Chỗ đứng nào cho hàng hoá nội địa trên sàn thương mại điện tử?

Cập nhật: 11:00 | 07/10/2021 Theo dõi KTCK trên

Hiện nay, trên nhiều trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki,... luôn có xu hướng mua sắm hàng hóa nội địa. Vậy chỗ đứng nào cho hàng hoá nội địa trên sàn thương mại điện tử?

Xuất khẩu thủy sản: Điểm sáng trong quan hệ thương mại Việt Nam-Australia

Xuất khẩu gỗ và lâm sản tháng 9/2021 giảm hơn 8%

Thị trường xuất siêu quay trở lại, chấm dứt chuỗi thâm hụt thương mại?

Dựa trên kết quả thống kê của Iprice, trong top 1.200 mặt hàng được tìm mua nhiều nhất trên các sàn thương mại điện tử, sản phẩm mang thương hiệu Việt chỉ chiếm trung bình 17% trong năm 2020 và nửa đầu 2021. Trong khi đó, có đến 83% sản phẩm được quan tâm nhất là hàng ngoại nhập.

Theo đó, con số này còn có dấu hiệu suy giảm từ 2020 sang 2021. Tỷ lệ hàng Việt trong top 1.200 bán chạy chỉ chiếm 20% trong thời điểm dịch năm 2020. Tỷ lệ riêng trên các sàn lần lượt là Sendo (25%), theo sau là Tiki (23%), Lazada Việt Nam (18%) và Shopee Việt Nam (13%).

0620-thuongmaidientu
Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy, nửa đầu năm 2021, các mặt hàng trong nước chỉ còn chiếm 14% trong top bán chạy. Dẫn đầu tiếp tục là Tiki (21%) và Sendo (16%).

Việc hai sàn nội Sendo và Tiki xếp cao nhất về lượng hàng Việt trong các sản phẩm bán chạy phần nào cho thấy tính phù hợp cao và sự hỗ trợ tích cực của hai sàn này cho các doanh nghiệp Việt, báo cáo đánh giá.

Tiki là sàn duy nhất trong bốn sàn bắt buộc tất cả người bán phải có giấy phép đăng ký kinh doanh. Quy định này phần nào giảm lượng nhà bán chuyên nhập hàng ngoại về bán lại, và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nội.

Đáng chú ý, Sendo ghi dấu ấn trong năm 2021 với các chương trình gian hàng Việt phối hợp cùng Bộ Công Thương và tích cực xúc tiến đưa nông sản các tỉnh trên cả nước lên sàn trong mùa dịch. Sendo gần đây cũng không giấu mong muốn biến sàn này thành địa chỉ kinh doanh trực tuyến của các thương hiệu Việt.

Cũng theo số liệu của Iprice, có thể thấy điểm sáng là hàng Việt chiếm ưu thế cao trong danh mục hàng bách hóa, vốn là ngành hàng "hot" trong mùa dịch. Cụ thể, Sendo ghi nhận có đến 81% sản phẩm thuộc nhà sản xuất trong nước, trong khi đó con số này ở sàn Tiki là 63%.

Mặt khác, nông sản - đặc sản còn chiếm 27% sản phẩm bán chạy trên hai sàn nội địa này. "Điều này cho thấy, những mặt hàng này dần được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn trên môi trường online", nhóm nghiên cứu iPrice nhận định.

Trên sàn thương mại điện tử Sendo, đặc sản Việt Nam tăng vọt 50% trong năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020. Trước đó, trong năm 2020, con số này cũng tăng 29% so với năm 2019. Sendo cho hay, số lượng đơn hàng mua nông sản đặc sản có nguồn gốc Việt Nam trong năm 2021 cũng tăng đến 45% so với năm ngoái. Một số sự kiện nổi bật bao gồm xúc tiến thành công 100 tấn rau Hải Dương, 100 tấn vải thiều Bắc Giang.

Bên cạnh sàn thương mại điện tử, thị trường hàng hoá nội địa thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn. Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, năm 2020 là năm đầu tiên Hà Nội tổ chức hai đợt khuyến mại tập trung, vào tháng 6, 7 và tháng 11, thay vì chỉ tổ chức vào tháng 11 như mọi năm.

Bên cạnh chương trình do thành phố tổ chức, các doanh nghiệp bán lẻ lớn như: Hapro, BRG, Co.opmart, Big C, Aeon Mall, Vinmart…; các siêu thị điện máy, như: MediaMart, Pico, Nguyễn Kim… cũng liên tục triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại lớn thu hút người tiêu dùng, đẩy mạnh mua sắm.

Nhờ hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ trên địa bàn Hà Nội trong năm 2020 tăng 7,9% so với năm 2019. 2 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Đặc biệt, mới đây, hệ thống thương mại Thủ đô đã hỗ trợ tỉnh Hải Dương tiêu thụ hàng nghìn tấn nông sản tồn đọng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. "Những con số này cho thấy, ngay trong giai đoạn khó khăn nhất, việc đẩy mạnh khai thác, phát triển thị trường nội địa đã góp phần giúp nhà sản xuất vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô", bà Trần Thị Phương Lan nhận định.

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, tăng trưởng doanh thu hàng hóa, thương mại, dịch vụ và đóng góp của lĩnh vực này vào tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội cho thấy các giải pháp kích cầu thị trường nội địa mang lại hiệu quả tích cực, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất vượt qua khó khăn trước mắt và phát triển trong tương lai.

Tại Công văn số 632/UBND-TH (ngày 4/3/2021) đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, UBND TP. giao Sở Công Thương phối hợp cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ các biện pháp phát triển thị trường, kích cầu tiêu dùng hợp lý; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thị trường, đẩy mạnh sản xuất…

Về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho rằng, việc khơi thông thị trường trong nước được thực hiện thông qua hai công cụ: Kích thích tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp phân phối các mặt hàng thiết yếu. Vai trò của cơ quan quản lý là xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thị trường trong nước không chỉ trước mắt mà cả lâu dài.

Thu Uyên (Tổng hợp)