Góc nhận định thị trường:

COVID-19 - dòng tiền và câu chuyện nâng cấp hệ thống giao dịch

Cập nhật: 09:14 | 05/06/2021 Theo dõi KTCK trên

Với số lượng nhà đầu tư mới tăng kỷ lục trong nhiều tháng qua, lượng tiền vào thị trường theo đó cũng ngày càng “nóng”. Câu chuyện nâng cấp hệ thống, dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh tiếp tục trở thành tâm điểm thị trường thời gian trở lại đây, nhất là khi dòng tiền nội đang đủ sức cân lại lượng bán ngoại và những cú sốc từ dịch bệnh.

Kết phiên giao dịch ngày 4/6/2021, VN-Index tăng 9,77 điểm (0,72%) lên 1.374,05 điểm - tiếp tục lập đỉnh mới; HNX-Index giảm 0,19 điểm (-0,06%) xuống 329,76 điểm; UpCOM-Index giảm 0,08 điểm (-0,09%) xuống 90,59 điểm.

Khối lượng giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận của VN-Index đạt hơn 940 triệu cổ phiếu với giá trị giao dịch vượt 31.300 tỷ đồng. Khối lượng tăng dần trong những ngày gần đây và duy trì trên mức trung bình 20 phiên chứng tỏ dòng tiền vẫn đang dồi dào.

Tương tự, giá trị khớp lệnh sàn UpCOM cũng đạt kỷ lục 2.300 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị khớp lệnh sàn HNX giảm so với phiên trước xuống còn 4.600 tỷ đồng.

0703-cho
Diễn biến chỉ số VN-Index 1 năm trở lại đây (Nguồn: Tradingview.com)

Thanh khoản tăng cao khi dòng tiền đổ về chứng khoán

Nếu nhìn vào những thông số trên, giới phân tích hoàn toàn có thể có góc nhìn lạc quan về triển vọng của thị trường chứng khoán dù thông tin cập nhật về số ca nhiễm COVID-19 cho thấy thị trường vẫn chưa thể an toàn.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhìn nhận, dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu nhưng dường như không hề ảnh hưởng đến xu hướng tăng điểm trong ngắn và trung hạn tại các thị trường chứng khoán, thị trường Việt Nam không là ngoại lệ. Do đó, với đợt bùng phát dịch lần này, tâm lý nhà đầu tư cũng đã ổn định hơn nhiều và hiện tượng bán tháo cũng không còn diễn ra.

Theo ông Hoàng, mặt bằng lãi suất huy động thấp - yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán năm 2020 - sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2021 nên vẫn có lý do để kỳ vọng vào một xu hướng tăng của thị trường chứng khoán trong trung hạn. Tuy nhiên, do dư địa để giảm thêm của mặt bằng lãi suất nhìn chung không còn nhiều nên thị trường sẽ khó có mức tăng như giai đoạn sau khi VN-Index tạo đáy vào tháng 4/2020.

Thêm vào đó, việc kệnh bất động sản đang "nguội" dần sau sốt nóng thời điểm đầu năm cũng đang tạo ra một lượng lớn dòng tiền nhàn rỗi.

Đáng nói ở giai đoạn thị trường liên tục tăng mạnh trong 1 tháng trở lại đây, yếu tố quan trọng đóng góp vào sự bứt phá của VN-Index và các chỉ số đến từ dòng tiền nội. Điều này giúp thị trường thăng bằng lại sau chuỗi bán ròng kỷ lục của khối ngoại kể từ đầu năm 2021 đến nay.

Theo số liệu vừa công bố từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán, số lượng tài khoản do nhà đầu tư trong nước mở mới tháng 5/2021 tăng vọt lên mức 113.674 tài khoản, cao nhất trong lịch sử thị trường, trong đó có tới 113.543 tài khoản từ các nhà đầu tư cá nhân và 131 tài khoản từ các tổ chức.

0754-dn
Lượng mở mới tài khoản giao dịch qua các tháng không ngừng gia tăng

Lũy kế 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 480.490 tài khoản chứng khoán, tăng tới 20% so với số lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 (393.659 tài khoản).

Tính chung, số tài khoản chứng khoán trên thị trường Việt Nam đến cuối tháng 5 được nâng lên hơn 3,25 triệu tài khoản - tương đương 3,2% tổng dân số.

Với số lượng nhà đầu tư mới tăng kỷ lục, lượng tiền vào thị trường theo đó cũng ngày càng “nóng”. Chỉ trong tháng 5/2021, tính bình quân phiên, giá trị giao dịch trên HOSE đã đạt mức khoảng 22.100 tỷ đồng/phiên. Con số này tăng mạnh so với trung bình tháng 12/2020 là 12.700 tỷ đồng/phiên và từ tháng 1 đến tháng 4/2021 là 16.600 tỷ đồng/phiên.

Đáng chú ý trong phiên 1/6, chỉ riêng phiên sáng, thanh khoản trên sàn này đã đạt tới trên 21.700 tỷ đồng khiến Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM phải tạm đóng cửa phiên chiều để đảm bảo an toàn hệ thống.

Tiếp đó, trong phiên 2/6, thanh khoản HOSE tiếp tục đạt kỷ lục 26.100 tỷ đồng và 4.400 tỷ đồng trên HNX. Để hạn chế lệnh nhằm tránh chậm lệnh, nghẽn lệnh, nhiều công ty chứng khoán đã phải đưa ra thông báo tiến hành chặn Hủy/Sửa lệnh trên sàn HOSE.

Tới phiên ngày 4/6, thậm chí thanh khoản toàn thị trường đã được đẩy lên một tầm cao mới - đạt 38.000 tỷ đồng.

Cần một hệ thống đủ sức "cân" dòng tiền

Theo Tổng Giám đốc HOSE - ông Lê Hải Trà, hiện nay, HOSE vẫn đang phối hợp FPT triển khai hệ thống giao dịch dự phòng song song với hệ thống công nghệ thông tin mới KRX và các bước đang vào những khâu cuối cùng.

0905-tra
Tổng Giám đốc HOSE - ông Lê Hải Trà

Vừa qua, HOSE và FPT đã phối hợp cùng các thành viên thị trường “test” chức năng cho hệ thống giao dịch này. Quá trình test này diễn ra khá trôi chảy. Hiện tại, các bộ phận đang hoàn thiện để sớm tổ chức “test” thực tế với các công ty chứng khoán. Dự kiến, phía FPT có thể bàn giao hệ thống cho HOSE vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới.

Còn đối với hệ thống KRX, ông Lê Hải Trà cho biết, mọi công việc đang tiến hành đúng theo lộ trình. Tuy nhiên, việc dịch COVID-19 tái bùng phát lần thứ 4 cũng tạo thêm áp lực cho các đơn vị, đặc biệt là việc đưa các chuyên gia Hàn Quốc vào làm việc.

Còn nhớ thời điểm cuối tháng 3/2021, HOSE đã có công bố thông tin trên website về việc nghẽn lệnh. Theo đó, từ tháng 12/2020, tại một số phiên giao dịch trên HOSE đã ghi nhận tình trạng một số công ty chứng khoán, đặc biệt là các công ty chứng khoán có nhiều khách hàng, không gửi lệnh được vào hệ thống giao dịch của HOSE trong những phiên giao dịch có thanh khoản lớn. Tình trạng này xảy ra khi có sự gia tăng đột biến số lệnh từ các công ty chứng khoán vào Sở.

Giải pháp trước đó được HOSE đề xuất với cơ quan quản lý nhằm giảm bớt số lệnh vào hệ thống là nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 chứng khoán. Giải pháp này đã góp phần giảm tải được một phần lệnh vào hệ thống, giúp thanh khoản tăng được 15 - 18% như dự kiến. Tuy nhiên, hiện tượng quá tải hệ thống vẫn chưa xử lý được dứt điểm nhất là khi thanh khoản liên tục tăng mạnh trong thời gian trở lại đây.

Thực tế quan sát trong giai đoạn 2016 - 2021, TTCK Việt Nam ghi nhận liên tục tăng trưởng trở thành kênh huy động vốn trong trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Quy mô thị trường đến năm 2020 đạt 5,3 triệu tỷ đồng, gấp 3,5 lần so với năm 2016 và tương đương 84% GDP. Đến nay, mức vốn hóa trên thị trường đã đạt gần 6,4 triệu tỷ đồng - tương đương 101% GDP - tăng gần 21%.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có buổi làm việc với các đơn vị khối thị trường tài chính thuộc Bộ. Liên quan đến câu chuyện nghẽn lệnh, Bộ trưởng Phớc chỉ đạo, hiện tượng nghẽn lệnh vừa qua phải được đặc biệt quan tâm, "phải khắc phục, phải làm hết sức quyết liệt và dùng biện pháp mạnh" bởi "ách tắc là thiệt hại".

COVID-19 khó cản bước thị trường trung và dài hạn

Nhìn nhận diễn biến dịch COVID-19 là vấn đề đáng quan tâm nhất vào thời điểm này, song ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Vietinbank cho rằng, trong kịch bản lạc quan, việc khống chế được các chuỗi lây nhiễm trong nước sẽ tạo tác động tích cực đến tâm lý giới đầu tư.

Trên thực tế, dịch bệnh không phải yếu tố mang tính quyết định về xu hướng của thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn.

Nhiều yếu tố khác đóng vai trò tác động lớn hơn cho xu hướng của chỉ số như việc dòng tiền mới có được tiếp tục bơm vào thị trường không cũng như ảnh hưởng của diễn biến từ chứng khoán thế giới.

1022-dy-an
Cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, dệt may,... được dự báo tiếp tục hỗ trợ các chỉ số trung và dài hạn

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Sacombank cho rằng, dù thị trường chứng khoán vẫn đang được ủng hộ bởi dòng tiền mới nhưng hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” đã xuất hiện khá thường xuyên, điều này đồng nghĩa với việc lướt sóng ngắn hạn trong thời gian qua đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Dù chỉ số VN-Index đang trong xu thế tăng nhưng rủi ro lướt sóng ngắn hạn đã và đang hình thành có thể ảnh hưởng không nhỏ tới diễn biến giá thực tế của cổ phiếu.

Tuy nhiên, theo ông Trần Minh Hoàng, vẫn còn nhiều cơ hội đầu tư và tích lũy các cổ phiếu tốt trên thị trường chứng khoán tại thời điểm này. Một số nhóm ngành được VCBS gợi ý là sản xuất vật liệu xây dựng cơ bản (xi măng, thép, gỗ, đá); điện (cả truyền tải điện và sản xuất điện); sản xuất sản phẩm nông nghiệp; cảng biển – logistics.

Ngoài ra là các doanh nghiệp có yếu tố ứng dụng công nghệ mới, nhóm doanh nghiệp có “câu chuyện riêng” liên quan đến tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài, mua bán sáp nhập, niêm yết mới và chuyển sàn…

Cơ hội trên thị trường luôn hiện hữu. Tuy vậy, theo ông Hoàng, thị trường đang có sự phân hóa khá mạnh, đòi hỏi nhà đầu tư phải có kỹ năng đánh giá triển vọng của từng ngành và doanh nghiệp cụ thể trước khi tiến hành giải ngân. Ở thời điểm hiện tại, cổ phiếu ngân hàng vẫn đang có sức nặng nhất định với thị trường và càng lọt vào nhóm đáng đầu tư nếu theo phương pháp “bottom up”.

Thống kê của ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho thấy, trong Top 20 doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao nhất trong quý I/2021, có sự đóng góp của 12 ngân hàng. Cùng với kỳ vọng tăng trưởng tốt từ quá trình phục hồi kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 được dự báo quay trở về mức trước đại dịch giúp thu nhập lãi thuần tăng mạnh, hoạt động dịch vụ tiếp tục phát triển mạnh nhờ các hợp đồng bancassurance và áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng được gỡ bỏ một phần nhờ Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước là các động lực tăng trưởng chính cho hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm nay.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Vietinbank lại cho rằng, với việc tiến hành giải ngân đầu tư công tiếp tục là trọng tâm trong mục tiêu phát triển kinh tế của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ngành thép, nhựa đường, xi măng, đá, xây dựng hạ tầng tiếp tục kinh doanh thuận lợi trong năm COVID thứ hai.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Minh Thuận