82 tỷ đồng. Sau khi trích các quỹ, Công ty còn 75,8 tỷ đồng lợi nhuận nên HĐQT đề xuất không chia cổ tức năm 2021 mà để tiền phục vụ đầu tư và hoạt động các năm sau. Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022, với doanh thu hợp nhất 3.000 tỷ đồng, lãi sau thuế hợp nhất 300 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực bất động sản nhà ở năm 2021, công ty tập trung triển khai các dự án trọng điểm đáp ứng tiến độ công tác kinh doanh và bàn giao cho khách hàng, đồng thời, nỗ lực thúc đẩy việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý quan trọng cho các dự án.

ĐHĐCĐ CEO Group: Tranh cãi gay gắt việc tăng vốn và dùng vốn vay minh bạch
Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Tập đoàn CEO (HNX: CEO)

Với lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng thời gian qua, CEO Group vẫn nỗ lực đẩy mạnh hoạt động kinh doanh các sản phẩm ở 2 thị trường trọng điểm là Vân Đồn (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang). Tại Dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City, CEO Group lần đầu tiên định danh và phát triển concept nghỉ dưỡng “Homeliday” (kết hợp của “second-home” - ngôi nhà thứ 2 và “holiday” - kỳ nghỉ). Doanh nghiệp kỳ vọng concept này sẽ góp phần đưa Vân Đồn vươn mình trở thành trung tâm ngôi nhà thứ hai của cả nước.

Ở mảng phát triển nguồn nhân lực năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch bệnh Covid-19 và các chính sách đóng cửa biên giới của Nhật Bản, việc đưa các thực tập sinh sang thị trường Nhật Bản của Tập đoàn chịu ảnh hưởng tiêu cực do hoạt động này gần như bị tạm dừng. Tính đến 12/2021, tập đoàn đã đưa được hơn 6.000 lao động sang thị trường Nhật Bản.

Hoạt động du lịch và quản lý khách sạn của CEO bị ảnh hưởng nặng nề. Các khách sạn tại Phú Quốc của tập đoàn đã phải vận hành ở mức tối thiểu trong suốt thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19.

Trong năm nay, tập trung triển khai các dự án trọng điểm: CEO Homes Hana Garden City tại Hà Nội, Sonasea Residences tại Phú Quốc, đáp ứng tiến độ công tác kinh doanh theo kế hoạch.

Đối với lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, tiện ích và thi công xây dựng các hạng mục, sản phẩm tại dự án trọng điểm Sonasea Vân Đồn Harbor City, trong đó tập trung triển khai sản phẩm Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn; hoàn thiện thủ tục các dự án BĐS nghỉ dưỡng khác để chuẩn bị thi công và kinh doanh khi điều kiện thuận lợi. Công ty cũng tiếp tục giới thiệu tới thị trường những sản phẩm BĐS đáp ứng nhu cầu thị trường tại các dự án trọng điểm của tập đoàn trong năm 2022 như Sonasea Vân Đồn Harbor City, Sonasea Residences Phú Quốc, sớm đưa các dự án tiềm năng khác vào triển khai.

Đối với lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, công ty tiếp tục lấy thị trường Nhật Bản là thị trường trọng tâm trong năm 2022, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyển sinh các chuyên ngành về du lịch, điều dưỡng. Nghiên cứu, lập hồ sơ xin cấp giấy phép mở mã ngành ngôn ngữ Nhật để kịp thời phục vụ cho công tác tuyển sinh năm 2022.

Tiếp tục áp dụng các phương pháp kinh doanh linh hoạt, CEO cũng chuẩn bị mọi điều kiện để các lĩnh vực kinh doanh chủ chốt khác đều có thể bứt tốc hậu Covid-19. Công ty cũng lên kế hoạch triển khai các hình thức huy động vốn phù hợp, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn để phục vụ việc thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2022, chiến lược trung và dài hạn.

Phiên thảo luận kéo dài 1 giờ. Một số nội dung thảo luận đáng chú ý

Bước vào phiên thảo luận, chủ tịch CEO Group, ông Đoàn Văn Bình, cho biết ông nhận được hơn 100 câu hỏi của cổ đông, con số chưa từng có.

ĐHĐCĐ CEO Group: Tranh cãi gay gắt việc tăng vốn và dùng vốn vay minh bạch
Các cổ đông đặt nhiều câu hỏi về việc tăng vốn.

Ông Bình đề xuất cổ đông cho phép trả lời lần lượt các câu hỏi được gửi tới. Tuy nhiên, chỉ sau 2 câu trả lời, cổ đông đã đòi hỏi được đối đáp trực tiếp với chủ tịch HĐQT và đoàn chủ tịch đại hội.

Điều đáng chú ý là sau khi trả lời trong khoảng 28 phút, ông Bình muốn khép lại phiên thảo luận thì hàng trăm cổ đông đã yêu cầu kéo dài phiên thảo luận. Diễn biến ngoài dự kiến này đã khiến phiên thảo luận kéo dài tới 1 giờ đồng hồ.

- Mục tiêu chiến lược của CEO Group là gì?

Chủ tịch HĐQT Đoàn Văn Bình: Thời gian qua, lãnh đạo tập đoàn đã phối hợp với PwC xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2022 – 2027 với các nội dung chính. Một là CEO sẽ là tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành, hàng đầu Việt Nam, ROE trung bình 10% trở lên. Hai là nâng cao uy tín thương hiệu, kinh doanh có trách nhiệm với cộng đồng. Ba là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bốn là nâng cao năng lực tài chính. Năm là chuyển đổi số, quản trị hiệu quả, thúc đẩy công tác bán hàng.

Đến năm 2026, về bất động sản, CEO Group là nhà phát triển hàng đầu tại Việt Nam, tập trung vào đô thị tích hợp, nhà vừa túi tiền, đô thị nghỉ dưỡng. Chúng tôi ưu tiên cho phát triển dự án đô thị, đô thị tích hợp nghỉ dưỡng, không ưu tiên dự án thuần túy du lịch nghỉ dưỡng.

CEO sẽ tập trung phát triển quỹ đất gấp rưỡi đến gấp đôi hiện nay. Hiện nay CEO đang có hơn 1.000 ha đất, sẽ phát triển thêm 500 - 1.000 ha cho năm 2022 và các năm tới ở các địa bàn trọng điểm, tập trung tại các thành phố trực thuộc trung ương và các tỉnh lân cận, đặc biệt ưu tiên cho đô thị ven biển, có hạ tầng tốt, có tiềm năng phát triển và phù hợp với chiến lược của tập đoàn.

Về sản phẩm, CEO sẽ chào bán ra thị trường trên 4.000 sản phẩm bất động sản với ít nhất 1 triệu m2 sàn và 600.000 m2 đất kinh doanh, 3.000 - 5.000 phòng khách sạn.

Về xây dựng, CEO sẽ tăng năng lực xây dựng công ty xây dựng làm tổng thầu các dự án, bao gồm các dự án của chính tập đoàn.

Về dịch vụ, tập đoàn sẽ phát triển thương hiệu quản lý khách sạn.

Về giáo dục, tập đoàn đặt mục tiêu tốp 10 về đào tạo xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, tốp 20 về xuất khẩu lao động tại Việt Nam.

Tập đoàn cũng xác định phát triển nhiều lĩnh vực mới để đa dạng nguồn thu. Trong 5 năm tới, chúng tôi hướng vào: năng lượng xanh, bất động sản khu công nghiệp, bất động sản logistics, bất động sản cho người cao tuổi, chuỗi viện dưỡng lão.

Trong 5 năm tới, mục tiêu doanh thu 33.000 – 35.000 tỷ đồng, tức mỗi năm bình quân 6.500 – 7.000 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 1 tỷ USD, lợi nhuận 4.000 tỷ đồng, tức mỗi năm bình quân 700 – 800 tỷ đồng.

Cổ tức phấn đấu chia 10% mỗi năm.

- Các dự án trọng điểm của CEO trong năm 2022?

Ông Đoàn Văn Bình: Chúng ta sẽ tập trung vào Sonasea Vân Đồn Harbor City, hiện có quỹ đất sạch 100 ha. Dự án này theo quy hoạch là 358 ha, phân kỳ 1 đã giao hơn 100 ha, đang được thị trường đón nhận tích cực. Ngày mai, 30/4, ở Vân Đồn sẽ khởi công 4 dự án, trong đó có Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn. Sau một năm, chúng ta sẽ khánh thành khu nghỉ dưỡng này. Đây là dự án trọng điểm không chỉ của năm 2022 mà còn của vài năm tới.

Dự án thứ hai là CEO Mê Linh, dự án này rộng 21 ha, đã xong giải phóng mặt bằng, đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để chào bán vào cuối năm nay. Dự án có 1.200 sản phẩm, trong đó có hơn 500 thấp tầng, khoảng 450 căn chung cư và hơn 200 căn nhà ở xã hội.

Dự án thứ ba đang giải phóng mặt bằng là Sonasea Residences Phú Quốc, mục tiêu là khởi công vào quý IV/2022.

- Doanh thu lợi nhuận năm 2022 đến từ những dự án nào?

Phó Tổng Giám đốc Vũ Thị Lan Anh: Dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City sẽ chiếm 60% tổng doanh thu năm 2022; dự án Sonasea Residences Phú Quốc sẽ chiếm khoảng 25% tổng doanh thu năm 2022; còn lại là các dự án khác.

Về kết quả kinh doanh quý I/2022, doanh thu khoảng 300 tỷ đồng, lãi trước thuế khoảng 47 tỷ đồng.

- CEO đã từng phát hành trái phiếu chưa và có dự kiến phát hành thời gian tới?

Bà Vũ Thị Lan Anh: Tính tới giờ, công ty mẹ chưa phát hành, nhưng năm 2020, một đơn vị thành viên là CEO Vân Đồn có phát hành 220 tỷ đồng, thời hạn 36 tháng, sử dụng đúng mục đích là cho dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City.

CEO chưa có ý định phát hành, tuy nhiên, ban lãnh đạo tập đoàn hoàn toàn tự tin với việc phát hành khi cần thiết nhờ thương hiệu, uy tín, sự minh bạch.

- Vì sao Tập đoàn tăng vốn thời điểm này?

Với CEO, đây là chuyện thận trọng. Trước đây, nhiều cổ đông lớn đã hỏi tại sao tập đoàn rụt rè vậy, tính toán cẩn thận quá, chắc ăn quá… thực ra mỗi lần đưa ra kế hoạch trình cổ đông, chúng tôi đã phải họp bàn kỹ càng.

Tại sao ta tăng vốn lúc này, là vì nó xuất phát từ nhu cầu sử dụng vốn của công ty. Ta vừa muốn mở rộng hoạt động, quỹ đất nhưng lại không muốn tăng vốn, điều đó… hơi mâu thuẫn. Cổ đông biết rằng tiền đầu tư dự án, trước hết là tiền tự có của doanh nghiệp, thực hiện xong nghĩa vụ ngân sách mới có thể vay ngân hàng.

Ngoài ra, cổ đông biết rằng nhà nước quản lý dự án rất chặt chẽ. Doanh nghiệp phải chứng minh vốn tự có của mình. Một nguồn vốn không thể dùng để chứng minh cho nhiều dự án. Vốn của CEO là 2.500 tỷ đồng, đã phân bổ hết cho các dự án rồi. Do đó, ta muốn mở rộng danh mục dự án thì phải tăng vốn.

Tôi tin rằng mong muốn của cổ đông cũng như ban lãnh đạo đều là phát triển công ty một cách bền vững.

-Việc siết tín dụng bất động sản ảnh hưởng tới công ty như thế nào?

Thực tế không phải bây giờ mới siết tín dụng. Chúng tôi đang hiểu rằng siết tín dụng là siết việc thực hiện một khoản tín dụng nào đó, cần thẩm định chặt chẽ, đảm bảo pháp lý và hiệu quả. Xét ở khía cạnh đó thì chúng tôi tự tin.

Về nguồn, các ngân hàng không tăng “room” cho vay, nhưng thời gian qua, các ngân hàng đều tăng vốn, do đó “room” cho vay cũng rộng ra.

- Xin chủ tịch cho biết dự án tại Hà Nam đang làm đến đâu, quỹ đất còn lại là bao nhiêu?

Ông Đoàn Văn Bình: Dự án Hà Nam được phê duyệt 126ha, chia làm 6 phân kỳ, hiện đã hoàn thành phân kỳ 1 – 2 – 3, quy mô 40 ha. Chúng tôi đang tích cực làm việc cho 3 phân kỳ còn lại. Về tiến độ, chúng ta sẽ triển khai 2023 - 2025.

- Việc phát hành tăng vốn đột ngột, chúng tôi giờ mới được đọc. Chúng tôi muốn đoàn chủ tịch giải thích rõ hơn?

Phó Tổng Giám đốc Vũ Thị Lan Anh: Như tài liệu đã nói, tập đoàn dùng 800 tỷ cho dự án ở Phú Quốc, dự án này đang giải phóng mặt bằng, chi tới 700 tỷ đồng rồi. Tập đoàn cũng chi cho các công ty con, như các cổ đông đã biết, tăng vốn cho công ty con không chỉ để triển khai dự án hiện tại mà còn là nâng cao năng lực. Ví dụ dự án ở Vân Đồn đang triển khai gần 100ha, trong khi quy mô hơn 300ha, để có năng lực triển khai phân kỳ tiếp theo thì phải tăng vốn.

Xin chia sẻ, quy mô vốn của tập đoàn là 2.500 tỷ đồng, nhưng tập đoàn đã đầu tư 2.400 tỷ đồng vào công ty con, nên khi chứng minh năng lực triển khai dự án gặp khó.

- Chủ tịch nói trong 5 năm tới, kế hoạch doanh thu 36.000 tỷ đồng, lãi bình quân 800 tỷ đồng/năm, chúng tôi đề nghị chủ tịch giữ lời hứa, chứ từ trước tới giờ lãi của tập đoàn chưa đáp ứng kỳ vọng. Chúng tôi cũng thắc mắc vì sao lãi chỉ 10%?

Chủ tịch Đoàn Văn Bình: Chiến lược đặt ra thì chúng tôi luôn nỗ lực hết sức, còn việc thực thi phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chúng tôi cam kết nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu.

Về lợi nhuận thấp, 2 năm qua là hết sức khó khăn, dự án thì cái lãi nhiều, cái lãi ít. Yếu tố tác động rất nhiều, vừa rồi là Covid-19, chiến sự Nga – Ukraine, bão giá vật liệu, tức có nhiều yếu tố bất ngờ ảnh hưởng kế hoạch kinh doanh, do đó ROE 10% cũng là mức phấn đấu.

CEO Group lên kế hoạch lợi nhuận 2022 gấp 3,6 lần năm trước, không chia cổ tức năm 2021

Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên, Tập đoàn C.E.O (HNX: CEO) lên kế hoạch doanh thu năm nay đạt 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận ...

Cổ phiếu CEO: "Hiện tượng lạ” đối với nhiều nhà đầu tư trong năm 2021

Theo dõi trên thị trường chứng khoán, có thể nói cổ phiếu Công ty cổ phần Tập đoàn CEO (mã Ck: CEO) là một “hiện ...

CEO Group: Tiếp tục lỗ quý II/2021, giá cổ phiếu đi ngang sau 7 năm lên sàn

CTCP Tập đoàn C.E.O (HOSE: CEO) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2021 và luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021 với các ...

Diệp Quỳnh

Tin cũ hơn
Xem thêm