"Cú hích" phát triển cho Đà Nẵng

Cập nhật: 14:36 | 29/03/2021 Theo dõi KTCK trên

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chủ trương cho phép nghiên cứu, lập Đề án Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực, chủ trương đầu tư dự án bến cảng Liên Chiểu của Thủ tướng Chính phủ chính là “cú hích” cần thiết để phát triển Đà Nẵng trong những năm đến.

Đà Nẵng - 46 năm xây dựng và phát triển

Đà Nẵng: Phân cấp quản lý nhà nước gắn với thí điểm mô hình chính quyền đô thị

Đà Nẵng: Phát triển quận Hải Châu đột phá có trọng tâm, trọng điểm

Đà Nẵng chi hơn 300 tỷ đồng cho dự án hệ thống thoát nước mưa

Đà Nẵng đầu tư 400 tỷ xây Trung tâm Y tế quận Thanh Khê

Nói đây là “cú hích” bởi bước đầu đã tháo gỡ hàng loạt vấn đề nội tại của thành phố, cũng như mở ra những hướng phát triển mới. Đồng thời tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế thành phố, sau khu năm 2020 tăng trưởng kinh tế của thành phố sụt giảm 9,97%.

4702-khu-cnc-1
Khu công nghệ cao Đà Nẵng, một động lực phát triển kinh tế thành phố

Đối với Đồ án quy hoạch được phê duyệt, có thể thấy cấu trúc đô thị Đà Nẵng đã được xác định rõ theo cảnh quan đặc trưng 3 vùng đô thị (gồm vùng Ven mặt nước, vùng Lõi xanh, vùng Sườn đồi và 1 vùng sinh thái), đồng thời hình thành 2 vành đai kinh tế: Vành đai phía Bắc - Vành đai Công nghiệp công nghệ cao và Cảng biến - Logistics; Vành đai phía Nam - Vành đai đổi mới sáng tạo và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trong đó, tập trung phát triển công nghệ cao với quy mô diện tích gần 1.710 ha với Khu công nghệ cao Đà Nẵng và Khu công nghệ cao mở rộng; Khu công nghệ thông tin tập trung số 1, số 2, Khu Công viên phần mềm số 1, số 2, số 3. Đồng thời, hình thành Cụm Đổi mới sáng tạo tại phía Nam thành phố gắn liền với Khu đô thị đại học Đà Nẵng, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Công viên phần mềm; 03 khu công nghiệp mới cũng sẽ được triển khai (Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn và Hòa Ninh với diện tích hơn 120 ha) cùng với tiếp tục xây dựng mới các cụm công nghiệp Cẩm Lệ, Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc.

Điều này góp phần định hình rõ quy hoạch, định hướng phát triển Kinh tế xã hội của Đà Nẵng trong hơn 20 năm đến, đi cùng đó là giải quyết hài hòa giữa bài toán phát triển kinh tế, đô thị với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên.

Đồ án quy hoạch chung được thông qua còn giúp các nhà đầu tư hiện hữu yên tâm triển khai, tái khởi động các dự án, còn các nhà đầu tư mới nhìn thấy cơ hội nghiên cứu đề xuất những dự án đầu tư mới vào Đà Nẵng. Quan trọng hơn cả, các nhà đầu tư cảm nhận rõ được niềm tin và quyết tâm phát triển Đà Nẵng từ lãnh đạo thành phố qua việc chủ động đến mời gọi các nhà đầu tư vào Đà Nẵng như tập đoàn CMC, tập đoàn LG (Hàn Quốc), tập đoàn Liên Thái Bình Dương,..

4835-cau-thuan-phuoc
Một góc vịnh Đà Nẵng về đêm

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, một số dự án đầu tư của doanh nghiệp vào thành phố tưởng chừng như đã không thể tìm thấy hướng đi, tiếng nói chung giữa doanh nghiệp với chính quyền. Nhưng với với tinh thần cầu thị, lắng nghe, lãnh đạo thành phố đã cùng trao đổi với doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp yên tâm đầu tư tại Đà Nẵng.

Từ niềm tin ấy, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp lớn đã và đang sẵn sàng chung tay với thành phố để tài trợ nghiên cứu xây dựng một số Đề án, nghiên cứu quy hoạch các dự án, các phân khu thuộc Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng với mục tiêu chung vì sự phát triển của Đà Nẵng.

Nếu xem Đồ án quy hoạch chung là nền tảng, định hình phát triển Đà Nẵng, thì với chủ trương đồng ý cho phép nghiên cứu, lập Đề án Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực của Thủ tướng Chính phủ đã mở ra thêm một hướng mới trong xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời gian đến để tái cơ cấu nền kinh tế, thu hút đầu tư.

Một trung tâm tài chính như vậy sẽ luôn đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển tải vốn cho cả nền kinh tế đồng thời còn giúp liên kết các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố cũng như tạo lập vai trò trung tâm, động lực tăng trưởng của cả khu vực duyên hải miền Trung.

So với thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội về quy mô nền kinh tế cũng như các hoạt động về Tài chính, Đà Nẵng không có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng một Trung tâm Tài chính quy mô khu vực. Nhưng trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo nên những tác động to lớn đến nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế xã hội, trong đó có lĩnh vực tài chính. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, ngành Tài chính đã phát triển dựa trên những yếu tố phi truyền thống, nền kinh tế số.

Trước đó, năm 2014, Đà Nẵng đã thành lập Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. Tính đến nay có khoảng 50 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 06 vườn ươm, 02 không gian sáng tạo, 10 không gian làm việc chung, 10 Câu lạc bộ khởi nghiệp và trung tâm khởi nghiệp ở các trường Đại học, Cao đẳng và 02 Quỹ đầu tư khởi nghiệp. Tất cả dần hình thành nên một hệ sinh thái khởi nghiệp.

4916-techfest
Dự án khởi nghiệp MultiGlass của Đà Nẵng xuất sắc đoạt ngôi vị quán quân cuộc thi Tìm kiếm Tài năng Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Quốc gia - Techfest 2019 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, đại diện cho Việt Nam tham dự tham gia Startup World Cup 2020 tại Hoa Kỳ

Cùng với quyết tâm xây dựng Đà Nẵng trở thành một trung tâm về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia khu vực miền Trung - Tây Nguyên mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, một thành phố hiện đại, phát triển và thịnh vượng của chính quyền thành phố, sẽ những là điều kiện thuận lợi để thu hút các công ty khởi nghiệp (Startup) trên lĩnh vực Tài chính, đặc biệt là các công ty tài chính – công nghệ (Fintech) trong và ngoài nước hội tụ về Đà Nẵng.

Một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính của khu vực, với vai trò cung cấp các giải pháp công nghệ tài chính cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cũng như đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong hoạt động tài chính của thành phố và khu vực sẽ là mục tiêu và động lực để thành phố hướng đến.

Với "cú hích" vừa nêu ở trên, chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận của nhân dân, mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ theo Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ dần trở thành hiện thực.

(HỘI AN/ Danang.gov.vn)

Tin cũ hơn
Xem thêm