Chủ tịch Tổng Công ty Đường sắt: Vốn chủ sở hữu 3.200 tỷ đồng tại 2 công ty vận tải Hà Nội và Sài Gòn sẽ mất hoàn toàn

Cập nhật: 10:00 | 11/01/2021 Theo dõi KTCK trên

Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) chỉ ra hàng loạt khó khăn của doanh nghiệp trong năm 2020 dưới tác động của dịch COVID-19 có thể khiến Tổng Công ty mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu 3.200 tỷ đồng.

Vicem mục tiêu lãi bao nhiêu năm 2021?

Lịch chốt quyền cổ tức tuần mới (11/01 - 17/01): Cao nhất 15% tiền mặt

5523-yyyng-syt-viyt-nam

Năm 2020, dưới tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và thiên tai bão lũ đã khiến ngành đường sắt lao đao.

Chia sẻ tại hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2021 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) mới đây, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR đánh giá, năm 2020 khối đường sắt cũng như các doanh nghiệp khác trong ngành giao thông vận tải phải chịu tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại khiến sản lượng vận tải hành khách sụt giảm nghiêm trọng.

Không những vậy, ngành đường sắt lạc hậu, hạ tầng cũ kỹ, đường đơn và có hàng ngàn đường cong bán kính dưới 300m, không đồng đều tải trọng, trên 14.000 vị trí bị xâm phạm an toàn giao thông, đường sắt đầu tư thay thế hạ tầng cũ chứ không tạo dòng sản phẩm mới nên khó tạo động lực phát triển.

Vì thế, các chỉ tiêu về vận tải hành khách của các công ty cổ phần vận tải sụt giảm sâu so với cùng kỳ và không đạt kế hoạch đề ra, dịch COVID-19 đã phá vỡ toàn bộ kế hoạch khôi phục vận tải hành khách của các đơn vị VTĐS trong các đợt vận tải cao điểm Hè, lễ Tết. Số lượt hành khách đi tàu có tháng chỉ đạt 30-35% so với cùng kỳ, đây là mức thấp nhất trong lịch sử ngành đường sắt.

Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh nhận định, dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu kết thúc mà kéo dài sang năm 2021; dự án 7.000 tỷ đồng sẽ tập trung triển khai để đảm bảo tiến độ thi công sẽ làm giảm năng lực chạy tàu thông qua (khoảng từ 25-30%); sự cạnh tranh của các hãng hàng không về giá vé sẽ tác động mạnh mẽ đến sản lượng vận tải hành khách, hàng hóa sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là vận tải hành khách.

“Với tình hình như hiện nay, vốn chủ sở hữu 3.200 tỷ đồng của Tổng công ty tại 2 Công ty cổ phần vận tải Hà Nội và Sài Gòn sẽ mất hoàn toàn và nỗ lực sản xuất kinh doanh trong những năm qua ở 2 đơn vị này sẽ bị xóa sạch trong 3 năm tới đây” ông Minh nói.

Mặt khác, nguồn vốn bố trí cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quá thấp so nhu cầu, chưa tạo sức hút mạnh mẽ đối với nguồn vốn tư nhân bởi vậy các dự án đều kéo dài hoặc đình trệ, chưa có bước đột phá tạo đà cho bứt phá phát triển, thị phần của vận tải đường sắt ngày càng thu hẹp.

“Đối với các loại hình khác sẽ tạo áp lực để có động lực thay đổi đầu tư hạ tầng. Nhưng đường sắt đường đơn nên không thể tự tạo cho mình áp lực. Vì thế cần có sự thay đổi về nhận thức xã hội và tư duy,” ông Minh nói.

Theo ông Minh, kịch bản 2021 sẽ hết dịch khi có vắcxin; gói 7.000 tỷ đồng kết thúc và đường sắt sẽ có hạ tầng tốt hơn để năng lực thông quan vận tải, từ đó ngành sẽ có dư địa phát triển. Tuy nhiên, nguồn lực về cơ chế chính sách không phải là hữu hạn nên cần đề xuất chính sách trên cơ sở các phương thức vận tải khác.

Tha thiết được tái cơ cấu

Về Đề án tái cơ cấu Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, ông Vũ Anh Minh cho biết, Đề án đã trình 41 tháng nhưng vẫn “đang chờ”.

VNR phải tái cơ cấu từ tài chính, đầu tư, khoa học công nghệ, sản phẩm dịch vụ, tái cơ cấu nhân sự và mô hình tổ chức.

"Giai đoạn 2022, ngành đường sắt sẽ tái cơ cấu hết sức mạnh mẽ, có những thứ động chạm quyền lợi cá nhân, tổ chức nhưng buộc phải làm và ngay bản thân lãnh đạo hay cán bộ lao động cũng trăn trở. Chúng ta không ở trong giai đoạn hành khách xếp hàng dài mua vé, cần giảm định biên nên buộc tái cơ cấu ở tất cả các vị trí, kiêm nhiệm bộ máy hành chính, sắp xếp các đơn vị phụ thuộc để quản lý các nguồn lực một cách tốt nhất" người đứng đầu VNR nói.

Theo bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cho rằng năm 2020 là năm đầu tiên lỗ và mức lỗ này là tương đối cao. Đây là điều lo lắng cho VNR trong phát triển những năm tới.

Theo báo cáo của VNR, năm 2020, sản lượng đạt 6.828,6 tỷ đồng, chỉ bằng 79% so với cùng kỳ. Năm 2020, doanh thu của VNR đạt 6.565 tỷ đồng, giảm 22% so với năm 2019 và tổng công ty lỗ hơn 1.300 tỷ đồng năm 2020.

"VNR được giao quản lý nhiều tài nguyên tài sản nhưng khai thác kinh doanh ra tiền là gần như không có mà chủ yếu dựa vào ngân sách. 10 năm qua, huy động ngân sách tư nhân là rất hạn hẹp, vì vậy Đề án quản lý khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt được giao tài sản cần làm kỹ càng để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, từ đó có các chính sách hút vốn tư nhân" bà Hà nhận định.

Phó Chủ tịch Ủy ban yêu cầu VNR sớm báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về dự báo các phương án khác nhau để có cơ sở phê duyệt điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021.

Hoàng Hạ

Tin cũ hơn
Xem thêm