Đề nghị truy tố ông Lê Thanh Thản - Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh về tội Lừa dối khách hàng

Cập nhật: 10:43 | 02/04/2021 Theo dõi KTCK trên

Ông Lê Thanh Thản, chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh bị đề nghị truy tố về tội Lừa dối khách hàng do có sai phạm liên quan đến dự án CT6 Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội). Cùng bị đề nghị truy tố với ông Lê Thanh Thản còn có một số cán bộ, trong đó có ông Nguyễn Duy Uyển - chủ tịch UBND phường Kiến Hưng, quận Hà Đông; Vương Đăng Quân - nguyên Phó Chánh Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông...

Hôm nay (2/4), Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội cho biết vừa kết thúc điều tra vụ án Lừa dối khách hàng, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại dự án CT6 Kiến Hưng, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội.

Theo đó, ông Thản (Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, Tổng giám đốc Công ty Bemes) bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đề nghị truy tố theo khoản 2 điều 198 Bộ luật Hình sự 2015; khung hình phạt từ phạt tiền từ 100 triệu đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ một đến 5 năm.

Đề nghị truy tố ông Lê Thanh Thản   Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh về tội Lừa dối khách hàng
Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh bị đề nghị truy tố về tội Lừa dối khách hàng. Ảnh nguồn internet

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố: Nguyễn Duy Uyển (Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng, Hà Đông), Vương Đăng Quân (nguyên Phó chánh Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông), Mai Quang Bài (cán bộ Đội Quản lý trật tự xây dựng quận Hà Đông) và Bùi Văn Bằng, Đỗ Văn Hưng, Nguyễn Văn Năm cùng về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 2 điều 285 Bộ luật Hình sự 1999. Khung hình phạt của tội danh này từ ba đến 12 năm tù.

Ông Thản bị Công an Hà Nội cáo buộc liên quan sai phạm tại Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes ở khu đô thị Kiến Hưng (phường Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội). Ông bị khởi tố, cho tại ngoại vào tháng 7/2019. Hồ sơ vụ án đã được chuyển đến VKSND Hà Nội truy tố.

Theo kết luận của thanh tra Hà Nội, dự án tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes tại CT6 phương Kiến Hưng, quận Hà Đông có nguồn gốc đất xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng sỏi nhẹ Keranzit. Năm 2011, UBND Hà Nội có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để làm dự án.

Khi triển khai, chủ đầu tư đã tăng tăng diện tích xây dựng thêm hàng ngàn mét; tăng chiều cao xây dựng từ 31 lên 32 tầng, giảm một tầng hầm; thay đổi công năng sử dụng: biến các tầng có chức năng dịch vụ, khách sạn thành căn hộ. Toàn bộ diện tích 718,8 m2 quy hoạch xây dựng nhà trẻ đã chuyển đổi thành các căn hộ thấp tầng.

Từ những sai phạm tại dự án CT6 và 8 dự án do doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên và Công ty Bemes do ông Thản là người đại diện theo pháp luật, Thanh tra thành phố kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc; Sở Tài Nguyên Môi trường và Sở Xây dựng; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm với Chủ tịch quận Hoàng Mai và Hà Đông, Chủ tịch phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai) và Kiến Hưng (Hà Đông).

Sau cuộc thanh tra trên, giữa năm 2018, tập thể cư dân chung cư CT6 Kiến Hưng có đơn kiến nghị gửi HĐND, UBND Hà Nội, Sở Tài Nguyên Môi trường về việc ở đã 3 năm nhưng không được cấp sổ đỏ.

UBND TP. Hà Nội sau đó trả lời, theo Quy hoạch thiết kế, dự án chỉ được duyệt hai tòa chung cư CT6A và CT6B với 970 căn, trong đó có 936 căn chung cư cao tầng, còn lại là thấp tầng và biệt thự liền kề. Thực tế, chủ đầu tư đã xây thêm tòa CT6C, nâng tổng số căn chung cư không phép là 654 và 4 biệt thự liền kề, nhà thấp tầng. Người mua những căn hộ này vì thế chưa được cấp sổ hồng.

TP. HCM: Đề nghị truy tố cựu Chánh Thanh tra Sở Tài chính

Lê Thị Thanh Tuyền - nguyên Chánh Thanh tra Sở Tài chính TP. HCM, cùng các đồng phạm đã bỏ qua nhiều quy định về ...

Lộ hàng loạt sai phạm nghiêm trọng ở cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Theo kết quả điều tra, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thi công bằng vật liệu kém chất lượng, các đơn vị liên quan ...

Truy tố 19 bị can vụ dự án Gang thép Thái Nguyên (TISCO)

Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) vừa ban hành cáo trạng truy tố 19 bị can trong vụ án sai phạm xảy ra tại dự ...

Tuệ An