Đầu tư công nghệ cao gia tăng sản xuất, chủ động ứng phó với "bão" Covid-19

Cập nhật: 06:06 | 19/07/2021 Theo dõi KTCK trên

Bất chấp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm ngành sản xuất trên sàn chứng khoán đã và đang tiếp tục đầu tư vào thiết bị, công nghệ cao để vượt ‘bão’ Covid-19.

Năm 2021, trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã chủ động áp dụng công nghệ cao để gia tăng sản xuất, giảm thiểu rủi ro, đảm bảo sự phát triển của nền kinh tế.

Kiến nghị tiêm vaccine đảm bảo an toàn cho người lao động

Quán triệt thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã đặt mục tiêu cho toàn hệ thống các đơn vị thành viên là phải triệt để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để duy trì sản xuất kinh doanh ổn định. Một trong số các biện pháp đó chính là tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động.

1256-5717-7
Nhà máy Đạm Phú Mỹ là một trong những đơn vị của ngành dầu khí và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid–19 do hàng ngày Nhà máy sản xuất khoảng 2.450 tấn Đạm Phú Mỹ và gần 1.000 tấn NPK Phú Mỹ chất lượng cao để phục vụ cho bà con nông dân cả nước.

Đơn cử, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động và vận hành Nhà máy liên tục, ngày 24/6/2021, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo – mã chứng khoán DPM) và Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã phối hợp cùng Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiến hành tiêm vắc-xin phòng Covid – 19 đợt 1 cho khối sản xuất.

Trong đợt tiêm đầu tiên ngày 24/6/2021, có 200 người lao động (NLĐ) được tiêm mũi thứ nhất vắc-xin phòng Covid - 19 AstraZeneca. Công tác tiêm vắc-xin được triển khai ngay tại khu vực Nhà máy với các cơ sở vật chất và điều kiện đáp ứng đầy đủ yêu cầu quy định.

Nhà máy Đạm Phú Mỹ là một trong những đơn vị của ngành dầu khí và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid–19 do hàng ngày Nhà máy sản xuất khoảng 2.450 tấn Đạm Phú Mỹ và gần 1.000 tấn NPK Phú Mỹ chất lượng cao để phục vụ cho bà con nông dân cả nước.

Ông Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch Công đoàn Nhà máy cho biết: “Nhờ sự quan tâm của Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty và Nhà máy, anh em rất phấn khởi khi được tiêm đợt đầu tiên, càng vững tâm lao động, cống hiến, bám máy, bám dây chuyền vận hành sản xuất liên tục để cung ứng phân bón kịp thời cho ngành nông nghiệp nước nhà”.

Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, PVFCCo đã liên tục thực hiện các biện pháp phòng chống từ xa, “nhiều vòng nhiều lớp”, nhằm kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa và hạn chế thấp nhất các nguy cơ, đảm bảo sức khỏe của người lao động, duy trì liên tục, thường xuyên các hoạt động SXKD của TCT. Người lao động của Tổng công ty cũng hết sức nghiêm túc, tuân thủ các quy định và tình nguyện trực chiến tại các khu vực Nhà máy, thị trường... Chính vì vậy mà đến nay, PVFCCo đảm bảo tuyệt đối an toàn trong mọi mặt hoạt động cũng như hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu SXKD trong điều kiện có nhiều thách thức chưa từng có.

Bên cạnh đó, PVFCCo còn tích cực đóng góp, ủng hộ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 của cả nước, với gần 6 tỷ đồng đã đóng góp cho Quỹ vắc-xin, hỗ trợ các địa phương, cơ quan, tổ chức, lực lượng phòng chống dịch.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đảm bảo an toàn, sức khỏe cho CBNV song song với việc phát triển kinh tế, chuỗi VinMart, VinMart+ đã triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho hơn 6.500 CBNV, đặc biệt ưu tiên ở các vùng tâm dịch.

1405-1-pdvb
Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) gửi công văn đến Thủ tướng, Bộ Y tế... kiến nghị ưu tiên tiêm vaccine cho nhân viên bán lẻ, sản xuất hàng thiết yếu.

Không chỉ thế, ngày 11/7 vừa qua, Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) còn gửi công văn đến Thủ tướng, Bộ Y tế... kiến nghị ưu tiên tiêm vaccine cho nhân viên bán lẻ, sản xuất hàng thiết yếu.

"Tập đoàn Masan kính mong Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, UBND các tỉnh TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hậu Giang, Long An... xem xét ưu tiên tiêm vaccine cho nhân viên hệ thống Vinmart và công nhân nhà máy Masan các khu vực trên. Qua đó giúp cán bộ nhân viên tiếp tục phục vụ nhân dân trong tình hình khẩn cấp, đảm bảo tinh thần cán bộ công nhân viên cũng như không có bất cứ sự gián đoạn nào trong khâu bán lẻ, sản xuất", ông Danny Le, Tổng Giám Đốc Tập đoàn Masan, nêu ý kiến trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ.

Từ những ngày đầu chống dịch đến nay, Tập đoàn Masan đã và đang đóng góp gần 200 tỷ đồng cho các hoạt động phòng chống Covid-19 như: ủng hộ 60 tỷ đồng vào Quỹ vaccine phòng Covid-19, tài trợ nhiều máy thở ECMO và hơn 100.000 bộ kit test PCR. Song song đó, Masan cũng đóng góp hàng triệu sản phẩm thiết yếu như thực phẩm và nước uống dinh dưỡng... hỗ trợ các chốt biên phòng tại biên giới, bệnh viện và các địa phương nằm trong tâm dịch.

Đầu tư công nghệ cao, chủ động phương án “sống chung với bão”

1440-3805-nha-may-yym-phu-my-xuyt-syc-hoan-thanh-yyt-byo-dyyng-tyng-thy-yynh-ky-2021-1
Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã dừng máy hơn 1 tháng để bảo dưỡng tổng thể định kỳ, đảm bảo nguồn cung ứng phân bón cho bà con nông dân.

Từ đầu quý II, nhu cầu phân bón tăng mạnh do bước vào cao điểm canh tác, chăm bón vụ mùa mưa/Hè thu – một trong những vụ mùa lớn nhất trong năm. Trong bối cảnh thị trường, chuỗi logistic thế giới có nhiều biến động bất thường, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã dừng máy hơn 1 tháng để bảo dưỡng tổng thể định kỳ, đảm bảo nguồn cung ứng phân bón cho bà con nông dân.

Để không bị thiếu hụt nguồn hàng, từ cuối năm 2020, PVFCCo đã dừng các đơn hàng xuất khẩu để tập trung toàn bộ cho thị trường trong nước. Trong 4 tháng đầu năm 2021, PVFCCo đã cung ứng gần 350.000 tấn phân bón các loại ra thị trường nội địa, trong đó Đạm Phú Mỹ đạt khoảng 255 ngàn tấn. Dự kiến trong tháng 5-6/2021, PVFCCo sẽ tiếp tục đưa khoảng 150.000 tấn Phân bón Phú Mỹ ra thị trường.

Đồng thời, tập thể cán bộ kỹ sư của PVFCCo và các chuyên gia, nhà thầu dốc toàn lực để công tác bảo dưỡng Nhà máy Đạm Phú Mỹ được thực hiện tốt nhất, đảm bảo an toàn, phấn đấu rút ngắn thời gian bảo dưỡng hơn so với kế hoạch, đảm bảo chất lượng trong quá trình bảo dưỡng cũng như chất lượng, hiệu quả vận hành của Nhà máy sau bảo dưỡng.

Nhờ vậy, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã hoàn thành vượt tiến độ đợt bảo dưỡng tổng thể (BDTT) định kỳ năm 2021 trong 32 ngày so với kế hoạch 33 ngày, và đã cho ra sản phẩm ure trở lại vào ngày 20/5/2021.

Việc nhà máy Đạm Phú Mỹ hoàn thành công tác bảo dưỡng đúng kế hoạch, cho ra sản phẩm trở lại đã góp phần đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong bối cảnh nhu cầu phân bón tăng mạnh do bước vào cao điểm canh tác, chăm bón vụ Hè thu / mùa mưa – một trong những vụ mùa lớn nhất trong năm. PVFCCo cũng đã sẵn sàng kế hoạch điều độ để nhanh chóng vận chuyển các sản phẩm phân bón Phú Mỹ đến các vùng miền nông nghiệp trọng điểm trên cả nước.

Trong khi đó, với vai trò là hệ thống bán lẻ có quy mô lớn nhất về số lượng điểm bán, VinMart, VinMart+ của Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) luôn chủ động xây dựng kịch bản kinh doanh trong mọi tình huống phức tạp của dịch bệnh.

Cụ thể, ngay từ khi dịch Covid-19 khởi phát, VinMart, VinMart+ đã làm việc, kết nối với nhiều nhà cung cấp để đảm bảo hàng hóa cung ứng liên tục, đồng thời dự phòng sản lượng luôn đủ cho 3-6 tháng. Về phân phối, VinMart, VinMart+ phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các ban chỉ đạo phòng chống dịch để đảm bảo các xe trung chuyển hàng hóa thiết yếu được di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, hoặc từ kho của VinMart đến các địa điểm cách ly. Không xảy ra tình trạng khan hàng, đứt hàng cục bộ tại bất kỳ cơ sở nào.

Song song với đó, hệ thống VinMart, VinMart+ cũng thiết lập quy trình phòng chống dịch, tuân thủ chặt chẽ quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế. Hàng hóa trước khi vào siêu thị phải được kiểm dịch khắt khe, đảm bảo hàng hóa đủ tiêu chuẩn chất lượng mới được nhập vào hệ thống VinMart và VinMart+. Tất cả nhân viên bán lẻ tuân thủ nghiêm túc quy định 5K và được trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ như khẩu trang, găng tay, nước rửa tay. Tất cả khách hàng trước khi vào siêu thị mua sắm đều được hướng dẫn rửa tay khử khuẩn và đo thân nhiệt ngay tại cổng vào.

Với những biện pháp như trên, VinMart, VinMart+ luôn nỗ lực là điểm mua sắm an toàn cho khách hàng, đảm bảo tiêu chuẩn 5K và các quy định phòng, chống dịch của Chính phủ.

Ông Nguyễn Tô Kiều Trinh, Giám đốc vận hành VinMart miền Nam cho biết để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, đặc biệt mặt hàng thịt heo - đơn vị đã triển khai ngay từ đầu năm 2021, với các kế hoạch cung ứng sản lượng lớn từ các nhà cung cấp lớn như MEATDeli của Tập đoàn Masan, và các nhà cung cấp lớn khác có năng lực cung ứng tới 1.800 con heo thịt mỗi ngày.

“Đến thời điểm hiện tại, nguồn cung hàng hóa vẫn đầy đủ và đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ nhu cầu của người dân”, ông nói.

Sáu tháng đầu năm 2021, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước ước đạt 15,2 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Đơn hàng dồi dào, kết hợp với những lợi thế trên thị trường xuất khẩu đã giúp dệt may Việt Nam dần hồi phục với xuất khẩu tăng trưởng theo từng tháng, điều này cũng chứng tỏ DN dệt may Việt Nam đã thích ứng với điều kiện kinh doanh mới.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, các DN đã và đang tiếp tục đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa - một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành dệt may chịu được những áp lực của thị trường về chất lượng, giao hàng nhanh, cũng như giảm số người lao động cho DN.

Nhiều DN đã trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị nông sản và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường như: Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tập đoàn Việt Úc, Tập đoàn TH, Tập đoàn Vingroup, Công ty cổ phần tập đoàn Dabaco… Nhiều ngành sản xuất nông nghiệp sữa, thủy sản, chăn nuôi đã “tiệm cận” công nghệ hàng đầu thế giới.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, công nghệ tự động hóa kết nối trên nền tảng internet đang dần thay thế người lao động tại các dây chuyền sản xuất và trong toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm dệt may. Hệ thống thiết bị công nghệ mới được đầu tư của Việt Thắng đã thay thế vị trí của 800 công nhân. Theo tính toán, trung bình một máy laser sử dụng công nghệ tự động, công nghệ cao trong may mặc có thể thay thế cho 49 công nhân may thủ công.

Ngoài ra, nếu theo công nghệ cũ, để cho ra đời một chiếc quần jean thành phẩm thì mất 13 phút, còn hiện nay, với công nghệ lập trình trên máy, chỉ cần chưa tới 10 giây để tạo ra một sản phẩm.

Hiện có 30% DN lớn ngành dệt may ứng dụng công nghệ tự động hóa cho từng công đoạn trong sản xuất.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho hay: “Nếu như trước đây, tỷ lệ đầu tư cho KHCN giữa nhà nước và DN là 70-30, tức là 70% đầu tư cho KHCN từ ngân sách nhà nước và DN đầu tư 30%... thì nay tỷ lệ này đã là 50-50. DN đã quan tâm đầu tư nhiều hơn cho KHCN và tỷ lệ này chắc chắn trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục cao hơn”.

Có thể thấy, đại dịch COVID-19 không làm chậm lại quá trình chuyển đổi khoa học công nghệ (KHCN) mà còn thúc đẩy chuyển đổi KHCN lên tầm cao mới đồng thời, trở thành chất xúc tác để DN thay đổi và nhận thức được sự cần thiết của việc chuyển đổi, đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Kiều Vui

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm