Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để chống dịch COVID-19 hiệu quả

Cập nhật: 12:24 | 31/10/2021 Theo dõi KTCK trên

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, cùng vói việc thực hiện quy tắc 5K + vắc xin, việc ứng dụng công nghệ thông tin được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu để đẩy lùi dịch bệnh.

5832-cong-nghy-2

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để chống dịch COVID-19 hiệu quả

Thời gian vừa qua, các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ phòng, chống dịch đóng vai trò rất quan trọng trong thực hiện khai báo y tế điện tử; truy vết, phát hiện người tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19; quản lý người cách ly, giám sát các khu cách ly; đánh giá nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương; quản lý công tác tiêm chủng, kết quả xét nghiệm… Bằng việc sử dụng công nghệ thông tin sẽ truy vết, phát hiện những người có tiếp xúc gần với người mang mầm bệnh, kịp thời khoanh vùng, cách ly đã mang lại hiệu quả.

Bên cạnh đó, trong công tác lấy mẫu xét nghiệm, nếu chúng sử dụng phương pháp truyền thống thì sẽ tốn thời gian trong việc tổ chức lấy mẫu diện rộng cũng như khi trả kết quả cho người dân. Khi ứng dụng công nghệ thông tin thì chúng ta có thể thực hiện việc này nhanh chóng và đơn giản hóa các thủ tục. Người dân có thể chủ động khai báo thông tin trên ứng dụng, đến các điểm xét nghiệm cũng như nhận kết quả nhanh chóng.

Nhìn chung, trong công tác phòng chống dịch, khi ứng dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả và phù hợp sẽ giúp cơ quan y tế hoặc lực lượng chức năng dễ dàng truy vết, khoanh vùng, dập dịch khi có mối nguy cơ F0 trong cộng đồng. Đồng thời, giúp người dân chủ động theo dõi, nắm rõ tình hình dịch bệnh; tự bảo vệ mình khỏi nguy cơ lây nhiễm.

Các nền tảng và ứng dụng công nghệ số đã được áp dụng rộng rãi trong công tác phòng, chống dịch bệnh như: Cơ sở dữ liệu tiêm chủng COVID-19 quốc gia tại Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 (http://tiemchungCOVID19.gov.vn); các ứng dụng khai báo y tế và quản lý vào, ra các địa điểm dựa trên nền tảng QR Code; khai báo y tế và đăng ký xét nghiệm nhanh…

Để nâng cao hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ thông tin đẩy lùi dịch bệnh, nhiều ứng dụng khai báo, nhưng lại trùng lặp về chức năng, mục đích trong chống dịch COVID-19 đã dược gộp lại. Sau khi quá trình phê duyệt được hoàn tất, ứng dụng PC-COVID đã chính thức được đưa lên kho ứng dụng App Store và Google Play để người dùng tải về và cài đặt miễn phí. Riêng đối với người dùng sử dụng thiết bị chạy hệ điều hành Android có thể thực hiện tải về ứng dụng thông qua địa chỉ (pccovid.gov.vn) do Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp.

Ứng dụng PC-COVID được xây dựng khẩn trương với sự phối hợp giữa Bộ Y tế, Bộ Công an, các doanh nghiệp công nghệ và những đơn vị liên quan theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển một ứng dụng thống nhất trong phòng chống dịch COVID-19.

5327-pc-covid
Ứng dụng hỗ trợ chống dịch PC-COVID

PC-COVID được trang bị 9 tính năng chính gồm: Thẻ COVID-19; Khai báo y tế; Khai báo di chuyển nội địa; Thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm; Cấp, quản lý mã QR cá nhân và địa điểm; Quét mã QR; Truy vết tiếp xúc gần, Bản đồ nguy cơ, và Phản ánh.

Các tính năng trên được tổng hợp từ loạt ứng dụng phòng chống dịch trước đó, như Bluezone, VHD, VNeID, Sổ sức khỏe điện tử...

Ứng dụng được liên thông để thực hiện đối soát, xác thực với 4 nguồn dữ liệu lớn và quan trọng gồm: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêm chủng, phòng ngừa COVID-19; Cơ sở dữ liệu về xét nghiệm COVID-19. Trong số này, ba nguồn dữ liệu đầu là tập trung và thống nhất, trong khi nguồn thứ tư được phân tán ở các địa phương, bệnh viện, cơ sở xét nghiệm…

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong thời gian tới, ứng dụng sẽ được phát triển thêm các tính năng khác để thuận tiện cho người dân và phù hợp với chiến lược phòng chống dịch theo từng giai đoạn.

Bộ Y tế hỗ trợ các địa phương việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch

Đánh giá cao vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch, Bộ Y tế đã có một số văn bản hướng dẫn các địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các bộ giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch trong thời kỳ mới.

Song song với đó, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra nhiều giải pháp tuyên truyền để các cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện nhằm triển khai nhanh chóng, thống nhất.

Qua thực tiễn, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng đem lại những giá trị nhất định trong phòng chống dịch của các tỉnh trên cả nước.

Theo báo cáo của Sở Y tế Đồng Nai, nền tảng khai báo y tế và quét mã QR Code quản lý ra vào các đơn vị được triển khai tại nhiều đơn vị trực thuộc ngành, bao gồm 3 ứng dụng: Ncovi, Bluezone và VHD (Việt Nam Health Declaration) từ tháng 7/2021. Từ cuối tháng 9/2021, ứng dụng PC-COVID quốc gia vừa được đưa vào sử dụng và trở thành ứng dụng duy nhất phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Ứng dụng PC-COVID thay thế cho toàn bộ các ứng dụng phòng, chống dịch trước đây như: Bluezone, NCovi, VneID, tokhaiyte, khai báo mã QR, trừ Sổ sức khỏe điện tử. Đến ngày 8/10, số lượng thuê bao có Smart phone toàn tỉnh là 2.526.881, trong đó số thuê bao thực hiện cài đặt PC-COVID là 927,225 (đạt 36%), TP Biên Hoà là địa phương có số cài đặt cao nhất chiếm 43%, địa phương có số cài đặt thấp nhất là Xuân Lộc với 26%.

Tại nền tảng quản lý tiêm chủng vắc xin COVID-19. Hệ thống này gồm 4 thành phần: Công khai thông tin tiêm chủng phòng COVID -19 tại địa chỉ: http://tiemchungcovid19.gov.vn; Hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng; Hệ thống phục vụ công tác chỉ đạo điều hành; Ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử. Kể từ ngày triển khai công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 vào tháng 4-2021, Sở Y tế phối hợp với Công ty Viettel chi nhánh Đồng Nai tổ chức tập huấn và cấp tài khoản hệ thống cho 260 cơ sở tiêm chủng trên địa bàn, đồng thời triển khai nhập liệu, quản lý vắc xin theo quy định của Bộ Y tế. Đây cũng là ứng dụng bắt buộc người dân phải sử dụng để hiện thị việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 của mỗi người khi tham gia vào các hoạt động trong điều kiện mới.

0713-yyng-nai
Người dân thực hiện quét mã QR tại CDC Đồng Nai khi tham gia tiêm chủng.

Tại TP Hồ Chí Minh, thực trạng giãn cách xã hội đã kéo dài, nhiều người dân thành phố gặp khó khăn về đời sống. Sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong chăm lo đời sống người dân đôi khi chưa bao phủ hết, khiến nhiều hộ chưa được hỗ trợ, tiếp cận. Thành phố đã nhanh chóng triển khai tích hợp các kênh vào Cổng thông tin 1022 (Tổng đài 1022) để hỗ trợ, hướng dẫn người dân các vấn đề liên quan đến đời sống.

Theo ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh , mục tiêu lớn nhất của Cổng thông tin 1022 là giúp đỡ, tạo thuận tiện cho người dân khi gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 được các cơ quan chức năng hỗ trợ kịp thời. Thành phố cũng thực hiện giải pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm đời sống người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, hướng đến mục tiêu chung “không một người dân nào bị bỏ lại phía sau” trong “cuộc chiến” chống đại dịch COVID-19 trên địa bàn.

Hay như tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kiểm soát đảm bảo việc phòng, chống dịch bệnh hiệu quả đối với các phương tiện giao thông lưu thông trên địa bàn tỉnh.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Xuân Sơn, nhằm đảm bảo việc phòng, chống dịch bệnh hiệu quả đối với các phương tiện lưu thông trên địa bàn tỉnh, địa phương đã áp dụng đồng thời việc kiểm soát dựa vào khai báo y tế, kết hợp với áp dụng kiểm soát bằng công nghệ. Hệ thống camera được lắp đặt trên các tuyến đường và căn cứ vào các loại thẻ để giám sát mức độ tuân thủ quy định của người điều khiển phương tiện giao thông. Nhờ vậy, việc lưu thông của các phương tiện diễn ra thuận tiện, đặc biệt là việc giao nhận hàng hóa tại các nhà máy, khu công nghiệp không bị ách tắc, gián đoạn. Từ khi áp dụng đến nay, hệ thống camera giám sát được hơn 75.000 phương tiện lưu thông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế và đã phát hiện hơn 5.000 lượt xe vi phạm.

Tỉnh Bình Thuận ra mắt Bản đồ số “Chạm yêu thương” là sản phẩm ứng dụng công nghệ số trong việc kết nối thông tin nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận với đầy đủ thông tin về nguồn lực cần hỗ trợ của 124 xã, phường, thị trấn trong tỉnh giúp việc kết nối, hỗ trợ nguồn lực đến các địa phương được nhanh chóng, tiện lợi và hiệu quả hơn.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để chống dịch COVID-19 hiệu quả
Bản đồ số "chạm yêu thương", một sản phẩm hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 của Tỉnh Bình Thuận

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng trang thông tin chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh và ứng dụng Smart Thanh Hóa, góp phần kiểm soát công tác phòng, chống dịch.

Khi cài đặt ứng dụng Smart Thanh Hóa trên nền tảng di động, người dân có thể theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh của thế giới, trong nước và địa phương; đồng thời cập nhật liên tục các văn bản chỉ đạo, điều hành của tỉnh Thanh Hóa về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, người sử dụng có thể nắm được thông tin về lịch sử di chuyển của ca bệnh cũng như các trường hợp liên quan, thông tin vùng cách ly y tế, chốt kiểm soát... không di chuyển đến các điểm nóng, tránh lây nhiễm dịch. Phần mềm này cũng cho phép người dân phản ánh về các trường hợp nghi mắc COVID-19 hoặc lợi dụng tình hình dịch bệnh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…

Việc triển khai các giải pháp công nghệ số không chỉ có ý nghĩa ngay trong giai đoạn phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh, quản lý, vận hành xã hội trong tình hình mới; mà còn tạo cơ sở dữ liệu đa dạng tích hợp dùng chung cho tỉnh; thay đổi hành vi, thói quen sử dụng công nghệ của người dân.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Hoàng Hà