Chứng quyền có bảo đảm (phần 1): Khái niệm, các loại và đặc điểm của chứng quyền có bảo đảm

Cập nhật: 10:15 | 02/02/2023 Theo dõi KTCK trên

Chứng quyền có bảo đảm là sản phẩm do công ty chứng khoán phát hành (khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép) và được niêm yết trên sàn chứng khoán với mã giao dịch riêng. Bài viết dưới đây giúp nhà đầu tư hiểu rõ về chứng quyền có bảo đảm cũng như đặc điểm của chứng quyền có bảo đảm.

Khái niệm

Chứng quyền có bảo đảm (Covered warrant – CW) là chứng khoán có tài sản đảm bảo do công ty chứng khoán phát hành, cho phép người sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc được quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở cho tổ chức phát hành chứng quyền đó theo một mức giá đã được xác định trước, tại hoặc trước một thời điểm đã được ấn định, hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.

Các loại chứng quyền có bảo đảm

Có hai loại chứng quyền có bảo đảm: Chứng quyền mua và chứng quyền bán.

Chứng quyền mua là loại chứng quyền mà người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số lượng chứng khoán cơ sở theo mức giá thực hiện hoặc nhận khoản tiền chênh lệch khi giá của chứng khoán cơ sở cao hơn giá thực hiện tại thời điểm thực hiện.

Chứng quyền có bảo đảm (phần 1): Khái niệm, các loại và đặc điểm của chứng quyền có bảo đảm
Hình minh họa

Chứng quyền bán là loại chứng quyền mà người sở hữu chứng quyền được quyền bán một số lượng chứng khoán cơ sở theo mức giá thực hiện hoặc nhận khoản tiền chênh lệch khi giá của chứng khoán cơ sở thấp hơn giá thực hiện tại thời điểm thực hiện.

Đặc điểm của chứng quyền có bảo đảm

Tính đòn bẩy: Giá của chứng quyền thường nhỏ hơn nhiều lần so với giá của chứng khoán cơ sở, tuy nhiên giá trị nội tại của chứng quyền sẽ thay đổi gần như tương ứng với mức độ biến động giá của chứng khoán cơ sở. Vì vậy, tỷ lệ thay đổi giá của CW sẽ lớn hơn tỷ lệ thay đổi giá của chứng khoán cơ sở. Do đó, CW có thể làm gia tăng suất sinh lợi cho nhà đầu tư khi chứng khoán cơ sở biến động đúng với dự báo của nhà đầu tư.

Ví dụ: Với nguồn vốn là 10 triệu đồng, nhà đầu tư nhận định giá cổ phiếu ABC tăng trong tương lai, nhà đầu tư có thể mua:

1.000 cổ phiếu ABC (giá 10.000đ/cổ phiếu) hoặc;

5.000 CW mua (Chứng khoán cơ sở: cổ phiếu ABC, giá CW: 2.000đ/CW, tỷ lệ thực hiện 1:1, giá thực hiện: 10.000đ)

Khi giá cổ phiếu ABC tăng lên 14.000 đồng/cổ phiếu, lợi nhuận của nhà đầu tư đối với các Phương án:

Mua Cổ phiếu ABC là: (14.000 đồng – 10.000 đồng) x 1.000 CP = 4.000.000 đồng tỷ suất sinh lời 40%

Mua CW là: (14.000 đồng – 10.000 đồng – 2.000 đồng) x 5.000 CW = 10.000.000 đồng tỷ suất sinh lời 100%

Mức tỷ suất sinh lời 100% của CW chính là nhờ tác động của đòn bẩy.

Cố định khoản lỗ tối đa: Khi nhà đầu tư không thể nhận định chính xác về sự thay đổi giá của chứng khoán cơ sở, nhà đầu tư có thể đầu tư vào CW như một phương án thay thế. Trường hợp giá chứng khoán cơ sở biến động ngược chiều với dự đoán của nhà đầu tư thì khoản lỗ tối đa của nhà đầu tư trong trường hợp này chỉ là khoản phí (giá) của CW mà nhà đầu tư phải trả để sở hữu CW.

Ví dụ: Nhà đầu tư muốn mua 1.000 cổ phiếu ABC, nhà đầu tư có thể thực hiện các phương án sau:

Phương án 1: Mua 1.000 cổ phiếu ABC (giá 10.000đ/cổ phiếu) => tổng chi phí: 10.000.000 đồng

Phương án 2: Mua 1.000 CW mua, nắm giữ đến ngày đáo hạn để thực hiện quyền Chứng khoán cơ sở: ABC, giá CW: 2.000đ/CW, tỷ lệ thực hiện 1:1, giá thực hiện: 10.000 đồng) => tổng chi phí: 2.000.000 đồng

06 tháng sau:

Giả sử giá của cổ phiếu ABC giảm xuống dưới 10.000 đồng, khi đó khoản lỗ của nhà đầu tư đối với các phương án như sau:

Giá cổ phiếu ABC

Khoản lỗ

Mua 1.000 cổ phiếu ABC

Mua 1.000 CW mua

9.000 đồng

1.000.000 đồng

2.000.000 đồng

8.000 đồng

2.000.000 đồng

2.000.000 đồng

7.000 đồng

3.000.000 đồng

2.000.000 đồng

6.000 đồng

4.000.000 đồng

2.000.000 đồng

Như vậy, có thể thấy khi đầu tư CW, khoản lỗ tối đa của nhà đầu tư luôn được cố định ở mức 2 triệu đồng cho dù giá của cổ phiếu ABC có giảm đến bất cứ mức giá nào. Trong khi đó, nếu nhà đầu tư lựa chọn Phương án mua cổ phiếu, mức thiệt hại của nhà đầu tư có thể lên đến 4 triệu đồng.

Vốn đầu tư thấp: giá giao dịch của mỗi chứng quyền thông thường là khá thấp. Vì vậy, khi tham gia nhà đầu tư chỉ bỏ ra số tiền khá nhỏ.

Không phải ký quỹ khi tham gia giao dịch: không giống như quyền chọn trong chứng khoán phái sinh, khi tham gia giao dịch CW nhà đầu tư không phải ký quỹ bất kỳ khoản tiền nào dù là chứng quyền mua hay bán.

Được giao dịch và thanh toán dễ dàng: CW được giao dịch và thanh toán tương tự như cổ phiếu.

Thông số CW mà nhà đầu tư cần biết:

Thông tin

Ý nghĩa

Chứng khoán cơ sở

Chứng khoán cơ sở của chứng quyền có thể là cổ phiếu đơn lẻ, chỉ số chứng khoán hoặc chứng chỉ quỹ ETF. Trong giai đoạn đầu triển khai CW tại Việt Nam, chỉ có cổ phiếu được chọn làm chứng khoán cơ sở.

Giá chứng quyền

Là khoản chi phí mà nhà đầu tư phải bỏ ra nếu muốn sở hữu CW.

Giá thực hiện

Là mức giá để nhà đầu tư thực hiện quyền mua hoặc bán chứng khoán cơ sở khi CW đáo hạn.

Tỷ lệ chuyển đổi

Cho biết số CW mà nhà đầu tư cần phải có để đổi lấy một chứng khoán cơ sở. Ví dụ: tỷ lệ chuyển đổi là 10:1, nghĩa là cần sở hữu 10 CW để mua một chứng khoán cơ sở

Thời hạn chứng quyền

Là thời gian lưu hành của CW, tối thiểu là 3 tháng và tối đa là 24 tháng.

Ngày giao dịch cuối cùng

Là ngày giao dịch trước hai (02) ngày so với ngày đáo hạn của chứng quyền có bảo đảm và là ngày cuối cùng mà chứng quyền còn được giao dịch. Trường hợp chứng quyền bị hủy niêm yết do chứng khoán cơ sở bị hủy niêm yết, ngày giao dịch cuối cùng của chứng quyền trùng với ngày giao dịch cuối cùng của chứng khoán cơ sở.

Ngày đáo hạn

Là ngày cuối cùng mà người sở hữu chứng quyền được thực hiện chứng quyền.

Kiểu thực hiện quyền

Gồm 2 kiểu thực hiện quyền: Kiểu Châu Âu và kiểu Châu Mỹ. Trong giai đoạn đầu triển khai CW tại Việt Nam, CW chỉ được thực hiện quyền theo kiểu Châu Âu; Theo đó, người sở hữu CW chỉ được thực hiện quyền tại ngày đáo hạn

Phương thức thanh toán khi thực hiện quyền

Bằng tiền mặt. Theo đó, người sở hữu CW sẽ nhận được khoảng tiền chênh lệch khi giá thanh toán của chứng khoán cơ sở cao hơn giá thực hiện.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Tìm hiểu phương pháp đầu tư 4 chữ M của nhà đầu tư Phil Town

Tuy xuất phát điểm của Phil Town chỉ là một hướng dẫn viên du lịch trên sông. Thế nhưng bởi chính khao khát làm giàu ...

Tìm hiểu về đặc điểm và cách tính số tiền phân phối tối thiểu bắt buộc

Số tiền phân phối tối thiểu bắt buộc (RMD - Required Minimum Distribution) là một trong những thuật ngữ được dùng để chỉ số tiền ...

Tìm hiểu về cổ phiếu cô đặc, cách chọn cổ phiếu cô đặc

Trước khi mua bán cổ phiếu, nhà đầu tư cần hiểu cổ phiếu là gì và cách thức giao dịch, tận dụng lợi nhuận từ ...

Đại Dương