Chuyện tăng vốn của các ngân hàng nhóm “Big4”

Cập nhật: 12:28 | 03/06/2021 Theo dõi KTCK trên

Việc chậm được tăng vốn khiến nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước hạn chế khả năng cung ứng vốn, thu hẹp thị phần tín dụng trong 5 năm qua.

2528-nh362
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Tuần qua, VietinBank chính thức được Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung gần 7.000 tỷ đồng vốn nhà nước theo Quyết định số 765/QĐ-TTg. Đây là tin vui không chỉ đối với VietinBank, mà của cả cơ quan quản lý sau một thời gian nỗ lực phối hợp, làm việc với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thúc đẩy quá trình phê duyệt đối với phương án tăng vốn điều lệ của ngân hàng này.

Yêu cầu cấp bách tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước liên tục được trao đổi tại các cuộc họp và gần đây nhất, tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Ngân hàng Nhà nước ngày 17/4/2021, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, vấn đề quan tâm lớn hiện nay của công tác tái cơ cấu ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu là tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước.

“Nếu không được bổ sung vốn điều lệ, nhóm này sẽ hạn chế khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, thu hẹp thị phần, khó hiện thực hóa chỉ tiêu có ít nhất một đến hai ngân hàng thương mại nằm trong Top 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản khu vực châu Á theo chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng 2030 được Chính phủ phê duyệt”, bà Hồng nói.

Thị phần tín dụng của 4 ngân hàng thương mại nhà nước, gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank, vẫn được gọi là “Big4” trong ngành ngân hàng, theo thông tin từ một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước, đã giảm dần đều từ hơn 80% xuống 40% và nguyên do chủ yếu là không tăng được vốn trong nhiều năm liên tiếp.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân của các ngân hàng trong 5 năm qua là 14,6%. Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), phần lớn thị phần gia tăng những năm qua thuộc về các ngân hàng thương mại tư nhân, trong khi thị phần tín dụng của các ngân hàng thương mại nhà nước bị thu hẹp.

Trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước, chỉ có Vietcombank đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân 5 năm qua cao hơn mức trung bình toàn ngành (14,6%), với 16,2%. Tăng trưởng tín dụng hàng năm của VietinBank trong giai đoạn 2018 - 2020 thậm chí chỉ đạt một con số và thị phần của Ngân hàng đã giảm 151 điểm cơ bản trong 5 năm qua.

Tương tự, Agribank cũng bị mất thị phần tín dụng. Tỷ lệ CAR, theo chuẩn Basel 2, chỉ ở mức 6% trong năm 2020 và thị phần giảm 80 điểm cơ bản so với đỉnh năm 2018. BIDV cũng đã chứng kiến tăng trưởng tín dụng chậm lại những năm gần đây khi tác động tích cực từ đợt phát hành riêng lẻ giảm dần.

Nhìn chung, các ngân hàng thương mại nhà nước đã mất 142 điểm cơ bản thị phần tín dụng trong 5 năm qua do chủ yếu dựa vào khoản cho vay khách hàng để tăng trưởng dư nợ tín dụng.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng thương mại tư nhân lớn đã tăng khoảng 3,5% thị phần tín dụng kể từ cuối năm 2015. MB, Techcombank, VPBank là những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng kép hàng năm trên 20%, với hệ số an toàn vốn thuộc hàng đầu.

Vị lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước thừa nhận: “Năm 2020, khối ngân hàng thương mại cổ phần đã vượt thị phần của khối ngân hàng thương mại nhà nước. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ mất vai trò chủ đạo, không còn là công cụ của Nhà nước”.

Số liệu cho thấy, hàng loạt ngân hàng thương mại tư nhân có vốn điều lệ đã tiệm cận với các ngân hàng thương mại nhà nước, như Techcombank có vốn điều lệ trên 35.049 tỷ đồng, MB là 27.988 tỷ đồng, VPBank 25.300 tỷ đồng và 3 ngân hàng này đều có kế hoạch tăng vốn mạnh trong năm nay. Trong khi đó, vốn điều lệ tính đến thời điểm 31/12/2020 của Vietcombank là 37.089 tỷ đồng, VietinBank là 37.234 tỷ đồng, Agribank là 30.709 tỷ đồng.

VDSC dự báo, trong năm nay, các ngân hàng tư nhân lớn, bao gồm Techcombank, MB, VPBank dự kiến sẽ duy trì xu hướng tăng trưởng tín dụng, đạt trên mức trung bình của ngành. Đồng thời, thị phần tín dụng của các ngân hàng nhóm quốc doanh trong ngắn hạn sẽ duy trì xu hướng giảm do thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng cao và áp lực về vốn lớn.

Được biết, Agribank cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước cấp phép tăng vốn điều lệ thêm 3.500 tỷ đồng. Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank xác nhận: “3.500 tỷ đồng vốn điều lệ đã về Ngân hàng từ cuối tháng 1/2021”.

Với VietinBank, phương án tăng vốn được thực hiện thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông từ lợi nhuận sau thuế và trích quỹ các năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt của năm 2019.

Mặc dù vậy, theo vị lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước: “Vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước mới chỉ đáp ứng được phần nhỏ của nhu cầu”.

Cổ phiếu ngân hàng đang được định giá quá cao?

Giá cổ phiếu ngân hàng ghi nhận sự bùng nổ trong vài tháng trở lại. Điều này khiến không ít nhà đầu tư đang đặt ...

MB được chấp thuận tăng vốn thêm gần 9.800 tỷ đồng

Ngân hàng Nhà nước chấp thuận MB tăng vốn điều lệ thêm gần 9.800 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu năm ...

Phía sau các cuộc phát hành cổ phiếu tăng vốn

Câu chuyện tăng vốn hậu đại hội cổ đông 2021 đang trở thành yếu tố ảnh hưởng đáng kể tới thị giá cổ phiếu của ...

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Tin cũ hơn
Xem thêm