Chứng khoán Mỹ thêm một phiên tiêu cực, Dow Jones giảm ba tuần liên tiếp

Cập nhật: 07:19 | 18/09/2021 Theo dõi KTCK trên

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 17/9 đồng loạt đi xuống khi nhà đầu tư lo ngại về việc dịch COVID-19 tái bùng phát và cuộc họp của Fed trong tuần tới.

0845-20210918-110412
Biến động chỉ số Dow Jones trong hai ngày 16 và 17/9. (Nguồn: CNBC).

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 166 điểm, tương đương 0,48%, và đóng cửa ở 34.585 điểm. S&P 500 và Nasdaq Composite cùng mất 0,91%.

Theo CNBC, các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn đa phần chìm trong sắc đỏ, Facebook giảm 2,2%, Alphabet mất gần 2%, Apple và Microsoft đi xuống lần lượt 1,8% và 1,7%.

Trong ngày 17/9, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) bác bỏ đề xuất tiêm vắc xin Pfizer & BioNTech tăng cường (mũi 3) cho tất cả người dân để phòng COVID-19. Kết phiên, giá cổ phiếu Pfizer giảm 1,3%, BioNTech sụt 3,6%. Cổ phiếu một hãng sản xuất vắc xin khác là Moderna cũng mất 2,4%.

Theo trang Stock Trader’s Almanac, lịch sử cho thấy tháng 9 là giai đoạn tiêu cực nhất năm đối với chứng khoán Mỹ, chỉ số S&P 500 giảm trung bình khoảng 0,4% trong các tháng 9 trước đây.

Tính cả tuần qua, Dow Jones giảm gần 0,1%, đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tục. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 9/2020 Dow Jones giảm liền ba tuần. S&P 500 mất 0,6% và ghi nhận tuần đi xuống thứ hai liên tiếp. Nasdaq giảm gần 0,5%.

Tính từ đầu tháng đến nay, Dow Jones đã giảm 2,2%, Nasdaq và S&P 500 mất lần lượt 1,4% và 2%. Thông thường, thị trường trong nửa cuối tháng 9 sẽ giảm mạnh hơn so với nửa đầu tháng.

Một phần biến động của tháng 9 đến từ việc 4 loại sản phẩm phái sinh đều đáo hạn trong tháng: Các hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu, quyền chọn chỉ số cổ phiếu, quyền chọn các cổ phiếu riêng lẻ và hợp đồng tương lai các cổ phiếu riêng lẻ.

Tuần sau, trong hai ngày 21-22/9 Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ họp phiên thường kỳ và nhiều khả năng sẽ ra quyết định giảm quy mô chương trình mua trái phiếu trị giá 120 tỷ USD/tháng. Chính sách bơm tiền này được thực hiện từ thời đại dịch mới bùng phát để hỗ trợ nền kinh tế nhưng hiện nay đang là một trong những nhân tố làm tăng lạm phát.

1222-20210918-110350

Trong khi đó, số ca COVID-19 tăng cao trong thời gian gần đây cũng làm dấy lên lo ngại về việc biến thể Delta có thể làm trật bánh đoàn tàu kinh tế, khiến quá trình hồi phục chậm lại. Trong 7 ngày tính đến 16/9, nước Mỹ ghi nhận trung bình hơn 150.000 ca dương tính mới mỗi ngày, cao gấp 12 lần so với ba tháng trước.

1241-20210918-110322

Đức Quyền

Theo Doanh nghiệp Niêm yết

Tin cũ hơn
Xem thêm