Cổ phiếu phân hóa, lợi nhuận doanh nghiệp vận tải biển còn triển vọng trong quý I/2022?

Cập nhật: 16:15 | 15/11/2021 Theo dõi KTCK trên

Cổ phiếu vận tải biển từng là hiện tượng trên thị trường nhờ giá cước vận tải biển quốc tế tăng phi mã. Tuy nhiên, sau khi cơn sóng qua đi, sức hút của nhóm cổ phiếu này đang hạ nhiệt dù chưa có một chắc chắn nào cho thấy giá cước vận tải biển quốc tế đã đạt đỉnh.

1323-van-tai-bien

Cổ phiếu phân hóa

Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 8/11 đến ngày 12/11, VN-Index tăng 16,86 điểm - tương đương tăng 1,16%, lên 1.473,37 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 2,4% xuống 155.931 tỷ đồng, khối lượng giảm 2,5% xuống 5.314 triệu cổ phiếu.

HNX-Index tăng 13,99 điểm, tương đương tăng 3,27%, lên 441,63 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 1% lên 21.880 tỷ đồng, khối lượng giảm 3,7% xuống 844 triệu cổ phiếu.

1332-van-tai-bien2
Cổ phiếu vận tải biển phân hóa

Giá cước vận tải biển tăng mạnh từ đầu năm do nhiều nguyên nhân như ách tắc hàng hóa tại cảng biển; thiếu container rỗng, thiếu nhân công… đã tạo động lực cho các cổ phiếu vận tải biển tăng phi mã cùng với thanh khoản đột biến. Tuy nhiên, sau khi giá cổ phiếu đạt đỉnh trong tháng 8 và tháng 9, đến nay, nhóm cổ phiếu này đang tạm lắng xuống.

Trong tuần qua, mã TJC của CTCP Dịch vụ Vận tải và Thương mại vẫn giữ được đà tăng mạnh với mức 25,62% từ giá 16.000 đồng/CP lên 20.100 đồng/CP. Ngoài phiên 9/11 TJC đứng ở mốc tham chiếu, 4 phiên còn lại cổ phiếu đều tăng mạnh và chạm trần vào phiên ngày 11/11. Tuy nhiên, thanh khoản của TJC vẫn ở mức thấp với trung bình đạt 10.304 đơn vị/phiên.

Ngoài TJC, các mã khác chỉ giữ được nhịp chỉ tăng nhẹ. Có thể kể đến mã VFR của CTCP Vận tải và Thuê tàu đang tăng trở lại sau khoảng thời gian “hụt hơi”. Được hưởng lợi từ xu hướng chung, VFR thoát khỏi kiếp giao dịch dưới mệnh giá nhiều năm kể từ giữa tháng 9. Tuy nhiên, cổ phiếu cũng dần đi xuống và mới lấy lại đà tăng trong tuần qua với 7,84%.

Mã PVT của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí cũng tăng 6,75%; mã PVP của CTCP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương tăng 2,93%; HAH của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An tăng 2,50% và VNA của CTCP Vận tải Biển Vinaship nhích nhẹ 0,75%. Nhóm cổ phiếu tăng nhẹ này có khả năng thanh khoản cao với nhiều phiên giao dịch sôi động.

Ngược lại, nhiều mã có xu hướng giảm. Đáng chú ý là TCO của CTCP Vận tải Đa phương thức Duyên Hải đã giảm 4,39% và đóng cửa tuần với giá 26.100 đồng/CP. TCO cũng là cái tên được kỳ vọng trong đợt sóng vận tải biển vừa qua. Cổ phiếu bước vào vùng đỉnh lịch sử khoảng giữa tháng 9 quanh mức 33.000 - 34.000 đồng/CP nhưng cũng giảm dần sau đó.

Tương tự, mã MVN của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đã giảm 2,56%; VOS của CTCP Vận tải biển Việt Nam giảm 1,31% và SSG của CTCP Vận tải biển Hải Âu giảm nhẹ 0,1%.

Lợi nhuận ngành vận tải biển còn tốt trong quý I/2022?

Trong buổi hội thảo trực tuyến diễn ra ngày do Người Đồng Hành và CTCK SSI phối hợp tổ chức, các chuyên gia đã đi sâu vào những câu chuyện riêng của một số nhóm ngành, từng trường hợp doanh nghiệp, mã cổ phiếu cụ thể mà nhà đầu tư quan tâm.

Tại nhóm vận tải biển, nhìn lại khoảng thời gian sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, ông Nguyễn Hoàng Giang, chuyên gia phân tích SSI Research cho biết, nhu cầu vận tải trên toàn cầu giảm mạnh khiến các hãng vận tải biển buộc phải trở mình chuyển sang trạng thái mới. Giá cước vận tải biển container liên tục giảm khiến các hãng phải tìm biện pháp nhằm giảm nguồn cung tàu, trong đó có cả giải pháp bán "sắt vụn" tàu và tạo thành liên minh để cân bằng lại với nhu cầu thị trường. Nhờ vậy, các hãng tàu mới bắt đầu làm ăn tốt và có lãi trở lại từ đầu năm 2019.

Và đến khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện đã gây ra sự thiếu hụt lớn trong nguồn cung vận tải biển, trong khi nhu cầu vận tải vẫn ở mức cao và tăng so với cùng kỳ. Điều này đã tác động đẩy giá cước vận tải biển tăng phi mã, dẫn tới kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp trong ngành.

Sau đó, dịch bệnh dần trong tầm kiểm soát đã ghi nhận tốc độ phục hồi nhanh chóng của nhu cầu toàn trong khi nguồn cung chưa kịp đáp ứng, càng tạo ra sự mất cân bằng cung cầu tạm thời.

Theo ông Giang, triển vọng tới hết quý I/2022, lượng đơn hàng sẽ vẫn duy trì giúp kết quả kinh doanh của các hãng vận tải sẽ vẫn khả quan. Bên cạnh đó, giá cước sẽ neo ở mức cao trong dài hạn do các hãng tàu biển không có động lực để tách ra tạo thành liên minh mới hoặc chủ động hạ giá như thời điểm trong quá khứ. Một số doanh nghiệp tại Việt Nam có thể hưởng lợi từ xu hướng này, có thể điểm tới như Gemadept (GMD), Hải An (HAH)…

Mặt khác, Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research đánh giá bối cảnh giá dầu liên tục neo ở mức cao ít nhiều gây ra những tác động tới các doanh nghiệp vận tải biển khi chi phí dầu chiếm tới 30 - 40% cơ cấu tổng chi phí trong doanh nghiệp. Giá dầu càng cao thì lợi nhuận của các doanh nghiệp vận tải biển sẽ càng bị bào mòn.

Tuy vậy, điểm sáng là việc một số hãng tàu đã bắt kịp xu hướng, chủ động công tác cho thuê tàu với giá phí cao, từ đó vừa tránh được ảnh hưởng trực tiếp là giá dầu trong vận chuyển, vừa đảm bảo việc sử dụng 100% đội tàu thuộc sở hữu.

Song song với đó, bà Phương cũng cho biết giá cước tăng cao khi thị trường nội địa rơi vào trạng thái thiếu cung tàu phần nào nữa giúp các doanh nghiệp bù đắp mức tăng của chi phí hoạt động.

Giá cổ phiếu tăng phi mã, bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp ngành than ảm đạm

Chính sách giá than chịu sự quản lý chặt của Chính phủ nên các doanh nghiệp ngành than chưa thể hưởng lợi bất chấp giá ...

Doanh nghiệp mía đường “khấm khá” trong quý đầu niên độ 2021-2022

Sau niên độ 2020-2021 tương đối thuận lợi, đa phần các doanh nghiệp mía đường đều ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan quý ...

NĐT cá nhân mua gom 545 tỷ đồng cổ phiếu DGC ngay khi Vinachem thoái vốn, xả mạnh nhóm ngân hàng

Trong tuần tăng điểm thứ ba của VN-Index, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục đóng vai trò lực cầu chính trên thị trường khi ...

Đăng Điệp

Tin cũ hơn
Xem thêm