Đảm bảo lưu thông hàng hóa, nỗ lực duy trì sản xuất

Cập nhật: 11:10 | 21/10/2021 Theo dõi KTCK trên

Sau một thời gian dài thực hiện các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại nhằm đảm bảo an toàn cho người dân ít bị ảnh hưởng nhất bởi dịch Covid-19. Tất cả hàng hóa (trừ hàng cấm) đã được quy định tại pháp luật chuyên ngành phải được lưu thông, bởi có lưu thông hàng hóa thì doanh nghiệp mới duy trì được sản xuất.

Giá cao su tháng 10 tăng trở lại nhờ trợ giá từ Nhật Bản

Xuất khẩu tôm sang Mỹ khởi sắc trong bối cảnh thị trường EU ảm đạm

Giá tiêu được dự báo có thể chạm mốc 100.000 đồng/kg cuối năm 2021?

Nhiều nước trên thế giới đang dần dần mở cửa trở lại các hoạt động trong nước cũng như quốc tế, nhằm khôi phục một trạng thái "bình thường mới".

Tại Việt Nam, theo nhận định của giới chuyên gia, trong bối cảnh "zero Covid" không khả thi, sống chung với Covid-19 được nhận định là tương lai lâu dài, doanh nghiệp phải tiếp tục thích nghi. Để sản xuất thông suốt, quy trình tổ chức nội bộ của doanh nghiệp đặc biệt là hoạt động nhân sự sẽ phải thay đổi và cải tiến, đáp ứng yêu cầu mới đặt ra.

3212-doanhnghiep
Ảnh minh họa

Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, thời gian qua, dịch bệnh diễn biến khó lường, chưa có tiền lệ dẫn tới sự lúng túng trong điều hành ở nhiều cấp khác nhau.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, Chính phủ cần có sự chỉ đạo thống nhất một số nguyên tắc và giải pháp. Trong đó, tất cả hàng hóa (trừ hàng cấm) đã được quy định tại pháp luật chuyên ngành phải được lưu thông bởi có lưu thông hàng hóa thì doanh nghiệp mới duy trì được sản xuất.

Cùng với đó, Chính phủ cần đưa ra hướng dẫn thống nhất về các phương án kiểm soát dịch bệnh, phương án di chuyển đối với người dân giữa các địa phương với các tiêu chí dễ hiểu, dễ thực hiện; tránh tình trạng mỗi địa phương hiểu và ban hành quy định theo một cách khác nhau…

Đồng thời, Chính phủ yêu cầu các địa phương khi quyết định phương án phòng dịch phải thông tin và tham vấn doanh nghiệp để bảo đảm thực hiện mục tiêu chống dịch nhưng không làm đứt gãy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tránh tình trạng đưa ra quyết định bất ngờ, khiến doanh nghiệp không kịp trở tay…

Bà Nguyễn Minh Thảo đề xuất: "Nên trao quyền chủ động cho doanh nghiệp trong việc lựa chọn mô hình vận hành và phương thức tổ chức sản xuất cũng như trong phòng chống dịch. Không nên đóng cửa doanh nghiệp nếu lây nhiễm chỉ trong phạm vi hẹp của một dây chuyền/phân xưởng riêng biệt; tránh tình trạng áp dụng cứng nhắc các phương thức tổ chức sản xuất 3 tại chỗ hay 1 cung đường 2 điểm đến như vừa qua. Đồng thời, cần cho doanh nghiệp chủ động thực hiện test Covid-19 bởi nhiều đơn vị có lực lượng y tế tại chỗ đủ năng lực làm việc này. Theo đó, doanh nghiệp sẽ tự chịu trách nhiệm với kết quả của mình".

Ngoài ra, một số chuyên gia cũng chia sẻ, khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện nay chính là sức khỏe tài chính. Hoạt động ngày càng khó khăn, dòng tiền vào thì ít trong khi chi ra liên tục nên mọi sự hỗ trợ dù lớn dù nhỏ đều rất tốt. Những chính sách tài khóa, tiền tệ đều là "phao cứu sinh" của doanh nghiệp. Tuy nhiên, giữa kỳ vọng với thực tiễn áp dụng chính sách vẫn còn những khoảng cách nhất định...

Thu Uyên (Tổng hợp)