Cổ phiếu ngân hàng “đỏ lửa” tuần qua: EIB, KLB giảm mạnh nhất, khối ngoại tích cực gom hàng

Cập nhật: 10:50 | 13/11/2022 Theo dõi KTCK trên

Tuần giao dịch chứng khoán vừa qua (7 - 11/11), cổ phiếu ngân hàng đồng loạt bốc hơi mạnh. Trong 27 cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên sàn chứng khoán thì 23 mã giảm giá, chỉ 4 mã tăng nhưng cũng chỉ tăng nhẹ.

VCBS: Áp lực lên các biến số kinh tế vĩ mô chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

Dù thị trường chứng khoán tăng điểm phiên cuối tuần nhưng vẫn không như kỳ vọng của nhà đầu tư, ngoài mức tăng rất hạn chế nếu không nói là mức đóng cửa cũng gần mức thấp nhất trong phiên thì độ rộng thị trường cũng ghi nhận đây chỉ là một phiên “xanh vỏ đỏ lòng”.

Nhóm cổ phiếu bluechips đóng vai trò là lực kéo của thị trường dưới sự hỗ trợ mạnh mẽ từ khối ngoại. Khối ngoại giải ngân trọn tuần này là tín hiệu tích cực nhất lúc này, trái ngược với tâm lý thận trọng và giảm giao dịch từ nhà đầu tư trong nước.

Thị trường trong nước đang cho thấy vấn đề nội tại lấn át tác động từ bên ngoài, nhóm tín hiệu bất động sản vẫn chưa có tín hiệu tích cực, thị trường thế giới tăng “tưng bừng” nhưng chốt phiên thị trường trong nước vẫn có gần 140 cổ phiếu đóng cửa ở mức giá sàn là điều đáng suy nghĩ.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 42,62 điểm (-4,3%) xuống 954,53 điểm, HNX-Index giảm 14,75 điểm (-7,2%) xuống 189,81 điểm.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 42,62 điểm (-4,3%) xuống 954,53 điểm, HNX-Index giảm 14,75 điểm (-7,2%) xuống 189,81 điểm. (Ảnh minh họa)

Xét theo nhóm ngành, trong tuần qua (7 - 11/11), cổ phiếu ngân hàng diễn biến tiêu cực với 23/27 mã kết tuần trong sắc đỏ. Đáng chú ý, cổ phiếu EIB của Eximbank giảm sâu (-26%) trong tuần, xuống còn 24.150 đồng/cp, đây là mức thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây của mã cổ phiếu này.

Còn nếu tính từ đầu tháng 11 tới nay, cổ phiếu EIB đã giảm 35%, sau nhiều tuần trước đó cổ phiếu này được trao tay thỏa thuận "sôi động" với giá trị giao dịch lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều cổ phiếu ngân hàng khác có mức giảm trên 10% trong tuần qua như KLB (-14,9%), VIB (-11,4%), SHB (-11,1%), MSB (-10,9%), ...

Ở chiều tăng giá, hai cổ phiếu trong hóm "Big 4" ghi nhận mã tăng giá gồm BID (+8,1%) và VCB (+5,2%). CTG dù giảm 3,7%, song vẫn là những mức giảm thấp nhất toàn ngành tuần qua.

Xét về thanh khoản, tuần vừa qua cổ phiếu ngân hàng đã có sự cải thiện thanh khoản so với tuần trước đó, khi tăng 12% lên mức 874 triệu đơn vị, tương đương với giá trị giao dịch đạt 15.643 tỷ đồng (tăng 11%). Cổ phiếu STB tiếp tục đứng đầu ngành ngân hàng về khối lượng giao dịch với 156 triệu cổ phiếu được giao dịch, tăng 27% so với tuần trước.

Về giao dịch khối ngoại, tuần qua cũng là một tuần giao dịch "sôi động" khi nhóm này mua ròng gần 4.400 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán nói chung, trong khi chỉ bán ròng hơn 272 tỷ đồng. Ở nhóm ngân hàng, khối ngoại đã mua ròng 159 tỷ đồng BID, 79 tỷ đồng STB và 77 tỷ đồng CTG. Ở phiên cuối tuần, khối ngoại đã gom ròng 403 tỷ đồng STB.

Đối với nhóm tự doanh, họ tiếp tục mua mạnh cổ phiếu EIB với giá trị 139 tỷ đồng, mức cao nhất toàn thị trường. Nâng khối lượng mua ròng cổ phiếu này trong 2 tuần trở lại lên mức 236 tỷ đồng. Tại chiều bán, nhóm tự doanh xả mạnh nhất cổ phiếu TCB với giá trị giao dịch lên tới 132 tỷ đồng.

Cổ phiếu EIB giảm mạnh nhất tuần qua
Cổ phiếu EIB giảm mạnh nhất tuần qua

Đối với thị trường chứng khoán tuần mới (14/11 - 18/11) các công ty chứng khoán cho rằng cần thận trọng với áp lực bán giải chấp. Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sau phiên giảm dưới ngưỡng tâm lý 950 điểm của VN-Index, thị trường nhanh chóng hồi phục trở lại. Tuy nhiên, nhìn chung lực cầu giá cao vẫn còn thận trọng và có trạng thái tranh chấp mạnh.

VDSC cho rằng, với áp lực bán vẫn còn hiện hữu, có khả năng thị trường sẽ tạm lùi bước để kiểm tra lại cung cầu trong phiên giao dịch tiếp theo. Do vậy, Nhà đầu tư tạm thời cần thận trọng trước áp lực bán vẫn đang gây sức ép và cần quan sát kỹ động thái của dòng tiền hỗ trợ để đánh giá trạng thái thị trường.

Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng thị trường đang chịu áp lực bán tương đương thời điểm khủng hoảng do đại dịch covid tháng 03/2020 cùng với những biến động vĩ mô liên quan đến lãi suất, tỷ giá, thị trường trái phiếu... dẫn tới việc khó xác định liệu thị trường đã hình thành đáy dài hạn hay chưa. SHS khuyên nhà đầu tư duy trì tỷ trọng thấp, chờ thị trường chung ổn định trở lại.

Dưới góc nhìn của Chứng khoán Tân Việt (TVSI), trong nội tại thị trường diễn biến ở phiên chiều cuối tuần tương đối tiêu cực và tạo tâm lý bất an khi nhiều cổ phiếu hồi phục trong phiên sáng nhưng nhanh chóng quay đầu giảm sàn trở lại. Thị trường Việt Nam hồi phục yếu và tiềm ẩn các rủi ro về dòng tiền và thanh khoản trong bối cảnh thị trường quốc tế hồi phục mạnh mẽ sau thông tin lạm phát tháng 10 của Mỹ hạ nhiệt và đồng USD cũng hạ nhiệt sau đó.

TVSI cho rằng với diễn biến phiên hôm nay thì áp lực giảm ở phiên đầu tuần tới có thể sẽ quay lại khi nhiều cổ phiếu vẫn đang chịu sức ép bán quyết liệt.

Hồng Giang