“Cá tra được mùa”, lợi nhuận Vĩnh Hoàn (VHC) vượt “đại dương” trong quý 2

Cập nhật: 14:21 | 21/07/2022 Theo dõi KTCK trên

CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE - Mã: VHC) kinh doanh khởi sắc trong bối cảnh giá cá tra nhảy vọt và xuất khẩu cá tra bùng nổ trong 6 tháng đầu năm.

Cụ thể, quý 2/2022, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu thuần gần 4.226 tỷ đồng và lãi gộp 1.097 tỷ đồng, tăng tương ứng 80% và 154% so với cùng kỳ. Nếu cùng kỳ 100 đồng doanh thu mang về hơn 18,5 đồng lãi gộp thì đến quý 2/2022, con số này đã tăng lên 26 đồng.

Bên cạnh đó, doanh thu tài chính cũng tăng 130% so cùng kỳ, lên 107 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần chi phí tài chính tăng mạnh 307% lên mức 110 tỷ đồng. Kết quả, Vĩnh Hoàn báo lãi ròng 1.332 tỷ đồng trong quý 2/2022, tăng 241% so cùng kỳ.

“Cá tra được mùa”, lợi nhuận Vĩnh Hoàn (VHC) vượt “đại dương” trong quý 2
“Cá tra được mùa”, lợi nhuận Vĩnh Hoàn (VHC) vượt “đại dương” trong quý 2. Hình minh họa

Trong 6 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu thuần 7.494 tỷ đồng và lãi ròng 1.332 tỷ đồng, tăng tương ứng 81% và 241% so cùng kỳ. Với kết quả này, “nữ hoàng cá tra” đã đạt hơn 83% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

Thành tích tích cực này được đặt trong bối cảnh giá cá tra và sản lượng xuất khẩu tăng vọt trong 6 tháng qua. Trong đó, đà tăng giá cá tra xuất phát từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung do dịch bệnh diễn ra hồi cuối năm 2021 và việc nuôi cá tra cần có thời gian để cá đạt kích cỡ yêu cầu.

Về xuất khẩu, Việt Nam xuất khẩu cá tra hơn 1,4 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, tăng 83% so cùng kỳ. Tăng mạnh nhất là thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Quốc - các thị trường xuất khẩu chính của Vĩnh Hoàn.

Tăng trưởng chậm lại

Hầu hết các công ty thủy sản cho biết, tồn kho tại các thị trường xuất khẩu (đặc biệt là Mỹ) đã đạt mức cao, do khối lượng nhập khẩu cao trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2022. Cùng với việc vào mùa xuất khẩu thủy sản thấp điểm, các công ty dự báo tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm tốc trong quý 3 năm 2022. Bất chấp áp lực lạm phát, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vẫn kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng nhanh trong tháng 9, ngay trước kỳ nghỉ lễ từ tháng 11 đến tháng 12.

Đà tăng trưởng của “nữ hoàng cá tra” có thể gặp trở ngại. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cá tra có thể chậm lại ở một số thị trường từ quý 3/2022.

Đáng chú ý, trong 2 tháng gần đây, xuất khẩu sang Mỹ đã chậm lại khi lạm phát của Mỹ đang ở mức cao nhất 4 thập kỷ qua và các nhu yếu phẩm ngày càng đắt đỏ. Điều này cũng được thể hiện qua doanh số gần nhất của Vĩnh Hoàn.

Trong tháng 6/2022, Vĩnh Hoàn ghi nhận kết quả kinh doanh với tổng doanh thu 1.063 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Về thị trường xuất khẩu, Mỹ là thị trường chủ lực của Vĩnh Hoàn khi đóng góp 330 tỷ đồng trong tháng 6, chiếm gần 1/3 tổng doanh thu và tăng trưởng 11% so với tháng 6/2021. Các thị trường khác như Trung Quốc, châu Âu hay thị trường nội địa đều cho thấy cải thiện doanh thu so với cùng kỳ.

Dù vậy so với tháng 5 trước đó, tổng doanh thu lại giảm 30% từ 1.509 tỷ đồng cùng kỳ. Trong đó doanh thu cá tra lại sụt giảm 41% về 608 tỷ đồng, bên cạnh các mức giảm của sản phẩm phụ, bánh phồng tôm, sản phẩm giá trị gia tăng cũng như bún gạo.

Thị trường Mỹ tháng 6 cũng chứng kiến sự đi lùi trong doanh thu so với tháng 5, giảm 59%. Châu Âu và thị trường Việt Nam chỉ giảm nhẹ lần lượt 5% và 1%. Bù lại, Trung Quốc chứng kiến mức tăng 19% lên 159 tỷ đồng.

Cuối quý 2/2022, Vĩnh Hoàn còn nắm 2.900 tỷ đồng hàng tồn kho, tăng mạnh với mức 1.800 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, Vĩnh Hoàn đang dự phòng giảm giá 131 tỷ đồng.

Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu lãi 1.500 tỷ đồng

Trong quý I/2022, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu 3.268 tỷ đồng - tăng 83% so với cùng kỳ nhờ sản lượng và giá bán cùng tăng. Hầu hết các thị trường xuất khẩu đều hồi phục, đặc biệt là Mỹ và EU. Giá vốn tăng chậm hơn giúp biên lãi gộp cải thiện từ 15,3% lên 23,8% tương ứng lợi nhuận gộp 778 tỷ đồng - tăng 185% so với cùng kỳ.

Sau khi trừ chi phí, Vĩnh Hoàn lãi ròng 553 tỷ đồng - gấp hơn 4,2 lần cùng kỳ trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 548 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp cá tra đã thực hiện được 24,6% kế hoạch doanh thu năm và 34,5% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

Năm 2022, Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu doanh thu thuần 13.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.500 tỷ đồng, lần lượt tăng 44% và 36% so với thực hiện năm trước. Đây cũng là kế hoạch kinh doanh cao nhất kể từ khi niêm yết của doanh nghiệp này.

Tại ĐHCĐ thường niên 2022, bà Trương Tuyết Hoa, Thành viên HĐQT Vĩnh Hoàn cho biết, nhu cầu các tháng đầu năm rất tốt, đơn hàng nhận về nhiều, tình hình tiêu thụ sản phẩm ở các siêu thị cũng rất tốt. Ngoài ra, giá cá tra nguyên liệu cũng ghi nhận mức tăng mạnh trong các tháng đầu năm.

Tính đến giữa tháng 4/2022, giá cá tra thịt trắng tại Đồng Tháp đạt mức 31.000 - 32.500 đồng/kg - tăng gần 37% so với đầu năm. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá cá xuống thấp và chỉ mới phục hồi từ cuối năm 2021, người nông dân bị lỗ nặng phải treo ao khiến nguồn cung thiếu hụt. Việc giá cá tra nguyên liệu tăng cao sẽ giúp các doanh nghiệp cá tra được hưởng lợi khi vẫn còn lượng hàng tồn kho giá thấp.

Mặc dù lợi nhuận tăng đột biến nhưng dòng tiền lại âm kỷ lục. Cụ thể trong quý I/2022, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm 680,6 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 139,5 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 261 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 885,6 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.

Xét theo năm, lần gần nhất dòng tiền kinh doanh của VHC âm là năm 2008 với giá trị âm 181,1 tỷ đồng. Như vậy, đây là quý công ty ghi nhận dòng tiền âm kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Tính tới 31/3/2022, tổng tài sản của Vĩnh Hoàn tăng 17,7% so với đầu năm lên 10.283 tỷ đồng trong đó tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn đạt 2.788,7 tỷ đồng - chiếm 27,1% tổng tài sản; tồn kho đạt 2.428,6 tỷ đồng - chiếm 23,6% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 2.061,2 tỷ đồng - chiếm 20% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 1.403 tỷ đồng - chiếm 13,6% tổng tài sản.

Trong kỳ, các khoản phải thu tăng 30,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 656,6 tỷ đồng lên 2.788,7 tỷ đồng; tồn kho tăng 35,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 635,5 tỷ đồng lên 2.428,6 tỷ đồng. Như vậy, dòng tiền kinh doanh chính âm kỷ lục trong kỳ chủ yếu do công ty gia tăng tồn kho và tăng khoản phải thu, chủ yếu tăng bán chịu cho khách hàng.

Điểm đáng lưu ý, tính tới cuối quý I/2022, Công ty đang ghi nhận giá trị đầu tư chứng khoán hợp lý là 144,6 tỷ đồng và trích lập dự phòng giảm giá là 5,7 tỷ đồng trong đó doanh nghiệp đang đầu tư 48,97 tỷ đồng vào cổ phiếu DXS; 41,86 tỷ đồng vào cổ phiếu NLG - đã trích lập 2,4 tỷ đồng; các cổ phiếu khác là 53,8 tỷ đồng - trích lập 3,3 tỷ đồng. Ngoài ra, tính tới cuối quý, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Vĩnh Hoàn tăng 46,8% so với đầu năm - tăng thêm 885,6 tỷ đồng lên 2.777 tỷ đồng và chiếm 27% tổng nguồn vốn.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Phát triển KCN Tín Nghĩa (TIP): Chứng khoán Bảo Việt chi hơn trăm tỷ để "ngồi ghế" cổ đông lớn

Phiên sáng 21/7, cổ phiếu TIP được giao dịch quanh mức 25.950 đồng/cp, như vậy so với giá chào bán mã này đã tăng 3%, ...

Giá cao su giảm, lợi nhuận Cao su Hòa Bình vẫn tăng mạnh gấp 7,3 lần trong quý II/2022

Theo Báo cáo tài chính quý II/2022 vừa được CTCP Cao su Hòa Bình (Mã chứng khoán: HRC) công bố, dù giá cao su tự ...

Khuyến nghị mua cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 115.000 đồng/cp

Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) đánh giá FPT sẽ vẫn là cơ hội đầu tư hấp dẫn trong trung và dài hạn, phù hợp với ...

Quỳnh Nga

Tin cũ hơn
Xem thêm