Đầu tư công - chìa khóa vào nhóm thép

Cập nhật: 10:32 | 25/11/2020 Theo dõi KTCK trên

Dù giá tăng mạnh trong thời gian qua nhưng không ít cổ phiếu ngành thép vẫn đang có thị giá thấp, ở dưới mệnh giá như POM, TLH.

3002-the
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Thị trường chứng khoán tuần qua chứng kiến đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu ngành thép như NKG, TLH, TVN, POM, HSG, HPG trong đó có không ít phiên “tím sàn”. Trên một số diễn đàn của các nhà đầu tư chứng khoán, diễn biến tăng trần gần như đồng loạt của nhóm cổ phiếu thép khiến nhà đầu tư bàn tán xôn xao.

Tuy nhiên thực chất, tín hiệu đầu tiên mà nhà đầu tư dễ dàng nhìn thấy chính là kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý III và triển vọng tăng trưởng trong quý IV khi nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng tốt hơn, các dự án hạ tầng giao thông được triển khai mạnh mẽ cùng chính sách thúc đẩy đầu tư công. Điều này đã giúp cho kết quả kinh doanh quý III của nhiều doanh nghiệp có bước tăng trưởng - đột phá.

Dù giá tăng mạnh trong thời gian qua nhưng không ít cổ phiếu ngành thép vẫn đang có thị giá thấp, ở dưới mệnh giá như POM, TLH. Tình trạng này được cho là do hoạt động kinh doanh khó khăn trong giai đoạn trước và biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ở mức thấp.

Trong các doanh nghiệp thép trên sàn, hiện chỉ có một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Tập đoàn Hoa Sen (HSG) có biên lợi nhuận cao. Cụ thể, biên lợi nhuận gộp của HPG đạt 19%, HSG đạt khoảng 16%.

Tại đa số doanh nghiệp khác, biên lợi nhuận chỉ khoảng 6 - 7% như NKG 7,2%, TLH và POM là 6,3%, một số doanh nghiệp khác có tỷ lệ này thấp hơn nhiều.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, vừa qua, cổ phiếu ngành thép có “sóng” nhờ kết quả kinh doanh quý III/2020 khởi sắc, tổng lợi nhuận gộp nhóm ngành kim loại (gồm tôn, thép, vật liệu xây dựng) tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhu cầu tiêu thụ sắt thép trong quý III tăng cao do thị trường Trung Quốc tăng cường nhập khẩu.

Khi tình hình dịch bệnh COVID-19 tạm lắng xuống, nhu cầu tiêu thụ thép tại Trung Quốc gia tăng, nhất là khi năm ngoái nước này đóng cửa nhiều nhà máy thép vì lo ngại ô nhiễm môi trường, dẫn đến nguồn cung khan hiếm. Theo đó, các doanh nghiệp thép tại Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong khi đó, tại thị trường trong nước, thiên tai, bão lũ liên tiếp xảy ra ở các tỉnh miền Trung gây hư hại nhà cửa, dẫn tới nhu cầu mua vật liệu xây dựng bao gồm tôn, thép gia tăng.

Mặt khác, thị trường bất động sản có dấu hiệu hồi phục, kể từ quý III, một số dự án đã rục rịch khởi công xây dựng trở lại, kéo theo nhu cầu về sản phẩm thép tăng. Đáng chú ý, năm 2019, nhiều dự án bị “kẹt” pháp lý không triển khai được, nhưng từ nay đến cuối năm 2020 và bước sang năm 2021, dự báo sẽ có không ít dự án được khơi thông thủ tục pháp lý.

Biên lợi nhuận của nhóm ngành thép dù mỏng nhưng đã được cải thiện nhiều so với năm ngoái nhờ yếu tố đầu vào là nguyên liệu sản xuất giảm. Đơn cử, biên lợi nhuận năm 2019 của NKG chỉ khoảng 2,8% nhưng Công ty Chứng khoán Bảo Việt dự kiến năm 2020 đạt 6,2%.

Theo công ty chứng khoán này, trong quý IV/2020, giá nguyên liệu thô và giá bán tiếp tục có diễn biến thuận lợi với các doanh nghiệp thép. Giá quặng sắt có áp lực giảm về cuối năm do tồn kho quặng của Trung Quốc dần tăng lên, nhu cầu nhập quặng đầu cơ giảm và nguồn cung tăng từ Brazil sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Liệu sóng tăng của nhóm cổ phiếu có kéo dài? Ông Nguyễn Thế Minh nhận định, thép là ngành có tính chu kỳ cao vì phụ thuộc vào giá nguyên liệu đầu vào và đầu ra, thường tăng mạnh vào đầu năm, cuối năm sau đó có nhịp nghỉ. Sóng ngắn hay dài còn phụ thuộc vào tình hình đầu vào, đầu ra của các doanh nghiệp.

“Khi giá nguyên liệu đầu vào tăng trở lại do nhu cầu tăng mạnh, lợi nhuận gộp giảm, biên lợi nhuận thu hẹp là lúc các doanh nghiệp ngành thép gặp căng thẳng và sóng sẽ thoái trào”, ông Minh nói.

Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp thép như NKG, TLH, POM vẫn đang được hưởng lợi do nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tăng, trong khi giá nguyên liệu đầu vào chưa có dấu hiệu tăng trở lại, giúp cải thiện biên lợi nhuận, nên cổ phiếu thu hút nhà đầu tư.

SMC lập hai công ty thành viên tổng vốn điều lệ 200 tỷ đồng

Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE – Mã chứng khoán: SMC) vừa thông qua việc thuê đất tại khu công ...

Cổ phiếu HPG lập đỉnh lịch sử, Chủ tịch Hòa Phát trở lại danh sách tỷ phú Forbes

Việc cổ phiếu HPG lập đỉnh sau nhiều năm đã giúp cho khối tài sản của Chủ tịch Tập đoàn - ông Trần Đình Long ...

Có nên đầu tư cổ phiếu HPG vào thời điểm này?

Chứng khoán SSI dự báo, lợi nhuận cả năm 2020 ở mức 12,3 nghìn tỷ đồng (+63% so với cùng kỳ năm trước) trong đó ...

Hữu Dũng