Chứng khoán Mỹ giảm sâu, nhà đầu tư hoảng sợ bán tháo trước nguy cơ chiến tranh Nga - Ukraine

Cập nhật: 09:30 | 12/02/2022 Theo dõi KTCK trên

Thị trường chứng khoán Mỹ phiên cuối tuần (11/2) tiếp tục ghi nhận giảm sâu khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine khiến nhà đầu tư hoảng sợ, bán tháo nhiều cổ phiếu.

2919-giym
Ảnh minh họa

Phiên 11/2/2022, thị trường chứng khoán Mỹ dao động quanh tham chiếu trong phần lớn thời gian giao dịch, nhưng sau khi các tin tức mới về Ukraine xuất hiện vào buổi chiều, nhà đầu tư đồng loạt bán tháo cổ phiếu để chạy sang mua trái phiếu Kho bạc.

Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite bị thiệt hại nặng nề nhất khi đóng cửa mất 2,78%, S&P 500 cũng giảm 1,9%. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm hơn 500 điểm, tương đương 1,43%.

Đây là phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp của các chỉ số, như thể hiện trong biểu đồ dưới đây. Ngày 10/2, thị trường lao dốc sau khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 cho thấy tỷ lệ lạm phát của Mỹ lên tới 7,5%, cao hơn dự đoán của các chuyên gia. Nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tăng nhanh lãi suất để kiềm chế giá cả.

Khoảng hai giờ trước khi thị trường đóng cửa phiên 11/2, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga đang leo thang quân sự ở gần biên giới với Ukraine và một cuộc tấn công có thể sớm diễn ra, thậm chí ngay cả khi kỳ Olympics mùa Đông tại Bắc Kinh vẫn chưa kết thúc.

Ông Sullivan còn khuyến nghị: "Bất kỳ công dân Mỹ nào đang ở Ukraine cần phải rời đi càng sớm càng tốt, và trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được đợi quá 24-48 giờ tới".

Ông Sullivan cho biết phía Mỹ không biết chắc liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra quyết định cuối cùng liên quan tới việc tấn công Ukraine hay chưa nhưng "nó có thể xảy ra rất sớm". Sau phát biểu này, thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục một phần từ đáy và giá dầu thô giảm nhẹ từ đỉnh của phiên 11/2.

Giá cổ phiếu năng lượng đi lên theo giá dầu với Diamondback Energy tăng gần 4%, Devon Energy thêm 3,6%, xxon Mobil và ConocoPhillips đi lên tương ứng 2,5% và 2,3%.

Một số cổ phiếu của các nhà sản xuất vũ khí diễn biến khả quan. Northrop Grumman tăng 4,5%, Lockheed Martin thêm 2,8%.

Cổ phiếu của hầu hết các ngành còn lại đều đi xuống, nhóm hàng không - du lịch giảm sâu với American Airlines mất gần 6%, Expedia giảm hơn 2% bất chấp công bố kết quả kinh doanh quý IV khả quan. Thống kê dưới đây cho thấy, công nghệ là nhóm thiệt hại nặng nề nhất.

Nhà đầu tư rời bỏ cổ phiếu để chạy sang trái phiếu Kho bạc khiến giá trái phiếu lên cao và lợi suất đi xuống. Lợi suất kỳ hạn 10 năm phiên 10/2 đã vượt mốc 2% nhưng đến ngày 11/2 chỉ còn 1,92%.

Ngoài căng thẳng Nga - Ukraine, biến động của thị trường chứng khoán Mỹ tuần này còn bị chi phối bởi số liệu lạm phát cao hơn dự tính và khả năng Fed sẽ nâng lãi suất tới 7 lần trong năm nay, mỗi lần 0,25 điểm%, để kiềm chế đà tăng của giá cả.

Nhiều chuyên gia dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất 0,5 điểm % trong cuộc họp giữa tháng 3 tới. Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis còn ủng hộ nâng lãi suất 1 điểm % trước tháng 7.

Theo thống kê từ Fed St. Louis thể hiện dưới đây, lãi suất quỹ liên bang đã được duy trì trong khoảng 0-0,25% trong gần hai năm qua.

Tin tức chứng khoán mới nhất 9h00’ hôm nay 12/2/2022: KBC, BCG, ADS, VIX, TDH, FCN, NVL, APS, EVS

Thông tin chứng khoán, giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu KBC, BCG, ADS, VIX, TDH, FCN, NVL, APS, EVS được Tạp chí điện tử ...

Nhận định chứng khoán tuần từ 14-18/2: Dòng tiền quay trở lại, VN-Index bứt phá

Sau 5 phiên tăng điểm liên tiếp, VN-Index đã giảm 5 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần với sự dè dặt khi khối lượng ...

HOSE ngừng cung cấp, NĐT sẽ không còn biết khối tự doanh mua bán gì từ ngày 1/3

Hàng loạt đơn vị cung cấp dữ liệu trên thị trường cho biết sẽ không còn cung cấp dữ liệu giao dịch của khối tự ...

Thu Thủy