Chiến lược Vaccine và giải pháp giúp thị trường chứng khoán đi lên

Cập nhật: 10:45 | 02/08/2021 Theo dõi KTCK trên

Tháng 7/2021 ghi nhận sự trồi sụt của Thị trường Chứng khoán Việt Nam. Với việc bùng phát mạnh dịch bệnh Covid-19, số ca lây nhiễm Covid-19 (F0) tăng nhanh từng ngày tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương,… đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư và tác động sâu sắc đến các quyết định về mặt tài chính, giải ngân, khiến thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh.

Có đến 83,9% giá trị giao dịch toàn thị trường do các nhà đầu tư cá nhân trong nước thực hiện, trong khi đó chỉ có 6% giao dịch toàn thị trường là thuộc về nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ số VN-Index đã tăng điểm lên trên 1.400 điểm (tháng 6/2021) thì đến cuối tháng 7/2021 chỉ còn 1.200 điểm đến 1.310 điểm.

Đại đa số các nhà quản lý, các chuyên gia và kể cả các nhà đầu tư đều chung một nhận định nếu kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 dòng tiền sẽ sớm quay trở lại, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đi lên và tiếp tục phát triển.

Kỳ vọng để dịch bệnh được kiểm soát cũng có thể nói rằng cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng Vaccine ở nước ta, cần có một chiến lược Vaccine không chỉ cho riêng sự phát triển của Thị trường Chứng khoán mà còn cho nền kinh tế của cả nước phục hồi và phát triển mạnh mẽ, cuộc sống của người dân, của các nhà đầu tư được trở lại bình thường mới.

4255-thi-truong-chung-khoan
Cần có một chiến lược Vaccine không chỉ cho riêng sự phát triển của Thị trường Chứng khoán mà còn cho nền kinh tế của cả nước phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Ảnh minh họa

Ngay từ đầu năm 2021 và đặc biệt từ quý II/2021 với phương châm “chống dịch như chống giặc” Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt thực hiện chiến lược tiêm Vaccine cho toàn đân.

Đây là mục tiêu mà Chính phủ đưa ra được các cấp, các ngành, nhân dân cả nước đồng thuận, hưởng ứng vì lợi ích của nhân dân, của xã hội, vì sức khỏe của toàn dân. Tiêm Vaccine để phòng chống Covid-19 là quyền lợi của mỗi người dân là trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội. Tiêm vaccine để ngăn chặn Đại dịch Covid-19 tiến tới tạo miễn dịch cho cộng đồng. Chính phủ đã huy động mọi nguồn lực trong nước tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ nhiều nước trên Thế giới như Mỹ, Anh, Nhật Bản,… trong việc cung cấp nguồn Vaccine cho nước ta, đồng thời đẩy nhanh việc nghiên cứu thử nghiệm để sản xuất thành công Vaccine trong nước.

Bộ Trưởng Bộ Y tế nước ta Nguyễn Thành Long đã phê duyệt kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm Vaccine phòng chống Covid-19 trong 2 năm 2021-2022 với mục tiêu đến tháng 4/2022 sẽ có 70% dân số Việt Nam được tiêm, đạt miễn dịch cộng đồng vào đúng thời gian này. Tính đến 31/7/2021 cả nước đã có 5.931.376 liều Vaccine được tiêm cho cán bộ, nhân dân. (5.342.483 người được tiêm mũi 1, 588.893 người đã được tiêm mũi 2).

Rõ ràng với những kết quả ban đầu như trên các nhà đầu tư chứng khoán, các chuyên gia và nhà quản lý đều tin rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đi lên và phát triển mạnh trong thời gian sắp tới một khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế.

Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Rồng Việt, bà Nguyễn Thị Phương Lam nhận định: “Trong quý III/2021, tăng trưởng kinh tế khó có thể đạt được con số tích cực bởi hầu hết các ngành nghề đều chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thị trường tài chính đang đón đợi quý III/2021 không mấy khả quan, nên nhà đầu tư có sự quan sát thêm cũng là hợp lý. Tuy nhiên, theo tôi tốc độ tiêm chủng Vaccine sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư. Nếu chúng ta đẩy mạnh tốc độ tiêm Vaccine tại các TP lớn, thị trường chứng khoán sẽ sớm hồi phục”.

Ông Lã Giang Trung – Tổng Giám đốc Passion Investment cũng có ý kiến về thị trường chứng khoán Việt Nam và cho rằng: “Cuối năm nay VN-Index có thể đạt 1.600 đến 1.700 điểm với điều kiện Covid-19 được khống chế trong tháng 8 và tháng 9”.

Chiến lược Vaccine và thành công của nó trong từng thời gian tại nước ta sẽ tác động và ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế đặc biệt là sự đi lên và phát triển của Thị trường Chứng khoán Việt Nam.

Cùng với chiến lược Vaccine việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về chứng khoán cũng cần được Chính phủ đặc biệt là Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quan tâm. Dịch bệnh Covid-19 chưa xảy ra thì công tác này đã được quan tâm.Tại thời điểm nay khi Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, 19 tỉnh, TP phía Nam đang cao điểm thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ thì công tác quản lý Nhà nước, thanh tra, giám sát… thị trường, xử phạt các hành vi vi phạm càng phải được quan tâm và đẩy mạnh.

Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn đã chia sẻ: “Cơ quan quản lý sẽ tập trung để Thị trường chứng khoán phát triển bền vững, tăng cường giám sát thị trường, đảm bảo tuân thủ quy định pháp lý. Tôi tin tưởng sự lãnh đạo của Chính phủ có thể giúp chúng ta vượt qua khó khăn hiện tại”.

Nhà đầu tư, các doanh nghiệp hoạt động chứng khoán kiến nghị Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước, Hiệp hội kinh doanh Chứng khoán Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất để Chính phủ ban hành, bổ sung các quy phạm pháp luật về chứng khoán một cách đúng đắn, sâu sát thị trường trong tình hình mới, tạo hành lang pháp lý cho thị trường chứng khoán phát triển. Phải có cơ chế giám sát một cách tích cực để bảo vệ các nhà đầu tư đồng thời phát huy các yếu tố khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin tiên tiến để thị trường chứng khoán phát triển. Đề xuất kiến nghị Bộ Tài chính có những chính sách tài chính phù hợp trong tình hình mới làm cho tài chính của doanh nghiệp mạnh lên trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh Covid-19 tác động.

Các chính sách tài chính mới một mặt phải khơi dậy nguồn lực, một mặt phải trợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn nhất là những doanh nghiệp do dịch Covid-19 đã phải tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh. Cần trợ giúp các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này bằng việc cho vay vốn với lãi suất ưu đãi trong thời gian tối thiểu từ 1 năm trở lên. Cũng cần tính toán để phân phối nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp nào thực sự cần thiết, thiết yếu cho cuộc sống mặc dù khó khăn do dịch Covid-19 gây ra nhưng vẫn đang hoạt động phục vụ nhân dân, phục vụ công cuộc chống dịch như chống giặc. Những doanh nghiệp đã rút ra khỏi thị trường không vì lý do dịch Covid-19 hoặc trước khi dịch Covid-19 xảy ra đã hoạt động yếu kém thì nhất định không được ưu đãi…Bên cạnh đó các chính sách về thuế hay giảm tiền điện, nước, cước viễn thông…cũng cần được nghiên cứu báo cáo đề xuất Chính phủ quyết định và triển khai thực hiện để giúp Doanh nghiệp vượt khó đi lên.

Phát triển kinh tế chứng khoán nói riêng và phát triển cả nền kinh tế nói chung trong tình hình hiện nay thì phải sống chung với dịch Covid-19 một cách thông minh và khôn ngoan. Phải có giải pháp miễn dịch cộng đồng và nhất định phải có chiến lược Vaccine như Chính phủ đã tuyên bố và đang thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó phải coi trọng việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước cả nền kinh tế, nghiên cứu các gói ưu đãi để doanh nghiệp trụ vững, hoạt động và phát triển.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Yến Ngọc