Đằng sau đề án phát triển bất động sản thông minh tại Việt Nam

Cập nhật: 07:08 | 27/08/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn 2030. Đây sẽ là cơ hội để nhà đầu tư và người tiêu dùng Việt bắt nhịp với xu thế mới giữa cuộc cách mạng 4.0  

Chính phủ đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của cuộc cách mạng này và đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cũng như cân nhắc phù hợp với điều kiện thực tế để đưa ra mục tiêu kế hoạch xây dựng đề án thành phố thông minh (smartcity).

Mục tiêu là phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống… Theo đó, Việt Nam sẽ hình thành các chuỗi đô thị thông minh khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long, lấy TP. Hà Nội, TP.HCM, TP. Đà Nẵng, TP. Cần Thơ là hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh.

dang sau de an phat trien bat dong san thong minh tai viet nam
Bất động sản thông minh đang hình thành một phân khúc mới

Theo chuyên gia phân tích của CBRE Việt Nam, xét về yếu tố tiềm năng của giải pháp thông minh ứng dụng trong bất động sản, với đặc điểm dân số trẻ, tỷ lệ tiếp cận internet hiện nay là 60% dân số cộng với nhu cầu tiếp cận công nghệ và học hỏi cái mới rất cao thì nhu cầu về chủng loại sản phẩm thông minh trong 5 - 10 năm tới tại Việt Nam là rất lớn.

Hiện nay, một số chủ đầu tư đã ứng dụng rất tốt yếu tố công nghệ để xây dựng tòa nhà thông minh như bãi đỗ xe thông minh. Thay vì phải hỏi, phải dừng lại tìm chỗ đỗ xe thì ngay khi xuống hầm, người dân sẽ được thông tin về số lượng chỗ trống, vị trí những nơi có thể đỗ xe.

Việt Nam có đủ nguồn lực để có thể vận dụng tốt để phát triển các khu đô thị theo ứng dụng công nghiệp 4.0 thành những khu đô thị thông minh. Nhìn ở mặt tích cực, công nghiệp 4.0 là xu hướng của toàn thế giới, nó giúp cho thị trường bất động sản nói riêng và các ngành khác nói chung được phát triển một cách đồng bộ, hiệu quả hơn

Một số thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng đã xuất hiện nhiều dự án nhà ở thông minh, công trình xanh. Tuy nhiên, các dự án mới dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ và mới chỉ đơn thuần là tích hợp công nghệ thông tin nhằm tối ưu hóa cuộc sống của con người.

Bên cạnh đó, mô hình đô thị thông minh ở Việt Nam đang còn sơ khai, mới ở bước đầu và cần những kế hoạch cụ thể, dài hơi hơn. Đặc biệt, có một hướng mà Việt Nam phải xem xét đó là nắm được thông tin khách hàng, khi họ bước vào thành phố là sẽ cập nhật được những thông tin cơ bản về từ tên tuổi đến sở thích, thói quen.

Đằng sau đề án phát triển bất động sản thông minh là cả thách thức không nhỏ cho tất cả nhà đầu tư Việt song đó sẽ là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp, các chủ đầu tư hoạch định các chiến lược kinh doanh bất động sản phù hợp với thị trường, đáp ứng sở thích và nhu cầu của khách hàng.

Nam Thiên

Tin liên quan