Chuyển đổi theo xu hướng tiêu dùng mới, giá mục tiêu cổ phiếu MSN được VCSC dự phóng ở mức 172.000 đồng

Cập nhật: 18:29 | 17/08/2021 Theo dõi KTCK trên

Tundra Sustainable Frontier Fund cho biết đà tăng của quỹ trong nửa đầu năm 2021 có đóng góp tích cực từ 3 thị trường Việt Nam (+1%), Pakistan (+1%) và Bangladesh (+ 0,5%). Dù chỉ số tại các thị trường này không ghi nhận sự bứt phá, song các cổ phiếu được lựa chọn trong danh mục lại đạt mức tăng trưởng tốt. Riêng tại Việt Nam, cổ phiếu MSN của Masan Group (chiếm 4,1% danh mục quỹ) đã tăng 22% so với tháng trước, đây cũng cũng là cổ phiếu có hiệu suất tăng đứng thứ 2 trong danh mục quỹ Tundra trong tháng 7.

Một khảo sát do Công ty TNHH Deloitte Việt Nam thực hiện cho thấy có sự dịch chuyển của các ưu tiên trong thói quen tiêu dùng. Người Việt dành nhiều ưu tiên hơn cho những mặt hàng nhu yếu phẩm và giảm chi tiêu cho nhóm sản phẩm không thiết yếu.

Báo cáo ngày 16/8 của CTCK Bản Việt (VCSC) đã tiếp tục khuyến nghị MUA cổ phiếu MSN. VCSC đã đưa ra giá mục tiêu MSN ở mức 172.000 đồng, cao hơn 28,8% so với vùng giá quanh mức 133.500 đồng/cp vào cuối ngày 17/8 và cao hơn 21% so với giá mục tiêu đã khuyến nghị ở báo cáo trước đó (142.500 đồng/cp). Cùng quan điểm, CTCK HSC cũng nhận định triển vọng kinh doanh nửa cuối năm 2021 của Masan sẽ càng khả quan hơn so với nửa đầu năm do các sản phẩm và dịch vụ của Masan đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại.

Các giải pháp thiết thực phục vụ người tiêu dùng xuyên suốt mùa dịch

2742-day-chuyyn-chy-biyn-hang-tieu-dung-cya-masan
Dây chuyền chế biến hàng tiêu dùng của Masan

Đáp ứng nhu cầu mua sắm cho người dân, VinMart/VinMart+ đã kết hợp với chính quyền địa phương để thúc đẩy lưu thông vận chuyển, thúc đẩy bán hàng đa kênh. Hệ thống đã hợp tác với các nhà cung cấp lớn để đảm bảo nguồn cung ứng cũng như giá cả bình ổn. Đồng thời, liên tục thực hiện các chương trình khuyến mãi giá tốt, tặng kèm bảo hiểm sức khỏe khi mua hàng, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

Nhằm khắc phục những khó khăn khi thực hiện mô hình “3 tại chỗ”ở các nhà sản xuất, doanh nghiệp này còn đề xuất biện pháp “vùng đệm” xung quanh nhà máy. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc Thường trực VinCommerce (công ty thành viên của Tập đoàn Masan và là đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+) đề xuất: “Doanh nghiệp sẽ chủ động tìm kiếm các “vùng đệm” như trường học, trường nghề, kho, sân vận động, nhà thi đấu chưa được sử dụng tại địa phương gần ngay nhà máy. Tuy nhiên, giải pháp hữu hiệu này chỉ có thể thành công khi có sự hỗ trợ của Chính phủ và chính quyền sở tại. Do đó, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ phê duyệt giải pháp “vùng đệm” và có thể nhân rộng mô hình này."

Mô hình này sẽ giúp lực lượng lao động vừa có thể ăn nghỉ, giãn cách và thực hiện một số nhu cầu cá nhân vừa đảm bảo thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch bệnh của Chính phủ.

Tăng tốc xây dựng nền tảng “Point of Life”

2816-masan-yyt-myc-tieu-yya-sy-lyyng-cya-hang-vinmart-len-hyn-3000-yiym-trong-nym-2021
Masan đặt mục tiêu đưa số lượng cửa hàng VinMart+ lên hơn 3.000 điểm trong năm 2021

Hệ thống VinMart, VinMart+ thuộc chuỗi VinCommerce (VCM) của Masan đã và đang thực hiện nhiều biện pháp đổi mới để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Tính đến cuối tháng 6/2021, VinMart+ đã triển khai 62 siêu thị mini thí điểm theo mô hình mới ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. 40% diện tích quầy kệ tại các cửa hàng này đã được dành cho các sản phẩm tươi sống, góp phần thu hút lưu lượng khách. Trong năm nay, VCM sẽ mở rộng quy mô VinMart+ lên hơn 3001 cửa hàng giúp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại các kênh mua sắm hiện đại, tiện ích của người dân.

Masan cũng đã triển khai thí điểm mô hình ki-ốt Phúc Long trong các siêu thị mini VinMart+ và thử nghiệm đặt các điểm giao dịch của Techcombank tại VinMart+ ở Hà Nội, giúp khách hàng giao dịch thuận tiện và linh hoạt hơn so với truyền thống. Được biết đây là mô hình giao dịch một điểm đến đa tiện ích - CVLife (Convenient Life), mục tiêu là đáp ứng các nhu cầu từ sinh hoạt hằng ngày đến nhu cầu tài chính.

Triển vọng của các mảng kinh doanh khác do ảnh hưởng của xu hướng tiêu dùng mới

Trong giai đoạn giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn gia tăng. Theo Kantar Worldpanel, doanh số của thực phẩm đóng gói đã tăng 35% trong 2 tuần đầu của tháng 7 (so với cùng kỳ năm trước) do nhu cầu tiêu thụ và dự trữ thực phẩm của người dân gia tăng khi hàng quán đóng cửa. Dẫn đến sự tăng trưởng của các sản phẩm tiện lợi như các giải pháp bữa ăn hoàn chỉnh, các sản phẩm gia vị của Masan Consumer so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến ngành hàng sẽ tăng trưởng ở mức hai chữ số cho năm 2021.

Bên cạnh đó, các mảng kinh doanh của Masan MEATLife (MML) cũng có kết quả khả quan khi kết hợp cùng với hệ thống VinMart/VinMart+. Các sản phẩm thịt của MML đóng vai trò quan trọng trong chiến lược tập trung vào thực phẩm tươi sống của VCM đồng thời tận dụng mạng lưới cửa hàng của VCM để tiếp cận người tiêu dùng. Theo báo cáo của VCSC, kể từ tháng 6 năm 2021, thịt lợn mát MEATDeli và thịt gà 3F Việt đã có mặt tại gần 2.300 và gần 2.200 điểm bán thuộc VinMart/VinMart+, chiếm gần 50% doanh số bán thịt của hệ thống này.

Masan High-Tech Materials cũng đã có lợi nhuận vào quý 2/2021. Triển vọng đến từ nhu cầu mua sắm vật liệu công nghiệp công nghệ cao hồi phục sau một thời gian bị gián đoạn bởi dịch COVID-19, giá hàng hóa cao hơn và tác động từ việc hợp nhất H. C. Starck (HCS). Với việc sáp nhập mảng kinh doanh vonfram của HCS, các sản phẩm chế biến sâu như hóa chất vonfram và vonfram cacbua – những vật liệu có vai trò quan trọng trong các tiến bộ công nghệ mới nhất trên thế giới - có giá trị gia tăng cao hơn, hiện chiếm 68% doanh thu thuần của MHT đã khẳng định sự chuyển đổi thành công của MHT từ nhà khai thác khoáng sản trở thành nhà chế biến vật liệu công nghiệp cận sâu ở quy mô toàn cầu.

PV