Cảng Phước An (PAP): Kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu giảm sâu, cổ đông lớn muốn "tháo chạy"

Cập nhật: 15:43 | 25/05/2022 Theo dõi KTCK trên

Cổ đông lớn muốn giảm tỷ lệ nắm giữ trong bối cảnh giá cổ phiếu PAP đã giảm 43% từ mức đỉnh 19.500 đồng/cp (phiên 26/01/2022).

3732-cang25
Cảng Phước An (PAP): Quý I "lại lỗ", cổ đông lớn muốn thoái bới 25,8 triệu cổ phiếu

Công ty TNHH MTV Hoành Sơn dự kiến bán ra hơn 25,8 triệu cổ phiếu của CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (UPCoM: PAP) trong thời gian 26/05 - 24/06/2022.

Hiện, Hoành Sơn đang sở hữu 66 triệu cổ phiếu PAP, chiếm 44% vốn tại đây. Nếu bán thành công, tổ chức này sẽ giảm sở hữu tại PAP xuống còn 26,8%, tương đương gần 40,2 triệu cổ phiếu.

Về mối liên hệ, ông Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Công ty Hoành Sơn hiện đang là Ủy viên HĐQT của PAP. Đồng thời, ông Nguyễn Duy Hòa - Kế toán trưởng Hoành Sơn và cũng là Thành viên BKS của PAP.

Cổ đông lớn muốn giảm tỷ lệ nắm giữ trong bối cảnh giá cổ phiếu PAP đã giảm 43% từ mức đỉnh 19.500 đồng/cp (phiên 26/01/2022).

Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/5, cổ phiếu PAP đứng giá tại mức 11.100đ/cp. Thanh khoản nhiều phiên gần như bằng 0.

3943-pap
Diễn biến giá cổ phiếu PAP thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Kết thúc quý I/2022, PAP lỗ ròng gần 422 triệu đồng, do không có doanh thu nhưng phải chi trả các chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tư vấn và quản lý dự án, chi phí tài chính phát sinh từ hoạt động huy động vốn để đầu tư vào dự án và chi phí khác.

Theo giải trình, PAP là doanh nghiệp dự án, hiện trong quá trình đầu tư, chưa đi vào hoạt động, do đó chưa có doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hơn nữa, trong quý I/2021 và quý I/2022, công ty có phát sinh thu lãi tiền gửi tại các ngân hàng thương mại, đồng thời cũng phát sinh khoản tiền đi vay để chi trả cho công tác giải phóng mặt bằng và hợp đồng thực hiện dự án.

Tuy nhiên, theo Thông tư 78/2014 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành luật thuế thu nhập doanh nghiệp, về khoản lãi tiền gửi phát sinh trong quý I/2021 và quý I/2022, Công ty không hạch toán vào doanh thu tài chính, dẫn đến tổng các khoản doanh thu trên báo cáo kết quả kinh doanh bằng 0.

Lên kế hoạch tăng vốn dù kinh doanh không lãi

Trước đó, năm 2021, công ty không ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế ghi nhận âm 2 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 13,94 tỷ đồng.

Với việc ghi nhận lỗ trong năm 2021 đã nâng tổng lỗ lũy kế của công ty lên 2,85 tỷ đồng.

Tính tới 31/12/2021, tổng tài sản của công ty tăng 24,8% so với đầu năm lên 1.593,2 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu 1.523,2 tỷ đồng tài sản dở dang dài hạn, chiếm 95,6% tổng tài sản.

Đến đầu năm nay, PAP vẫn lên kế hoạch tăng vốn trong năm 2022. Theo đó, công ty đã lên kế hoạch tiếp tục tăng vốn và đẩy mạnh bồi thường dự án.

Cụ thể, công ty dự kiến tăng vốn điều lệ từ 1.500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng để đảm bảo vốn đối ứng cho việc triển khai dự án. Ngoài ra, trong thời gian tới, công ty dự kiến hoàn thành bồi thường, ký hợp đồng thuê đất và nhận bàn giao toàn bộ phần diện tích còn lại là 492 ha trong khu dịch vụ hậu cần. Hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư KCN Phước An diện tích 330 ha và thực hiện các thủ tục liên quan để đầu tư xây dựng KCN…

Được biết, Cảng Phước An là chủ đầu tư dự án cảng Phước An (Nhơn Trạch, Đồng Nai) và khu dịch vụ hậu cần cảng. Theo quy hoạch, khu cảng Phước An có năng lực phục vụ tàu có trọng tải đến 60.000 DWT, gồm 10 bến (6 bến container và 4 bến tổng hợp) với tổng chiều dài 3.050 m.

Công suất bến là 2,5 triệu TEU/năm hàng container và 6,5 triệu tấn/năm hàng tổng hợp. Còn khu dịch vụ hậu cần cảng có công suất bến là 2,2 triệu TEU/năm hàng container và 4 triệu tấn/năm hàng tổng hợp.

Theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp vào tháng 11/2017, tổng diện tích sử dụng của cảng Phước An và khu dịch vụ hậu cần cảng là 733,4 ha (183 ha khu cảng và 550,4 ha khu dịch vụ hậu cần cảng), với tổng vốn đầu tư 17.571,36 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu là 2.635,7 tỷ đồng, chiếm 15% tổng vốn đầu tư.

Hiện Công ty đang triển khai giai đoạn 1 của dự án với diện tích sử dụng 17,4 ha, nhưng đang giãn tiến độ đầu tư và hoàn thiện hồ sơ chất lượng.

Để vào cảng, chỉ có duy nhất một tuyến đường chính được xây dựng theo hình thức BOT do Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai phê duyệt tiến độ từ năm 2021 - 2023.

Theo chia sẻ của Công ty, một phần của tuyến đường từ đường 319 đến nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đầu tư bằng ngân sách, phần còn lại đang trong quá trình sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức BOT.

Chính vì vậy, tiến độ khai thác cảng Phước An phụ thuộc rất lớn vào việc xây dựng tuyến đường kết nối theo hình thức BOT

Thị trường chứng khoán ngày 25/5/2022: Tín hiệu kỹ thuật phiên chiều

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam dẫn nguồn Vietstock đưa ra những phân tích tín hiệu kỹ thuật phiên chiều ngày ...

Góc chuyên gia: Đừng bao giờ đoán đáy vì đáy chỉ hình thành khi nó đã đi qua

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh từ mức đỉnh lập hồi quý 1/2022, dù tâm lý vẫn chưa ...

Cảng Phước An (PAP) lên kế hoạch tăng vốn dù đang kinh doanh không lãi

PAP dự kiến tăng vốn điều lệ từ 1.500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng để đảm bảo vốn đối ứng cho việc triển khai ...

Nguyên Nam