Dấu hỏi lớn về triển vọng tăng trưởng của Coteccons

Cập nhật: 10:30 | 30/11/2020 Theo dõi KTCK trên

CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) mới đây có báo cáo dự phóng kết quả kinh doanh năm 2020 và 2021 của CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD). VCSC cho rằng dịch COVID-19 và quá trình tái cơ cấu nội bộ đang diễn ra sẽ tạo thêm áp lực cho giá trị hợp đồng ký mới trong năm 2020.

VN-Index phân hóa đầu phiên, TPB tăng mạnh trong ngày chốt quyền cổ tức

Tin tức doanh nghiệp niêm yết mới nhất ngày 30/11/2020

1913-cotec
Hội đồng quản trị mới của Coteccons

VCSC giảm dự báo lợi nhuận giai đoạn 2020-2024 trung bình 10% do giả định giá trị hợp đồng ký mới thấp hơn.

Theo đó, sau khi công bố giá trị hợp đồng ký mới đạt 5.000 tỷ đồng, Coteccons đã không công bố con số này trong quý II và quý III/2020.

Tuy nhiên, VCSC cho rằng dịch COVID-19 và quá trình tái cơ cấu nội bộ đang diễn ra sẽ tạo thêm áp lực cho giá trị hợp đồng ký mới trong năm 2020, trong khi điều này có thể dẫn đến khả năng trì hoãn hoặc hủy các hợp đồng đã được tính trong lượng backlog (các công việc còn tồn đọng cần thực hiện) của Coteccons.

Vì vậy, VSCC đã điều chỉnh giảm dự phóng giá trị hợp đồng ký mới năm 2020 còn 10.000 tỷ đồng, tương ứng với mức giảm 22% so với năm ngoái, dẫn đến điều chỉnh giảm 10% trong doanh thu 2020 đạt 15.200 tỷ đồng, tương ứng giảm 36%.

Trong năm 2021, VCSC kỳ vọng doanh thu của Coteccons sẽ đạt 12.000 tỷ đồng, dựa theo giả định giá trị hợp đồng ký mới đạt 15.000 tỷ đồng.

Theo nhận định của VCSC, chi phí bán hàng, hành chính và quản lý (SG&A) tăng mạnh trong năm 2020 của CTD là bất thường, trong khi biên lợi nhuận gộp duy trì ổn định.

Cụ thể, biên lợi nhuận gộp của Coteccons đạt 6,1% trong quý III/2020, tương ứng với con số quý II/2020 nhưng cải thiện so với con số 4,4% của cùng kỳ năm 2019, phần nào được dẫn dắt bởi quá trình tái cơ cấu hoạt động của Coteccons bao gồm giảm chi phí hành chính, giảm hao hụt tại các công trình xây dựng và gia tăng năng suất lao động.

Tuy nhiên, tỷ lệ chi phí SG&A trên doanh thu vẫn tăng 3,7% trong quý III/2020 so với 2,4% trong 6 tháng 2020 và tăng 1,9% trong năm 2019. Theo nhận định của VCSC, mức tăng này chủ yếu đến từ mức tăng 11% trong chi phí nhân công quý III/2020 do quá trình tái cơ cấu vừa qua của ban lãnh đạo.

Bên cạnh đó, theo nhận định của VCSC, bối cảnh cạnh tranh hiện tại sẽ hạn chế khả năng gia tăng biên lợi nhuận của Coteccons. Do đó, VCSC dự báo biên lợi nhuận gộp năm 2020 - 2021 của Coteccons đạt 5,8% so với mức 5,9% trong 9 tháng năm 2020.

Chảy máu chất xám

9 tháng đầu năm 2020, số lượng nhân sự của Coteccons giảm 479 người. Nếu tính từ đỉnh điểm cuối quý 3/2018 đến cuối quý 3/2020, nhân sự Coteccons giảm 962 người.

Việc 35% nhân sự rời công ty giữa giai đoạn bất đồng nội bộ là điều cần lưu ý. Những nhân sự rời đi không những góp sức vào các doanh nghiệp đối thủ, mà nhiều khả năng sẽ bán ra các cổ phần CTD nắm giữ từ lâu.

Trường hợp của cựu Chủ tịch Nguyễn Bá Dương, ông đã nhanh chóng bán cổ phần và không còn là cổ đông lớn tại Coteccons.

2257-cotec-1
Số lượng nhân sự của Coteccons vào cuối mỗi quý. Nguồn: Vietstock

Hệ lụy thị trường

Sau khi tin tức về sự rời đi của ông Nguyễn Bá Dương xuất hiện, lượng giao dịch của cổ phiếu CTD tăng đột biến. Trong 3 ngày từ 6-8/10 đã có 9,18 triệu cổ phiếu CTD đã được sang tay, tương ứng 12% lượng cổ phiếu lưu hành của Coteccons.

6 phiên giao dịch tiếp theo từ 9-16/10, tiếp tục trên 11,62 triệu đơn vị được sang tay, tương ứng 15,3% cổ phần lưu hành.

Trong giai đoạn kể trên, cổ phiếu CTD giảm gần 19%. Tỷ lệ sở hữu của khối ngoại vẫn duy trì ổn định.

Những con số đột biến về giao dịch của CTD có thể nhìn theo hai hướng. Thứ nhất, thay đổi quan trọng tại vị trí Chủ tịch đã thúc đẩy làn sóng đầu cơ lướt sóng cổ phiếu CTD trong ngắn hạn. Thứ hai, là sự rời đi của ông Dương sẽ thúc giục lệnh bán từ giới đầu tư trong nước, những người trước đó tin rằng Coteccons sẽ trở lại quỹ đạo sau khi những mâu thuẫn nội bộ lắng xuống.

2535-cotec-2
Diễn biến cổ phiếu CTD. Nguồn: vietstock

Hoàng Hà (t/h)

Tin cũ hơn
Xem thêm