Chính thức ghi lãi từ giao dịch mua rẻ SND, Kinh Bắc (KBC) báo lãi gần 2.000 tỷ đồng trong quý III

Cập nhật: 17:13 | 31/10/2022 Theo dõi KTCK trên

Quý III, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE: KBC) lãi trước thuế gần 2.000 tỷ đồng do ghi nhận khoản lãi giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phần tại Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng.

Quý III ảm đạm của Coteccons, biên lãi gộp chỉ 1,05%, lỗ trước thuế 3 tỷ

Quý III/2022, doanh thu thuần và lợi nhuận gộp của KBC đều giảm so với cùng kỳ năm trước; cụ thể lần lượt đạt 203 tỷ đồng và 97 tỷ đồng, giảm 38% và 39%. Doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 83 tỷ đồng.

Đáng chú ý, KBC ghi nhận khoản lợi nhuận 1.997 tỷ đồng từ công ty liên kết, trong khi cùng kỳ lỗ 990 triệu đồng. Khoản lợi nhuận này đã giúp lợi nhuận trước thuế của công ty tăng đột biến lên 1.959 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 35 tỷ đồng.

Theo thuyết minh của KBC, khoản lợi nhuận đột biến trên đến từ thu nhập chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh. Cụ thể, đây là giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phần tại Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (SND) phát sinh trong quý II/2022. Tuy nhiên, do tính chuyên môn cao, phức tạp, cần nhiều thời gian nên KBC đã phối hợp với các bên (có Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam - E&Y) để khắc phục và ghi nhận vào quý III/2022.

Tại báo cáo tài chính tự lập 6 tháng đầu năm 2022, KBC ghi nhận 2.412 tỷ đồng lợi nhuận khác, giúp lợi nhuận trước thuế tăng 2,3 lần lên 2.545 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận khác này đến từ phần chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh từ giao dịch tăng tỷ lệ sở hữu lên 48% của KBC với SND.

Được biết, KBC đã bỏ ra 96 tỷ đồng để mua 9,6 triệu cổ phần của SND, tương đương tỷ lệ sở hữu 48%. Sau đó, KBC đã xác định giá trị của 9,6 triệu cổ phần này là 2.493 tỷ đồng, qua đó ghi nhận lợi nhuận 2.397 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau kiểm toán, lợi nhuận của KBC sụt giảm mạnh 92%, chỉ còn 200 tỷ đồng, chênh lệch tới 2.256 tỷ đồng. Là đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính cho KBC, E&Y nhận định do số lượng tài sản lớn và tính định giá phức tạp, việc soát xét định giá trên chưa được hoàn tất.

E&Y cũng lưu ý rằng bút toán ban đầu của giao dịch chuyển nhượng này đang được xác định tạm thời trên báo cáo tài chính hợp nhất bán niên dựa trên giá trị sổ sách tài sản thuần của công ty tại ngày mua. Việc hoàn tất kế toán ban đầu sẽ được thực hiện trong 12 tháng kể từ ngày mua.

Luỹ kế 9 tháng, KBC ghi nhận doanh thu thuần 1.286 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận gộp đạt 560 tỷ đồng, giảm 68%.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng 2 lần lên 238 tỷ đồng, chủ yếu do tăng lãi tiền gửi và cho vay (234 tỷ đồng). Chi phí bán hàng được tiết giảm 65,6%, còn 41 tỷ đồng; còn chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng không đáng kể. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 2.242 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, KBC có thêm 20 tỷ đồng thu nhập khác, đem lại 11 tỷ đồng lợi nhuận khác (cùng kỳ lỗ 5,4 tỷ đồng). Công ty có lợi nhuận trước thuế 2.253 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Khấu trừ thuế, lợi nhuận của KBC tăng mạnh 3 lần, đạt 2.137 tỷ đồng; trong đó lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 2.034 tỷ đồng.

Với kết quả này, KBC mới chỉ hoàn thành 13% mục tiêu doanh thu (9.800 tỷ đồng) và 47% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2022 (4.500 tỷ đồng).

KBC kết quả kinh doanh
Luỹ kế 9 tháng, KBC mới hoàn thành 13% mục tiêu doanh thu và 47% chỉ tiêu lợi nhuận. Ảnh minh hoạ

Dù vậy, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT KBC, khẳng định công ty sẽ hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đặt ra năm nay. Lãnh đạo KBC cho biết đầu tháng 11, công ty sẽ ký thoả thuận cho thuê đất 50 ha tại Bắc Ninh với doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ cao. Dòng tiền thu về ước đạt 4.000 tỷ đồng.

Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của KBC tăng 9%, đạt 33.375 tỷ đồng. Trong cơ cấu tài sản, hàng tồn kho đạt 11.983 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại các dự án KCN và KĐT Tràng Cát, KCN Tân Phú Trung, KĐT Phúc Ninh, KCN Nam Sơn - Hấp Lĩnh,… Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 15% so với đầu năm, đạt 10.769 tỷ đồng. Như vậy, tổng giá trị hàng tồn kho và các khoản phải thu của KBC đạt 23.805 tỷ đồng, chiếm tới 71% tổng tài sản.

Tổng dư nợ vay tại ngày kết thúc quý III/2022 giảm nhẹ so với đầu năm, đạt 6.964 tỷ đồng, chiếm 21% tổng tài sản. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu chỉ 0,79 lần.

Đáng chú ý, dòng tiền kinh doanh 9 tháng của KBC âm tới 948 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 84 tỷ đồng. Nguyên nhân là do tăng các khoản phải thu (464 tỷ đồng), tăng tồn kho (467 tỷ đồng) và tiền lãi vay (258 tỷ đồng). Bên cạnh đó, dòng tiền đầu tư âm 436 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của công ty âm 1.239 tỷ đồng, khiến lượng tiền và tương đương tiền cuối kỳ giảm 48% còn 1.323 tỷ đồng.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Thảo Nguyên

Tin cũ hơn
Xem thêm