Cổ phiếu ngân hàng phân hoá phiên cuối tuần, EIB vụt sáng sau chuỗi ngày trượt dốc

Cập nhật: 22:00 | 18/11/2022 Theo dõi KTCK trên

Phiên giao dịch cuối tuần (18/11) không ghi nhận biên độ biến động mạnh tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, chiều tăng ghi nhận 12 mã, 5 mã đứng tham chiếu và 10 mã giảm điểm.

Thu nhập ngoài lãi của ngân hàng 9 tháng đầu năm tăng trưởng nhờ đâu?

Diễn biến giao dịch của phiên cuối tuần (18/11) cho thấy hầu hết lượng cung bắt đáy được dòng tiền đón nhận một cách tích cực với phần nhiều cổ phiếu có mức lợi nhuận tốt. Điều này càng giúp củng cố vùng đáy tạm vừa thiết lập ngày 16/11.

Mức dao động mạnh của chỉ số và nhiều cô phiếu trong các phiên gần đây và phiên hôm nay hàm ý tâm lý của thị trường còn khá lỏng lẻo và dễ tác động. Nhìn chung, tuần giao dịch hiện tại mang nhiều màu sắc tích cực khi tạo ra hi vọng về khả năng thiết lập một vùng đáy cho thị trường.

EIB bật tăng trần sau chuỗi giảm sàn
EIB bật tăng trần sau chuỗi giảm sàn

Với nhóm cổ phiếu ngân hàng, phiên giao dịch cuối tuần không ghi nhận biên độ biến động mạnh mà diễn biến phân hoá trong phiên hôm nay và gần như không có tác động đến VN-Index.

Đáng chú ý, cổ phiếu EIB đã đảo chiều tăng kịch trần ngay từ đầu phiên lên 19.400 đồng/cp cùng khối lượng khớp lệnh 1,6 triệu đơn vị. Trước đó, mã này đã giảm sàn 7 phiên liên tiếp, trong đó phiên 17/11 có tới gần 51 triệu đơn vị được khớp lệnh, mức cao nhất kể từ khi niêm yết trên sàn HOSE.

Nhiều cổ phiếu đến từ sàn HNX và thị trường UPCoM cũng tăng giá như: PGB (4,1%), NVB (3,6%), VBB (2,7%), SGB (2,4%), KLB (1,9%)... Cùng với đó, một số vốn cổ phiếu vốn hoá lớn trên sàn HoSE cũng giao dịch trên ngưỡng tham chiếu như LPB (4,9%), SHB (1%), BID (0,8%), ACB (0,5%).

Từ vùng giá đỏ, các cổ phiếu khác hồi phục về mốc tham chiếu như VCB, MBB, VPB, MSB và NAB cũng không có biến động về giá trong phiên hôm nay.

Ở chiều giảm giá, các cổ phiếu ngân hàng khác không đảo chiều thành công nhưng biên độ giảm không đáng kể như HDB (-2%), TPB (-1,2%), CTG (-1,2%), TCB (-1,1%)...

Về thanh khoản, giá trị khớp lệnh của nhóm ngân hàng phiên cuối tuần sụt giảm 30% về hơn 2.220 tỷ đồng. Tại kênh thoả thuận ghi nhận một số giao dịch lớn như VIB (738 tỷ đồng), LPB (207 tỷ đồng)...

Cổ phiếu ngân hàng phân hoá phiên cuối tuần, EIB vụt sáng sau chuỗi ngày trượt dốc

Đối với giao dịch khối ngoại, sau nhiều phiên mua ròng nghìn tỷ, khối ngoại đã quay đầu bán ròng trong phiên hôm nay, trong đó quy mô bán tại cổ phiếu ngân hàng là 81 tỷ đồng. Ở chiều bán ròng khối ngoại bán mạnh nhất CTG với giá trị đạt 74 tỷ đồng, tiếp đến là VCB 28 tỷ đồng.

Trong báo cáo công bố mới đây, nhiều quỹ ngoại đã đưa ra nhận định tích cực đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng. Quỹ ngoại VinaCapital cho biết, ngành ngân hàng tiếp tục có sức hấp dẫn cao trong dài hạn do tỷ suất lợi nhuận cao, chất lượng tài sản được kiểm soát tốt, tỷ lệ thâm nhập của các khoản vay thế chấp và bán lẻ thấp và thu nhập tăng.

Còn các chuyên gia của Dragon Capital Việt Nam nhận định, năm 2022, tín dụng được cải thiện, lợi nhuận bình quân toàn ngành có thể đạt mức tăng 30% so với năm 2021. Các thông tin khác hỗ trợ cổ phiếu ngân hàng là một số nhà băng đang triển khai kế hoạch bán vốn chiến lược, ghi nhận lợi nhuận đột biến từ bán bảo hiểm độc quyền hay khả năng được chấp thuận tăng room ngoại.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá, cổ phiếu ngân hàng đang có mức định giá hấp dẫn so với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận, cùng nhiều yếu tố hỗ trợ có thể diễn ra sẽ giúp nhóm này tăng giá vượt trội so với mặt bằng chung của VN-Index.

Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Hoàng Hà