Các biện pháp kiểm soát tỷ giá vẫn cần thực hiện để đồng VND không biến động quá mạnh so với USD

Cập nhật: 16:01 | 14/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định đối với việc Việt Nam vẫn ở trong danh sách giám sát, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ cần thực hiện những biện pháp kiểm soát đối với tỷ giá để đồng VND không bị mất giá hay biến động quá mạnh so với đồng USD.

Tỷ giá USD hôm nay 14/6/2022: Đồng USD chợ đen tăng cao

VCBS: Lãi suất huy động có thể chịu áp lực tăng 1-1,5 điểm % trong cả năm 2022

5835-usd-vnd-ty-gia
Ảnh minh họa

Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ”, trong đó có bao gồm những phân tích về Việt Nam.

Sau ba kỳ báo cáo liên tiếp Việt Nam vi phạm cả 3 tiêu chí, trong kỳ báo cáo lần này (giai đoạn 4 quý liên tiếp tới hết tháng 12/2021), Việt Nam chỉ còn vi phạm 1 tiêu chí (thặng dư thương mại với Mỹ ở mức 90 tỷ USD, cao hơn ngưỡng giới hạn 15 tỷ USD).

Do đó, Việt Nam chính thức không còn chịu các đánh giá nâng cao mà thay vào đó chuyển sang đánh giá chuyên sâu và quay trở lại danh sách giám sách cùng 11 nền kinh tế khác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Italy, Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Mexico và Đài Loan).

BVSC đánh giá đây là một thông tin tích cực đối với Việt Nam khi không còn chịu những đánh giá nâng cao từ phía Bộ Tài chính Mỹ.

Tuy nhiên, công ty chứng khoán cho rằng đối với việc Việt Nam vẫn ở trong danh sách giám sát, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ cần thực hiện những biện pháp kiểm soát đối với tỷ giá để đồng VND không bị mất giá hay biến động quá mạnh so với đồng USD.

5436-ty-gia-vnd-usd
Nguồn: BVSC

Trong tuần qua, tỷ giá trung tâm tiếp tục giảm 4 đồng, từ 23.069 VND/USD xuống còn 23.065 VND/USD. Trong khi đó, tỷ giá tại NHTM kết thúc tuần cũng giảm 19 đồng, từ mức 23.197 VND/USD xuống mức 23.178 VND/USD.

Tại cuộc họp chính sách tuần này, Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) sẽ có cuộc họp trong hai ngày và công bố quyết định về lãi suất vào rạng sáng thứ 5 giờ Việt Nam.

BVSC đưa ra dự báo về khả năng Fed tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % đã giảm xuống 73%, so với mức 98% trong 1 tuần trước, trong khi khả năng Fed tăng 0,75 điểm % đã tăng lên 27% từ mức 2%. Đây là quyết định quan trọng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và thị trường toàn cầu nếu bất ngờ xảy ra.

Nhiều khả năng Fed sẽ nâng lãi suất ở mức 0,5 điểm % và tăng số lần nâng thêm nhiều hơn 2 lần như kết luận của cuộc họp hồi tháng 5. Quyết định này sẽ tiếp tục khiến đồng USD lên giá và làm mất giá các đồng tiền khác.

Thời gian gần đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhiều lần nhấn mạnh rằng ông sẽ làm mọi thứ để hạ nhiệt giá cả hàng hoá. Mặc dù từng hàm ý về mức tăng 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 6 và 7, ông Powell vẫn chừa đường lui cho Fed khi lưu ý rằng định hướng lãi suất vẫn phụ thuộc vào sức khoẻ của nền kinh tế.

Cuối tuần trước, dữ liệu mới của Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, xác lập mức đỉnh mới trong hơn 40 năm. Số liệu chính thức vượt hầu hết các dự báo, một dấu hiệu chứng tỏ lạm phát đang ăn sâu cắm rễ vào nền kinh tế Mỹ.

Cùng ngày, dữ liệu của Đại học Michigan cho thấy tâm lý người tiêu dùng tại Mỹ vào đầu tháng 6 đã tụt xuống mức thấp kỷ lục. Những người tham gia khảo sát dự đoán lạm phát sẽ đạt khoảng 3,3% trong 5 đến 10 năm tới - mức cao nhất từ năm 2008 và tăng so với khoảng 3% vào tháng 5.

Thông tin của Đại học Michigan đặc biệt khiến Fed lo ngại, vì lâu nay ngân hàng trung ương Mỹ vẫn cho rằng kỳ vọng lạm phát dài hạn hiện duy trì ở mức ổn định, Bloomberg lưu ý.

Thu Thủy