Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: BID vượt đỉnh lịch sử, thanh khoản STB cao nhất ngành

Cập nhật: 12:42 | 15/01/2022 Theo dõi KTCK trên

Cổ phiếu ngân hàng có diễn biến tích cực hơn trong tuần này, đặc biệt là 2 phiên 12-13/1 trong bối cảnh nhà đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu bất động sản.

4110-stbb
Tuần giao dịch 10/1 - 14/1 ghi nhận diễn biến phân hóa trong nhóm cổ phiếu ngân hàng

Tuần giao dịch 10/1 - 14/1 ghi nhận diễn biến phân hóa trong nhóm cổ phiếu ngân hàng với 11/27 mã giảm giá và 16 mã tăng giá.

Trong đó, cổ phiếu BID là mã ngân hàng tăng mạnh nhất tuần với mức tăng 12,9% (tăng kịch trần trong phiên 12/1). Đây cũng là mã duy nhất có mức tăng trên hai chữ số trong tuần qua.

Kết tuần tại mức giá 44.250 đồng/cp, cổ phiếu BID đã vượt đỉnh lịch sử sau gần hai năm. Đà tăng này thậm chí còn mạnh hơn trong đợt "sóng" cổ phiếu ngân hàng hồi tháng 6 năm ngoái.

Một thông tin tích cực đối với cổ phiếu BID đến từ việc cải thiện chất lượng tài sản cho vay của ngân hàng. Tại hội nghị tổng kết, lãnh đạo BIDV cho biết tỷ lệ nợ xấu đã giảm mạnh xuống còn 0,81%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng vọt lên 235%, cao nhất trong các năm gần đây.

Quay trở lại với diễn biến trong tuần qua, ngoài BID, một số mã ngân hàng khác có mức tăng đáng chú ý như STB (+9,5%), CTB (+6,8%), KLB (+4,7%), VCB (+4,5%)...

Ở chiều ngược lại, mã cổ phiếu ngân hàng giảm nhiều nhất tuần qua là PGB với mức giảm 7%. Trong tuần qua, cổ phiếu này cũng đã chấm dứt chuỗi tăng giá trong gần chục phiên liên tiếp.

Ngoài PGB, mức giảm nhiều nhất cũng chỉ là 2,2% với VBB và BVB, một số mã khác như ACB, MSB, LPB,... giảm từ 0,5 đến dưới 2%.

3709-cp153
Nguồn: Lê Huy - Vietnambiz

Trong tuần giao dịch vừa qua, có tổng cộng gần 887 triệu cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư (tăng nhẹ 1,6% so với tuần trước) tương ứng với giá trị giao dịch đạt gần 29.280 tỷ đồng (tăng 5%).

Trong đó, STB tiếp tục sở hữu khối lượng giao dịch cao nhất ngành với hơn 195,5 triệu cổ phiếu (tăng 12% so với tuần trước), cách biệt với mức 84,1 triệu của SHB và 82,7 triệu của MBB ngay sau đó. Một số mã khác như CTG, VPB, TCB, TPB có khối lượng giao dịch lớn từ 50 đến 75 triệu đơn vị.

Tương tự, xét về giá trị giao dịch, cổ phiếu STB cũng đứng đầu với hơn 6.588 tỷ đồng, bỏ xa mức 2.600 tỷ đồng của CTG và TCB hay mức 2.436 tỷ đồng của MBB.

Cũng trong tuần, các nhà đầu tư nước ngoài tích cực gom các cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa lớn khi mua ròng hơn 169 tỷ đồng VCB, 136 tỷ đồng STB và hơn 102,5 tỷ đồng BID,... trong khi đó bán ròng hơn 59 tỷ đồng VPB, gần 31 tỷ đồng OCB...

Mặt khác, khối tự doanh đã bán ròng hơn 45,7 tỷ đồng STB, hơn 22 tỷ đồng CTG và mua ròng hơn 29 tỷ đồng VPB, hơn 17 tỷ đồng ACB...

VDSC dự báo về điểm rơi lợi nhuận của nhóm ngân hàng tư nhân năm 2022

Theo báo cáo cập nhật ngành ngân hàng, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng hoạt động kinh doanh các ngân hàng năm 2022 nhìn ...

BVB tiên phong công bố báo cáo tài chính 2021, lợi nhuận vượt 7% kế hoạch

Ngân hàng Bản Việt (BVB) là ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với lợi nhuận trước thuế năm 2021 ...

Cổ phiếu ngân hàng tiêu cực, Phố Wall trái chiều phiên cuối tuần

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 14/1/2022 chứng kiến diễn biến tiêu cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng sau khi công bố kết quả ...

Lưu Lâm (TH)