Đấu giá hải sản, có dễ thực hiện?

Cập nhật: 16:18 | 06/11/2018 Theo dõi KTCK trên

Việc đấu giá các loại hải sản sẽ rất khó thực hiện, nếu không có sự vào cuộc tích cực từ cơ quan chức năng.

Nâng cao giá trị hải sản

Thời gian gần đây, tại một số địa phương ven biển ở khu vực miền Trung đã có chủ trương sẽ tổ chức đấu giá các loại thủy hải sản của bà con ngư dân. Việc làm này được kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường mua bán thuận lợi, làm gia tăng giá trị hải sản của bà con đánh bắt được và đặc biệt tránh việc tư thương ép giá ngay tại cảng cá... Thế nhưng, xem ra để có thể thực hiện được việc này không phải dễ.

dau gia hai san co de thuc hien
Việc tiêu thụ hải sản của ngư dân vẫn đang phụ thuộc nhiều vào các đầu nậu

TP. Đà Nẵng là địa phương đầu tiên ở khu vực miền Trung tổ chức thí điểm đấu giá hải sản ngay tại chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang với mục tiêu, tổ chức thành công hoạt động bán đấu giá sản phẩm khai thác hải sản của ngư dân, góp phần ổn định giá cả sản phẩm khai thác hải sản trên địa bàn. Đồng thời, cũng hướng đến mục tiêu tránh tình trạng tư thương, đầu nậu ép giá hải sản của bà con ngư dân.

Theo đề án đã được UBND thành phố phê duyệt, đối tượng tham gia gồm các chủ tàu thuyền đánh cá có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, có đăng ký tham gia mô hình đấu giá hải sản thí điểm với Ban Quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang; các chủ nậu, vựa, thương nhân, cơ sở thu mua hải sản có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Giai đoạn đầu, sẽ đấu giá các loại hải sản có giá trị lớn, với sản lượng ổn định, thường giao dịch nhiều ở khu vực như: cá ngừ, cá hố, cá đổng, cá bò, các sản phẩm mực... Việc lựa chọn sản phẩm đưa ra đấu giá sẽ do tổ điều hành đấu giá quyết định dựa trên tham vấn ý kiến của chủ hàng, chủ nậu và người mua. Tổ điều hành này sẽ do Ban Quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang thành lập, trực tiếp điều hành các phiên đấu giá tại cảng cá Thọ Quang.

Dự kiến, trong thời gian đầu sẽ tổ chức 10 phiên đấu giá/tháng. Căn cứ vào nhu cầu của chủ tàu, khách hàng và tình hình thực tế, tổ điều hành đấu giá sẽ quyết định tổ chức 1 phiên/ngày hoặc 2 phiên/ngày và khi tổ chức hết 60 phiên sẽ kết thúc thí điểm.

Được biết, hiện nay Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đang là một trong những trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất nhì ở khu vực miền Trung. Theo đó, hàng năm cảng cá này đón trên 20 nghìn lượt tàu vào bán hải sản với lượng hải sản qua cảng khoảng trên 100 nghìn tấn/năm...

Bởi vậy, theo nhiều người nếu thực hiện tốt hoạt động bán đấu giá hải sản như đề án mà UBND TP. Ðà Nẵng đã xây dựng sẽ góp phần quan trọng để ổn định giá cả sản phẩm hải sản, đặc biệt tránh tình trạng tư thương ép giá bà con ngư dân, vốn tồn tại dai dẳng như bấy lâu nay, bảo đảm quyền lợi của ngư dân và cả người thu mua.

Ngoài ra, còn đáp ứng được các yêu cầu về đánh bắt có trách nhiệm, đảm bảo nguồn nguyên liệu an toàn, nhất là đặt trong bối cảnh ngành thủy sản Việt Nam đang nỗ lực xóa “thẻ vàng” từ EC như hiện nay.

Cần có phương án hợp lý

Trên thế giới, mô hình đấu giá hải sản đã được áp dụng ở nhiều nước, ở châu Á có Nhật Bản đang thực hiện rất thành công. Tuy nhiên, tại Việt Nam đặc biệt ở khu vực miền Trung, việc đấu giá hải sản chắc chắn sẽ gặp những khó khăn, mặc dù khai thác thủy hải sản đang là thế mạnh của nhiều địa phương duyên hải ven biển miền Trung.

Khó khăn đầu tiên đó chính là sự phụ thuộc của các chủ tàu vào các thương lái, đầu nậu. Trên thực tế hiện nay, nhiều chủ tàu cá cho rằng rất khó để thay đổi thói quen đánh bắt, tiêu thụ trong bối cảnh họ còn phụ thuộc vào đầu nậu rất nhiều. Ông Nguyễn Văn Điều - chủ tàu cá ĐNa 91105TS cho biết, giá cá hạ hay lên cao thì các chủ tàu vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các đầu nậu, nếu không muốn nói là thường xuyên bị ép giá.

Trên thực tế từ trước đến nay, ngư dân ở miền Trung cũng như các khu vực khác trong cả nước thường bán sản phẩm khai thác qua các đầu nậu nên giá cả rất phụ thuộc, không thể tự quyết được. Bởi, thông thường trước khi đi biển, chủ tàu sẽ tìm đến tiểu thương ứng trước một khoản tiền để chi mua vật tư, lương thực, đặc biệt là xăng dầu cho chuyến vươn khơi. Khi tàu cập cảng, họ sẽ phải bán lại các loại hải sản cho chính chủ nậu để bù trừ khoản tiền đã ứng trước đó. Sản lượng ít thì giá còn được, nếu khai thác về nhiều thường bị ép giá.

Ngay trong giới đầu nậu cũng có những quy định “ngầm”, nếu chủ nậu này không mua, thì các chủ nậu khác cũng ít khi nhảy vào mua cho bà con. Bởi vậy, các chủ tàu đã lỡ không bán cho người mà mình đã ứng tiền, thì rất khó tiêu thụ được số hải sản đã đánh bắt. Thậm chí, cả những chủ tàu không ứng tiền, cũng phải bán theo giá đầu nậu đưa ra, mà không thể khác được...

Nếu đem cá đi bán ở nơi khác cũng khó, vì các đầu nậu thường liên kết với nhau để thống nhất mặt bằng giá cả. Hiện tượng thị trường nguyên liệu thủy sản thả nổi, tư thương mặc sức ép giá ngư dân diễn ra trong một thời gian dài, nhưng ngành chức năng vẫn chưa có giải pháp giải quyết triệt để. Bởi vậy, một khi các chủ tàu còn phụ thuộc vào các đầu nậu, thì việc đấu giá hải sản xem ra sẽ khó thành công.

Ngoài việc quá phụ thuộc vào các tiểu thương, hiện nay bà con ngư dân ở Đà Nẵng cũng như tại miền Trung vẫn tổ chức khai thác theo kiểu hỗn hợp. Mỗi chuyến đi biển, bà con thường khai thác được nhiều sản phẩm, kích cỡ khác nhau. Trong khi, các phiên đấu giá thường lựa chọn các loại hải sản có giá trị lớn, sản lượng ổn định như, cá ngừ, cá hố, cá đổng, cá bò...

Còn những sản phẩm khác thì bà con vẫn phải tiêu thụ theo truyền thống, nghĩa là vẫn phụ thuộc vào các đầu nậu. Bên cạnh đó, khác với đấu giá các sản phẩm khác, việc đấu giá hải sản phải được tiến hành nhanh gọn, bởi các sản phẩm thường không để được lâu.

Trong khi đó, thời gian chuẩn bị của bà con thường là rất ít, để bảo đảm các thủ tục trưng bày mẫu, kê khai, đăng ký sau khi vừa cập bến. Chưa kể nếu đấu giá không thành công, các chủ tàu sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, về phía các doanh nghiệp, họ cũng thích mua sản phẩm từ các đầu nậu hơn là trực tiếp bà con ngư dân thông qua hình thức đấu giá.

Bởi, doanh nghiệp mua từ các tiểu thương thì các loại hải sản đã được phân loại, chọn lọc và bảo đảm được số lượng hàng thường xuyên... Bởi vậy, xem ra việc đấu giá các loại hải sản sẽ rất khó thực hiện, nếu không có sự vào cuộc tích cực, để tìm ra những phương án khả thi từ cơ quan chức năng.

Nghi Lộc

Theo thoibaonganhang.vn