[Cập nhật] Giá vàng hôm nay 29/10/2021: Vàng SJC tiếp tục điều chỉnh giảm

Cập nhật: 08:56 | 29/10/2021 Theo dõi KTCK trên

Giá vàng trong nước điều chỉnh giảm tại một số cửa hàng kinh doanh trong phiên giao dịch sáng ngày 29/10. Trên thị trường thế giới, giá vàng biến động trái chiều, dao động quanh mốc 1.800 USD.

Giá vàng hôm nay 29/10/2021: Vàng tăng mạnh

Dự báo giá vàng ngày 29/10/2021: Đà tăng duy trì khi giá thế giới neo sát 1.800 USD/ounce?

[Cập nhật] Giá vàng hôm nay 28/10/2021: Vàng miếng SJC quay đầu tăng nhẹ

Cụ thể, cửa hàng vàng bạc đá quý Sài Gòn chi nhánh hai miền Bắc - Nam điều chỉnh giá vàng SJC giảm 50.000 đồng/lượng cho cả hai chiều mua và bán. Cùng thời điểm khảo sát, Tập đoàn Doji niêm yết vàng SJC đi ngang ở chiều mua và giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều bán.

Trong khi đó, giá mua và giá bán giữ nguyên không đổi tại hệ thống PNJ và doanh nghiệp Phú Quý. Hiện tại, giá trần mua vào của vàng SJC đạt mốc 57,80 triệu đồng/lượng và giá trần bán ra có ngưỡng 58,50 triệu đồng/lượng.

Các loại vàng nữ trang khác giảm trong sáng nay. Cụ thể, giá vàng 24K giảm 50.000 đồng/lượng, vàng tây 18K giảm 40.000 đồng/lượng và vàng 14K giảm 30.000 đồng/lượng cho cả hai chiều giao dịch.

5550-capnhatgiavang2910
Ảnh minh họa

Trong phiên giao dịch sáng ngày 29/10, giá vàng giao ngay tăng 0,01% lên 1.799,3 USD/ounce vào lúc 6h55 (giờ Việt Nam), theo Kitco. Giá vàng giao tháng 12 giảm 0,08% xuống 1.801,15 USD/ounce.

Giá vàng tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (28/10) sau khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong hơn một năm, theo đó thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại an toàn và khiến đồng USD suy yếu.

Ông David Meger, giám đốc phòng kinh doanh kim loại tại High Ridge Futures, cho biết tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Mỹ và điều đó sẽ hỗ trợ thị trường vàng trong bối cảnh ít có khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm thu mua trái phiếu với tốc độ nhanh hơn, hoặc triển vọng lãi suất cao hơn bị hạn chế.

Đồng USD giảm so với rổ tiền tệ cũng hỗ trợ vàng vì giúp vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác.

"Việc vàng được coi là một trong những hàng rào chống lại áp lực lạm phát đang trở thành yếu tố hỗ trợ cơ bản cho thị trường vàng trong tương lai, và chúng tôi thấy cả giá vàng và giá bạc sẽ tăng cao hơn trong những tuần tới", ông Meger nói thêm.

Trên các thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,3% lên 24,12 USD/ounce.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không thay đổi chính sách của mình, như phần lớn dự báo đưa ra trước đó, hôm 28/10.

Theo nhà phân tích Rhona O'Connell của StoneX, việc giảm hỗ trợ kinh tế đã được phản ánh vào giá, mặc dù chắc chắn sẽ xuất hiện một phản ứng trong ngắn hạn đối với tuyên bố của Fed vào thứ Tư tới (3/11).

Ở các thị trường khác, giá bạch kim tăng 1,3% lên 1.024,17 USD/ounce và giá palladium tăng 1,6% lên 1.994,57 USD/ounce, theo Reuters.

Hội đồng vàng thế giới (WGC) báo cáo nhu cầu vàng trong quý III giảm 7% so với cùng kỳ năm 2020. Dòng tiền chảy ra từ các quỹ ETF vàng là yếu tố chính dẫn đến sự sụt giảm.

WGC cũng cho hay nhu cầu trang sức ngày càng tăng đã giúp bù đắp phần nào sự sụt giảm về nhu cầu. Nhu cầu vàng trang sức tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương đã mua 69 tấn dự trữ so với 10 tấn trong cùng kỳ năm 2020.

Áp lực lạm phát và nhiều yếu tố ủng hộ giá vàng

Hiện giá vàng tăng còn nhờ lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm, ổn định ở đáy 2 tuần, giúp làm giảm chi phí cơ hội của việc sở hữu kim loại quý.

Trong khi đó, yếu tố đẩy giá vàng tăng cao hơn còn là quyết định "không có thay đổi nào trong chính sách tiền tệ" của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Điều này làm giảm bớt lo ngại của các nhà đầu tư về một đợt tăng lãi suất sắp xảy ra. ECB đã quyết định, chương trình mua trái phiếu của họ sẽ tiếp tục cho đến ít nhất là tháng 3/2022 và nhận định "khu vực đồng Euro vẫn còn quá yếu để các nhà hoạch định chính sách rút lại kích thích".

Giới phân tích cho rằng, lạm phát vẫn là nguyên nhân chính khiến giới đầu tư tìm đến vàng. Dù theo Chủ tịch ECB Christine Lagarde, ECB vẫn coi sự gia tăng lạm phát ở Khu vực đồng Euro (Eurozone) leo lên trên mục tiêu 2% chỉ là tạm thời và dù mất nhiều thời gian hơn dự kiến ​​ban đầu, nhưng ​​áp lực sẽ giảm bớt trong năm tới. Các động lực chính của lạm phát là giá năng lượng, chuỗi cung ứng gặp khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi. Lạm phát ở Eurozone đã đạt 3,4% vào tháng trước và được dự đoán sẽ tăng lên 3,7% vào tháng 10.

Giới chuyên gia cũng nhận định, thị trường thế giới đang có nhiều yếu tố tác động trực tiếp đến giá kim loại quý. Sự trở lại của dịch Covid-19 với chủng virus mới nguy hiểm ở một số khu vực, cuộc khủng hoảng năng lượng và cả những rắc rối trong nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại.

Trong khi đó, theo thông tin từ Hội đồng Vàng thế giới (WGC), nhiều nước và các quỹ đầu tư đang ồ ạt mua vàng thời gian qua. Các quỹ, trong đó có quỹ tín thác vàng hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust đã mua ròng vàng trở lại ngay sau khi giá vàng giảm. SPDR Gold Trust đã mua vào 1,74 tấn trong ngày 26/10, đưa lượng vàng nắm giữ lên 979,81 tấn. Các ngân hàng trung ương cũng đã mua 69 tấn vàng dự trữ so với 10 tấn trong cùng kỳ năm 2020.

Thị trường hiện có xu hướng chờ đợi cuộc họp quan trọng của Fed diễn ra vào tuần tới, để có thêm thông tin về việc liệu nền kinh tế số 1 thế giới có xem xét thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn không. Các quan chức Fed cũng đang đối mặt với thách thức về lạm phát cao và chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, tỷ lệ tuyển dụng thấp và nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh.

Thu Uyên

Tin cũ hơn
Xem thêm