COVID-19 - lãi suất tiền gửi và thị trường chứng khoán

Cập nhật: 11:35 | 12/08/2020 Theo dõi KTCK trên

Từ việc hạ lãi suất tiền gửi bắt buộc tại các ngân hàng thời gian qua, giới phân tích đang kỳ vọng vào sự dịch chuyển của dòng tiền sang kênh chứng khoán trong thời gian tới...

COVID 19 - lãi suất tiền gửi và thị trường chứng khoán
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng đến các tổ chức tín dụng, nhiệm vụ trước mắt của các ngân hàng là tập trung tái cơ cấu, giãn thời gian trả nợ cho khách hàng và tăng trích lập dự phòng rủi ro.

Từ thực tế, tín dụng toàn ngành ngân hàng trong 7 tháng đầu năm 2020 tăng 3,45% song vẫn có nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng âm do tiền gửi khách hàng tăng thêm trong khi dư nợ cho vay giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Chính vì điều này, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định giảm lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND của các tổ chức tín dụng 50 điểm cơ bản, xuống 0,5%/năm từ ngày 1/8 có thể sẽ giúp kích thích tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm và doanh nghiệp cũng giảm áp lực lãi vay trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện tại.

Đây là lần thứ ba trong năm 2020, NHNN tiến hành điều chỉnh giảm một số loại lãi suất, sau lần điều chỉnh vào tháng 3 và tháng 5.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá, việc giảm lãi suất dự trữ bắt buộc sẽ ảnh hưởng tới nguồn lợi nhuận của các tổ chức tín dụng nhưng không đáng kể bới mức dự trữ bắt buộc của các ngân hàng hiện nay ở mức thấp, chỉ khoảng 3% đối với khoản tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 năm; 1% đối với khoản tiền gửi trên 1 năm.

Trên thực tế, tính đến đầu tháng 8, lãi suất huy động tiếp tục được hầu hết ngân hàng thương mại cổ phần điều chỉnh giảm, mức giảm từ 20 - 50 điểm cơ bản so với thời điểm đầu tháng 7.

Vì vậy, cùng với hạ lãi suất điều hành, giảm lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND của các tổ chức tín dụng là một biện pháp hỗ trợ thúc đẩy hoạt động kinh doanh thông qua kênh tín dụng và cùng nhiều biện pháp đồng bộ khác như giãn nợ, kiểm soát tỷ giá, có thể hỗ trợ cả nền kinh tế hồi phục dần trên diện rộng.

Theo KBSV, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay nhiều khả năng tiếp tục giảm trong thời gian tới với 3 yếu tố chính: Kỳ vọng điều chỉnh lãi suất điều hành; thanh khoản trong hệ thống dự báo tiếp tục dư thừa trong 6 tháng cuối năm; NHNN dự kiến sẽ cho phép giãn lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, giúp giải tỏa áp lực cơ cấu nguồn vốn huy động của ngân hàng.

Khối công ty chứng khoán nhận định, NHNN sẽ có động thái điều chỉnh giảm lãi suất điều hành ít nhất 1 lần nữa trong những tháng cuối năm để hỗ trợ nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng 3 - 4% mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra gần đây.

Có thể thấy, sau mỗi lần NHNN quyết định hạ lãi suất điều hành, tâm lý của dòng tiền vào thị trường chứng khoán đều khá tốt. Tuy nhiên, đây không phải yếu tố làm nên tất cả.

Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, động thái liên tục giảm lãi suất điều hành cho thấy chủ trương nhất quán của Chính phủ trong việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp. Đây cũng là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, do đó tạo ra tâm lý tốt cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, tác động của việc giảm lãi suất điều hành sẽ không quá lớn do chính sách tiền tệ Việt Nam quản lý cung tiền chủ yếu qua tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam nhìn nhận, hạ lãi suất điều hành làm giảm lãi suất huy động dễ tác động đến các khách hàng kinh doanh, họ sẽ rút tiền gửi ngân hàng ra đầu tư, kinh doanh ngắn hạn.

Trong khi kênh đầu tư bất động sản đang khó khăn, chỉ còn hai kênh hấp dẫn nhất hiện tại là vàng và chứng khoán. Tuy nhiên, việc giá vàng đang ở vùng cao kỷ lục và nhà đầu tư có dấu hiệu bán ra nhiều hơn là mua vào, thêm vào đó, việc Nga công bố tìm ra vac-xin điều trị COVID-19 đã khiến tâm lý bán tháo của nhà đầu tư vàng trong nước được đẩy mạnh dẫn đến sự lao dốc nghiêm trọng của giá vàng kể từ ngày 11/8.

Ở chiều ngược lại, thị trường chứng khoán hiện đang có mức định giá hấp dẫn, nhiều cổ phiếu có thể giúp nhà đầu tư kiếm lợi nhuận cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn.

“Dịch COVID-19 đã tác động lớn đến thị trường chứng khoán, các chỉ số giảm mạnh so với mức đỉnh và giảm gần 30% so với thời điểm đầu năm, tạo ra một vùng đệm định giá hấp dẫn hơn. Sau giai đoạn tạo đáy, nền kinh tế bắt đầu giai đoạn hồi phục và tăng trưởng, thị trường chứng khoán sẽ được hưởng lợi đầu tiên. Tôi cho rằng, thị trường sẽ có giai đoạn tích lũy trong quý III, và sẽ tích cực dần từ quý IV trở đi”, ông Khanh nói.

Nắm bắt được xu thế này, nhằm kích hoạt dòng tiền vào chứng khoán cũng như hỗ trợ nhà đầu tư, nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra chương trình ưu đãi lãi suất cho vay ký quỹ (margin) ở mức 9%/năm như Chứng khoán KB, Chứng khoán Yuanta Việt Nam, Chứng khoán TP.HCM, Chứng khoán VPS, Chứng khoán Bảo Việt (BVS), Chứng khoán Vietcombank. Mới đây, Chứng khoán Tân Việt (TVSI) áp dụng mức lãi suất 8,8%/năm dành cho nhà đầu tư.

VN-Index xanh trở lại trong biên độ hẹp, cổ phiếu IDI tăng kịch trần

Nửa đầu phiên giao dịch sáng ngày 12/8, VN-Index xanh điểm tích cực song vẫn có khả năng rung lắc bởi áp lực bán...

Điểm tin giao dịch cổ phiếu mới nhất ngày 12/8

Những thông tin giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu như TEL, CMS, AGG, BM9,... được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt ...

Nhận định chứng khoán ngày 12/8/2020: Xu hướng thị trường phái sinh

Các chuyên gia phân tích và công ty chứng khoán vừa đưa ra nhận định về thị trường phái sinh cho ngày giao dịch 12/08/2020. ...

Quân Vương