Chứng khoán Mỹ nỗ lực hồi phục nhưng bất thành, Nasdaq vẫn ở đáy 52 tuần

Cập nhật: 08:30 | 28/04/2022 Theo dõi KTCK trên

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 27/4 có lúc tăng mạnh nhưng đóng cửa gần tham chiếu, chưa đạt được sự hồi phục đáng kể sau phiên bán tháo 26/4.

2815-1
Nasdaq vẫn chưa thể hồi phục sau phiên giảm sâu 26/4.

Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm nhẹ 1,8 điểm còn 12.489 điểm, mức thấp nhất trong hơn một năm trở lại đây. Trong phiên, có lúc Nasdaq bật tăng tới 1,7%, tương đương 213 điểm.

Tương tự, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có lúc tăng 457 điểm nhưng đóng cửa chỉ còn tăng 62 điểm, tức 0,2%. S&P 500 cũng kết phiên tăng 0,2%.

Theo CNBC, các chỉ số biến động không theo xu hướng rõ ràng trong phiên 27/4, liên tục đảo chiều giữa sắc xanh và đỏ.

Ông Kari Firestone, Chủ tịch kiêm CEO của công ty quản lý quỹ Aureus Asset Management, nhận định: “Nhà đầu tư chúng tôi đang cố gắng tìm điểm ổn định. Thị trường cần phải thấy một số cái tên nữa với lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ, đáng tin cậy và bền vững thì các nhà đầu tư mới lên tàu trở lại”.

2831-2
Dow Jones tăng 62 điểm sau khi mất hơn 800 điểm trong phiên 26/4.

Báo cáo tài chính quý I đang là tâm điểm chú ý khi hàng loạt đại gia công nghệ thông báo kết quả kinh doanh.

Microsoft tăng 4,8% và hỗ trợ tích cực cho các chỉ số sau khi thông báo lợi nhuận quý I vượt kỳ vọng, đồng thời dự báo lạc quan về doanh thu trong các quý tới.

Visa cũng tăng 6,5% và là mã đi lên mạnh mẽ nhất Dow Jones sau khi công bố cả doanh thu và lợi nhuận lớn hơn dự báo của các nhà phân tích. Tương tự, cổ phiếu năng lượng mặt trời Enphase Energy tăng 7,7% sau khi thông báo lợi nhuận khả quan, trở thành cổ phiếu dẫn đầu S&P 500.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu Alphabet (công ty mẹ của Google) giảm 3,6% sau khi công bố lợi nhuận thấp hơn dự báo, chủ yếu do YouTube vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ TikTok. Ban lãnh đạo Alphabet cảnh báo quý II có khả năng cũng không mấy khả quan. Thống kê bên dưới cho thấy công nghệ là một trong những nhóm tác động mạnh nhất tới thị trường phiên 27/4.

2845-3
Chứng khoán Mỹ diễn biến phân hóa trong phiên 27/4.

Boeing lao dốc 7,5% sau khi thông báo lỗ lớn hơn dự kiến, trở thành cổ phiếu tác động tiêu cực nhất tới Dow Jones. Doanh thu quý I giảm 8% so với cùng kỳ 2021, còn 14 tỷ USD trong khi các nhà phân tích dự báo 16,1 tỷ USD. Lỗ thuần 1,24 tỷ USD. Lỗ trên mỗi cổ phiếu là 2,75 USD trong khi dự báo là lỗ 0,45 USD.

Các nhà phân tích còn kỳ vọng Boeing sẽ bàn giao được 101 tàu bay trong quý I nhưng thực tế công ty chỉ thực hiện được 95 chiếc, trong đó có một chiếc máy bay chiến đấu F-15 và 86 chiếc chở khách thân hẹp Boeing 737, không có chiếc 787 nào do gặp lỗi về cấu trúc. Boeing chưa cho biết khi nào sẽ bàn giao dòng 787 trở lại.

Boeing cũng thông báo tạm dừng sản xuất dòng 777X đến hết năm 2023 do vấn đề về chứng nhận và nhu cầu yếu. Ngày dự kiến bàn giao chiếc 777X đầu tiên cũng phải lùi từ 2023 sang 2025. Biểu đồ bên dưới cho thấy cổ phiếu Boeing hiện thấp hơn 25% so với ngày đầu năm.

2903-4
Cổ phiếu Boeing giảm sâu khi các dòng máy bay chủ lực gặp trục trặc.

Các nhà đầu tư cũng quan tâm tới các tên tuổi Big Tech khác trong mùa công bố kết quả kinh doanh. Meta (công ty mẹ của Facebook) lên lịch công bố vào chiều 27/4 sau khi thị trường đóng cửa, Apple và Amazon dự định thông báo vào ngày 28/4. Trong phiên 27/4, Meta giảm 3,3% trong khi Apple và Amazon cùng đóng cửa trong sắc đỏ.

Các nhà đầu tư đang đánh giá xem đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ từ đầu tháng 4 đến nay có phù hợp với các thông tin về hoạt động kinh doanh hay không.

Trong tháng 4 này, Dow Jones và S&P 500 đã giảm lần lượt 4% và 7,7%, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite lao dốc mạnh nhất khi mất 12,2%. So với đỉnh lịch sử vào tháng 11/2021, Nasdaq hiện thấp hơn 23%, chìm sâu trong vùng thị trường gấu.

Ông Jonathan Krinsky, Giám đốc kỹ thuật thị trường tại BTIG nhận định: “Chúng tôi đang thận trọng khi đánh giá các đợt tăng điểm. Vẫn chưa có phiên hoảng loạn bán tháo (washout) quy mô lớn và xu hướng chung vẫn là giảm. Điều này có nghĩa là các đợt tăng nhỏ chỉ có tác dụng giảm bớt tình trạng quá bán ngắn hạn”.

Ông Art Hogan, Giám đốc chiến lược thị trường tại công ty chứng khoán National Securities nói: “Tổng hợp nhiều yếu tố gồm lạm phát dai dẳng, Fed thắt chặt chính sách, xung đột ở Ukraine và các đợt phong tỏa Zero COVID ở Trung Quốc đã tạo ra những thử thách đáng sợ cho nhà đầu tư trong tháng 4”.

Chuyên gia SSI Research: Cơ hội đầu tư mới đang mở ra

Trong xu hướng uptrend của thị trường 2 năm qua, nhiều nhà đầu tư chưa từng trải qua một giai đoạn thị trường giảm quá ...

Nhận định chứng khoán ngày 28/4/2022: Xu hướng thị trường phái sinh

Các chuyên gia phân tích và công ty chứng khoán đưa ra nhận định về thị trường phái sinh cho ngày giao dịch 28/4/2022. Tạp ...

Nhận định chứng khoán ngày 28/4/2022: VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm

Thị trường ghi nhận phiên hồi phục thứ 2 liên tiếp nhờ lực cầu bắt đáy tăng mạnh. Thanh khoản giảm ở mức thấp cho ...

Song Ngọc

Tin cũ hơn
Xem thêm