Chuyên gia đề xuất giảm thuế VAT với cả nhóm hàng chịu thuế suất 5%

Cập nhật: 12:39 | 21/01/2022 Theo dõi KTCK trên

Đối với chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý cần phải giảm theo đúng mục tiêu, trúng ngành nghề để đem lại hiệu quả.

Liên quan đến chính sách thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% sẽ được giảm xuống còn 8% trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chia sẻ với người viết, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính đề xuất cần xem xét áp dụng thêm cho nhóm hàng hóa chịu thuế suất 5%, không nên chỉ áp dụng chung với nhóm hàng hóa bị đánh thuế 10%.

Lý giải thêm về đề xuất này, ông Đinh Trọng Thịnh cho biết chúng ta đang gián tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua thuế VAT. Việc giảm thuế VAT cũng chính là việc tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể sử dụng, tiêu thụ hàng hóa hóa nhiều hơn. Trên cơ sở đó kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

3135-untitled1121
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng không thể đánh chung mức giảm vào nhóm hàng hóa chịu thuế suất 10% mà bỏ qua các nhóm hàng hóa chịu thuế 5%. (Ảnh minh họa: Zing).

Tuy nhiên, ông Đinh Trọng Thịnh cũng lưu ý rằng thuế VAT là thuế đánh trên người tiêu dùng và mỗi nhóm hàng hóa đều có mức thuế khác nhau.

Đối với những mặt hàng được ưu đãi và có phần quan trọng trong đời sống xã hội thì có thể không đánh thuế như phân bón cho nông nghiệp hoặc có những loại đánh thuế nhưng thuế suất 0%. Với nhóm hàng hóa thiết yếu, được người dân sử dụng thường xuyên thì được đánh thuế suất 5%.

Do vậy, ông cho rằng cần đánh giá, xem xét kỹ những nhóm hàng hóa, ngành nghề nào cần được hỗ trợ giảm thuế VAT. Không chỉ đối với nhóm hàng hóa chịu thuế suất 10%, chuyên gia đề xuất cần mở rộng, cân nhắc tới những nhóm hàng hóa, lĩnh vực đang chịu thuế suất 5%.

"Không nên suy nghĩ theo hướng mặt hàng này đang bị đánh thuế 10% nên được giảm xuống 8% còn những mặt hàng 5% thì không được giảm. Chúng ta phải giảm theo đúng mục tiêu, trúng ngành nghề để đem lại hiệu quả", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Để thực hiện hiệu quả chính sách này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiến hành chặt chẽ từ khâu chính sách, kế hoạch đến xử lý nghiêm doanh nghiệp, đơn vị làm sai, đảm bảo khi mặt hàng đến điểm tiêu dùng cuối cùng phải được giảm 2% như quy định.

Bộ Tài chính hiện đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo dự thảo, các nhóm hàng đang áp dụng mức thuế suất thuế VAT 10% sẽ được giảm 2 điểm %, còn 8%. Dự kiến, chính sách này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2-31/12/2022. Bộ Tài chính dự kiến ngân sách năm 2022 sẽ giảm cho phần thuế VAT là 49.400 tỷ đồng.

So với chính sách giảm thuế áp dụng hai tháng cuối năm 2021, mức giảm thuế GTGT được mở rộng về đối tượng, song lại giảm ít hơn so với mức giảm xuống còn 7% trước đây. Cụ thể, vào hồi tháng 11 - 12/2021, dịch vụ vận tải, ăn uống, tour… được giảm 30% thuế GTGT, tức thuế suất 10% giảm còn 7%.

Dự kiến giảm thuế VAT xuống 8% từ tháng 2 năm nay

Bộ Tài chính cho biết, dự kiến chính sách giảm thuế VAT sẽ làm giảm thu ngân sách Nhà nước năm 2022 khoảng 49.400 tỷ ...

Hụt thu hàng chục nghìn tỷ đồng ngân sách Nhà nước khi giảm thuế GTGT

Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng mới dự kiến sẽ làm giảm thu ngân sách Nhà nước năm 2022 khoảng 49.400 tỷ đồng.

Bộ Công Thương đề xuất đưa phân bón vào danh mục chịu thuế VAT

Bộ Công Thương đề xuất Quốc hội, Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng để mặt hàng phân ...

Phương Trang