Chính sách tiền tệ hỗ trợ dân, "ghìm" sức ép lạm phát

Cập nhật: 10:23 | 03/08/2022 Theo dõi KTCK trên

Ở trong nước, bất chấp rủi ro nhập khẩu lạm phát nhưng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, mặt bằng tỷ giá, lãi suất, lạm phát được kiểm soát.

Tỷ giá USD hôm nay 2/8/2022: Trượt giá trước triển vọng Fed tăng lãi suất

Lãi suất ngân hàng Saigonbank duy trì ổn định trong tháng 8/2022

Lãi suất Ngân hàng Bảo Việt tháng 8/2022

Tiền tệ không là yếu tố gây lạm phát

Thay vì hạ nhiệt nhờ tăng lãi suất, lạm phát vẫn đang nóng lên ở nhiều quốc gia. Đơn cử, lạm phát ở Mỹ lại tăng lên mức cao nhất trong hơn 40 năm qua với chỉ số giá tiêu dùng cá nhân lõi (PCE) tháng 6/2022 tăng 0,6% so với tháng trước đó và PCE tính theo năm leo lên 4,8%. Do đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phải tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm hôm 27/7.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, CPI tháng 7/2022 tăng nhẹ 0,4% so với trước, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021. Bình quân 7 tháng năm 2022, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm 2021, vẫn còn khoảng cách đủ lớn với mục tiêu cả năm khoảng 4%.

Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet)

Tuy nhiên, không phải không có thách thức. Tại cuộc thảo luận về điều hành kinh tế vĩ mô do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, lãi suất điều hành trên thế giới đang tăng rất mạnh, đến nay đã có 196 lượt tăng lãi suất của ngân hàng trung ương các nước trên thế giới. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất của Việt Nam tương đối ổn định, chỉ tăng 0,2% so với đầu năm. Tín dụng 7 tháng đầu năm tăng 9,14%, nghĩa là cầu tín dụng đã tăng lên, trong khi nguồn huy động vốn của ngân hàng chỉ tăng 4,21%, tạo áp lực tăng lãi suất.

Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá, để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, không thể giảm lãi suất được, vì giảm nghĩa là đồng Việt Nam rẻ, dẫn đến chuyện găm giữ ngoại tệ. Vừa qua, NHNN phải điều tiết lãi suất ngắn hạn cũng như là tiền tệ phù hợp, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.

Để chặn đà tăng của lạm phát từ chi phí đẩy, PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, nhiều chính sách khác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất được ban hành kịp thời, giúp giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ; giảm mức thu của 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay và xăng dầu...

Nhiều yếu tố tác động trong 6 tháng cuối năm

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê lưu ý thêm, mặc dù lạm phát nửa đầu năm 2022 được kiểm soát tốt nhưng dư địa không còn nhiều. Trong khi đó, áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023 là rất lớn khi Chính phủ đang chỉ đạo khẩn trương thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong hai năm 2022 - 2023; các gói hỗ trợ của năm 2021 đang thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Những yếu tố này sẽ làm cho tổng cầu tăng, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng theo.

Nêu rõ thách thức trong việc kìm giữ lạm phát trong nửa cuối năm 2022, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết hiện giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu đang tăng lên, trong khi Việt Nam vẫn phải nhập khẩu rất nhiều nên chuyện nhập khẩu lạm phát vẫn có thể xảy ra. Bên cạnh đó, một số khoản như học phí, thuế, lương cơ bản,… bắt đầu tăng từ 1/7 nên chưa thể hiện trong chỉ số lạm phát nửa đầu năm; tiền giải ngân vốn đầu tư công hay chương trình phục hồi sẽ nhanh hơn và nhiều hơn.

Đặc biệt, yếu tố xăng dầu cũng mới chỉ tác động làm tăng lạm phát ở vòng 1, đó là chi phí cho giao thông, sắp tới nó sẽ tác động vòng 2, vòng 3 lên giá lương thực - thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng... Khi đó, những yếu tố này sẽ đè nặng lên lạm phát.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là ở bối cảnh diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay, việc điều hành chính sách tiền tệ, vĩ mô, bao gồm tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư, chính sách quản lý giá… đều phải đặt dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu chung vì an toàn quốc gia.

Do đó, nền kinh tế cũng cần chính sách tài khoá mở rộng hợp lý; thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa đồng thời đa dạng hóa các thị trường quốc tế; nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế. Như vậy mới vừa góp phần kiểm soát lạm phát, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Thu Uyên (Tổng hợp)