[Cập nhật] Giá vàng hôm nay 6/9/2021: Vàng miếng SJC tiếp đà tăng

Cập nhật: 09:12 | 06/09/2021 Theo dõi KTCK trên

Mở phiên giao dịch đầu tuần sáng ngày 6/9, giá vàng trong nước điều chỉnh tăng tại một số các hệ thống kinh doanh trên toàn quốc. Trên thị trường thế giới, giá vàng biến động trái chiều dù đồng USD tiếp tục suy yếu.

Giá vàng hôm nay 6/9/2021: Hướng tới 1.900 USD/ounce

Dự báo giá vàng tuần tới (từ 6-11/9): Vàng có thể bắt đầu một đợt tăng giá mới

Giá vàng hôm nay 4/9/2021: Giữ vững đỉnh cao

Cụ thể, hệ thống PNJ (Bắc - Nam) điều chỉnh tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều mua và tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều bán. Cùng thời điểm khảo sát, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn đồng loạt đi ngang ở cả hai chiều giao dịch.

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Phú Quý và Tập đoàn Doji niêm yết giá mua và giá bán giữ nguyên không đổi. Hiện tại, giá trần mua vào của vàng SJC đạt mốc 56,75 triệu đồng/lượng và giá trần bán ra có ngưỡng 57,70 triệu đồng/lượng.

Các loại vàng nữ trang khác cũng điều chỉnh tăng trong sáng nay. Cụ thể, giá vàng 24K tăng 50.000 đồng/lượng, vàng tây 18K tăng 40.000 và vàng 14K tăng 30.000 đồng/lượng cho cả hai chiều giao dịch.

1047-capnhatgiavang69
Ảnh minh họa

Trong phiên giao dịch sáng ngày 6/9, giá vàng giao ngay tăng 0,04% lên 1.828,2 USD/ounce vào lúc 6h35 (giờ Việt Nam), theo Kitco. Trong khi giá vàng giao tháng 12 giảm 0,17% xuống 1.830,55 USD.

Vàng biến động trái trong phiên giao dịch sáng ngày thứ Hai (6/9) khi đồng USD tiếp tục giảm so với các đồng tiền lớn khác.

Tại thời điểm khảo sát, chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ, giảm 0,1% xuống 92,133.

Giá tăng vọt trong phiên giao dịch cuối tuần trước sau khi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 8 của Mỹ được công bố, cho thấy số việc làm mới được tạo ra thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó.

Điều này đã thuyết phục được giới đầu tư rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ chờ thêm một thời gian nữa trước khi quyết định thu hồi chương trình kích thích lớn trong thời điểm đại dịch.

Báo cáo việc làm không như kỳ vọng khiến đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm, theo đó giúp kim loại quý thoát khỏi xu hướng ảm đạm trong suốt mùa hè khi giá thử lại ngưỡng kháng cự quan trọng 1.830 USD/ounce và hướng tới mốc 1.835 USD.

Áp lực lạm phát cũng giảm nhẹ trong tháng trước, với chỉ số giá giảm từ 82,3% của tháng 7 xuống 75,4%.

Các nhà phân tích hiện dự báo giá vàng có thể trở lại mốc 1.900 USD/ounce. Tuy nhiên, trước đó kim loại quý phải vượt qua ngưỡng kháng cự quanh mức 1.835 USD/ounce.

Thị trường vàng đã thử mốc này ba lần trong mùa hè vừa qua và không thể giữ được nó.

Chính sách tiền tệ của Mỹ vẫn sẽ gây áp lực cho thị trường vàng. Mặc dù việc giảm chương trình mua tài sản có thể bị trì hoãn cho đến tháng 3 năm sau, các nhà phân tích không cho rằng kế hoạch này sẽ bị loại bỏ hoàn toàn.

Thay đổi "cuộc chơi", giá vàng thế giới sẽ vững vàng trên 1.800 USD?

Cả giới phân tích và nhà đầu tư đều tin, giá vàng sẽ tiếp tục đi lên, thậm chí bắt đầu một đợt tăng giá mới hướng đến vùng 1.900 USD/oune, theo khảo sát của Kitco News về xu hướng giá tuần tới. Trong đó, kết quả Báo cáo việc làm tháng 8 vừa được công bố cuối tuần trước sẽ là vấn đề đáng quan tâm mà Fed sẽ phải tính đến trong chính sách tiền tệ trong thời gian tới.

Báo cáo việc làm tháng 8 được Bộ Lao động Mỹ công bố được cho là một sự kiện làm thay đổi cuộc chơi. Nó cho thấy rõ ràng rằng sự phục hồi kinh tế, vốn từng rất mạnh mẽ, đã lùi lại ít nhất một hoặc hai bước. Yếu tố ảnh hưởng trực tiếp là do sự xuất hiện của biến thể Delta, biến thể có khả năng truyền bệnh mạnh hơn hiện đã bao phủ toàn cầu, ảnh hưởng đến hàng triệu triệu cuộc sống.

Trước ngày 3/9, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã phát đi tín hiệu rằng, Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ sử dụng số liệu việc làm tháng 8 như chỉ báo quan trọng để tính toán về việc liệu có nên kết thúc các biện pháp hỗ trợ thanh khoản cho thị trường. Và rồi, trong cuộc họp báo ngày công bố tình hình việc làm của nước Mỹ (3/9), ông khẳng định, số liệu việc làm tháng 8 xấu đi có nguyên nhân trực tiếp từ sự lây lan của biến chủng Delta , dù tốc độ tạo việc làm vẫn cho thấy sự tăng trưởng.

Trưởng bộ phận đầu tư tại quỹ Wolfpack Capital, Jeff Wright, nhận định tâm lý thất vọng với số liệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp không nên được đánh giá thấp và nó sẽ khiến cho Fed có thêm lý do để tạm lùi lại kế hoạch thu hẹp chương trình mua tài sản. Theo chuyên gia Wright, giá vàng trong phiên cuối tuần trước tăng vọt bởi kỳ vọng này. Ông tin giá vàng đã có được yếu tố hỗ trợ quan trọng ở ngưỡng trên 1.800 USD/ounce và sẽ vững vàng trên mức này.

Diễn biến của giá vàng gần đây liên quan chặt chẽ đến thay đổi về tỷ giá đồng USD, cũng như lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ. Sau khi báo cáo thị trường việc làm Mỹ được công bố, USD giảm giá. Trưởng bộ phận phân tích tại AvaTrade, Naeem Aslam, phân tích dữ liệu mới nhất về thị trường việc làm quá thấp so với kỳ vọng, cho thấy thị trường việc làm Mỹ còn lâu mới hồi phục hoàn toàn từ khủng hoảng.

Gary Wagner, Chuyên gia phân tích kim loại quý hàng đầu của của Kitco chia sẻ, ngay khi chúng tôi nghĩ rằng, nền kinh tế đã tới cuối đường hầm và chuẩn bị tiến tới một sự bình thường mới sau đại dịch, biến chủng Delta đã làm thay đổi đáng kể mọi thứ. Hiện tại, Mỹ lại có hơn 150.000 ca nhiễm mới mỗi ngày và các quốc gia khác cũng đang có tỷ lệ lây nhiễm gia tăng đáng kể. Bệnh viện lại đang hoạt động hết công suất, Covid-19 một lần nữa dập tắt sự lạc quan vừa le lói. Vì "chúng tôi đã tin, vượt qua được cuộc khủng hoảng này, nhưng hiện lại nhận ra rằng, nó sẽ tồn tại lâu hơn chúng tôi dự đoán", Gary Wagner chia sẻ.

Sự mất mát về nhân mạng và những khó khăn của các cá nhân trên toàn thế giới thực sự khiến người ta nản lòng. Giúp giảm thiểu bất kỳ tác động kinh tế nào là điều mà Fed đang tập trung giải quyết. Và cách duy nhất mà Fed có thể giúp chấm dứt sự đau khổ là đảm bảo sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ.

Trong khi đó, Phillip Streible, Chiến lược gia trưởng tại Blue Line Futures nhận định, giảm phát hoặc tái cơ cấu, hoặc lạm phát đình trệ (là kịch bản tiêu cực nhất - hiện tượng kinh tế được đánh dấu bởi tăng trưởng thấp và tỷ lệ lạm phát cao), sẽ là "chủ đề kinh tế" sẽ bắt đầu vào tháng 9. Dựa trên việc thiếu hụt việc làm quá lớn (235.000 so với 723.000 dự kiến), rõ ràng là lạm phát đình trệ đang bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Kết quả của tăng trưởng chậm hơn và lạm phát "dính" sẽ gây áp lực mới khiến Fed phải mạnh tay hơn nữa. Sự thiếu hụt tới 11 triệu việc làm để đưa bức tranh việc làm trở lại thời kỳ trước đại dịch đang giống như một mục tiêu không thể đạt được, mà không thể giải thích rõ ràng trong thực tế. Và lời khuyên đối với các nhà đầu tư là nên cân nhắc bảo vệ lợi nhuận tại các điểm dừng của thị trường, để thử và tận dụng tối đa các cơ hội đột phá.

Số liệu kinh tế quan trọng tiếp theo cần chú ý chính là chỉ số giá sản xuất của tháng 8 dự kiến được công bố ngày thứ Sáu tuần sau (ngày 11/9).

Thu Uyên

Tin cũ hơn
Xem thêm