Bội thu từ chuyển nhượng BĐS: Đạt 41.000 tỷ đồng, tăng 97% so với năm 2021

Cập nhật: 08:11 | 04/01/2023 Theo dõi KTCK trên

Đó là thông tin được Bộ Tài chính báo cáo tại hội nghị tổng kết năm 2022 của Chính phủ.

Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 1.803,6 nghìn tỷ đồng, vượt 27,8% (391,916 nghìn tỷ đồng) so với dự toán, tăng 15% so với thực hiện năm 2021.

Trong đó thu ngân sách trung ương vượt 25,8% (190,9 nghìn tỷ), tăng 18% so với thực hiện 2021; thu ngân sách địa phương vượt 29,9% (200,9 nghìn tỷ), tăng 12% so với thực hiện năm 2021.

Cả nước có 62/63 địa phương đã hoàn thành dự toán thu Thủ tướng Chính phủ giao (một số tỉnh có số thu đạt cao so với dự toán là: Hưng Yên 427,8%; Quảng Ngãi 194,8%; Thừa Thiên Huế 186,8%; Thanh Hóa 177,6%; Bắc Giang 174,2%; Yên Bái 172,6%; Quảng Bình 167,7%; Phú Thọ 162,2%; Thái Bình 155%.

Kết quả này một mặt phản ánh tác động tích cực của phục hồi kinh tế, nhưng quan trọng phải kể đến những nỗ lực của cơ quan thu, tăng cường công tác quản lý thu, nhất là đối với các lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử (đã triển khai Cổng thông tin điện tử xuyên biên giới dành cho nhà cung cấp nước ngoài từ ngày 21/3/2022, đến nay đã có 42 nhà cung cấp nước ngoài kê khai nộp thuế, trong đó gồm Google, Facebook, Tiktok, Netflix,... với tổng số thuế đã nộp là 3,44 nghìn tỷ đồng) và tăng cường thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản (ước năm 2022 đạt hơn 41 nghìn tỷ đồng, tăng 97% so năm 2021).

Về chi ngân sách, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát trong phạm vi Quốc hội quyết định, khoảng 4% GDP (bao gồm bội chi Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội), góp phần giảm nợ công xuống còn 38% GDP, đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia; nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia: Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2 với triển vọng "ổn định", S&P nâng xếp hạng lên BB+ với triển vọng "ổn định", Fitch xếp hạng BB với triển vọng "tích cực"...

Đáng chú ý, về công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, toàn ngành Tài chính đã thực hiện trên 87,5 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu và gian lận thương mại, tập trung vào các lĩnh vực quản lý thu, chi ngân sách; sử dụng vốn đầu tư; điều hành quản lý giá ổn định vĩ mô, chứng khoán.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đã bắt giữ, xử lý trên 16 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan (trong đó có một số vụ việc điển hình về ma túy, buôn lậu xăng dầu, chuyển tiền trái phép ra nước ngoài,...), qua đó kiến nghị xử lý tài chính gần 73 nghìn tỷ đồng (trong đó thu nộp ngân sách nhà nước 21,8 nghìn tỷ); tập trung thu hồi, xử lý nợ đọng thuế (đã thu được trên 39 nghìn tỷ đồng nợ thuế).

Bộ Xây dựng: Giao dịch bất động sản sụp đổ vào quý IV

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tổng lượng giao dịch bất động sản năm 2022 tương đương năm 2021 nhưng chủ yếu diễn ra trong 2 quý đầu năm. Từ quý III, giao dịch bắt đầu giảm mạnh và hầu như rất hạn chế trong quý IV.

Bộ Xây dựng cho biết năm 2022, ngành vật liệu xây dựng và thị trường bất động sản phải đối mặt với những diễn biến bất thường.

Về ngành vật liệu xây dựng, trong nửa đầu năm 2022, giá của một số vật liệu chủ yếu có biến động rất lớn, bất thường và liên tục. Cụ thể, giá thép xây dựng bắt đầu tăng từ tháng 10/2020, tăng nhanh từ tháng 12/2020 và đạt đỉnh vào quý I/2022. Giá xi măng từ đầu năm đến tháng 5/2022 cũng đã có 4 lần tăng giá cao.

Hiện tại, giá vật liệu xây dựng đã giảm và thiết lập mặt bằng mới nhưng vẫn cao hơn mặt bằng giá quý IV/2020 20% - 30%. Trong đó, giá thép giảm mạnh nhất, hiện tương đương quý II/2021 nhưng vẫn cao hơn 20% so với IV/2020. Giá xi măng bắt đầu giảm từ tháng 5/2022 và ổn định từ thời điểm tháng 7/2022 nhưng vẫn cao hơn 13,17% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá vật liệu xây dựng tăng cao đã tác động trực tiếp đến việc triển khai các hợp đồng xây dựng, đặc biệt là các hợp đồng đơn giá cố định, có giai đoạn gây đình trệ, gián đoạn các công trình xây dựng lớn, đặc biệt là các công trình có vốn đầu tư công.

Đối với thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đánh giá năm 2022 có sự tăng trưởng vào các tháng đầu năm nhưng có xu hướng giảm dần và trầm lắng vào nửa cuối năm do gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng thiếu nguồn cung, thiếu cân đối trong cơ cấu sản phẩm, trong đó thiếu trầm trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Thị trường cũng gặp khó khăn trong huy động và tiếp cận các nguồn vốn, trong khi trái phiếu doanh nghiệp bất động sản bắt đầu bộc lộ các tồn tại, rủi ro.

Sự trầm lắng của thị trường bất động sản thể hiện khá rõ qua một số chỉ tiêu, như: số lượng dự án bất động sản hoàn thành và cấp mới năm 2022 hạn chế ở đa số các tỉnh thành trong cả nước, ước đến hết năm chỉ bằng 40 - 45% năm 2021;

Tổng lượng giao dịch bất động sản năm 2022 tương đương năm 2021 nhưng chủ yếu diễn ra trong quý I và II; từ quý III, giao dịch bắt đầu giảm mạnh và hầu như rất hạn chế trong quý IV.

Tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm tỷ lệ cao trong tổng dư nợ tín dụng cả nước và tiềm ẩn rủi ro. Trái phiếu doanh nghiệp BĐS giảm dần theo các quý và hầu như không còn phát hành mới trong giai đoạn cuối năm.

Ngoài các vấn đề trên, Bộ Xây dựng cũng nêu thêm một số hạn chế khác của thị trường bất động sản.

Một là hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản... vẫn còn bất cập cần sửa đổi để thống nhất.

Hai là cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa phù hợp, phổ biến là bất động sản ở các phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch có biểu hiện dư thừa (có nhiều phân khúc đã vượt dự báo đến năm 2025). Trong khi đó, thị trường thiếu trầm trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình (nhà ở xã hội mới đạt 7,8 triệu m2 /12,5 triệu m2 theo yêu cầu).

Ba là các sàn giao dịch bất động sản hoạt động thiếu ổn định; hoạt động môi giới bất động sản chưa được kiểm soát tốt.

Bốn là công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và thị trường bất động sản tại các địa phương có tồn tại, bất cập. Chẳng hạn như, một số địa phương có hiện tượng tách thửa, phân lô bán nền không đúng quy định, không phù hợp quy hoạch, thiếu hạ tầng nhưng chưa được kiểm tra, xử lý triệt để; công tác thông tin, công khai minh bạch về quy hoạch và các dự án hạ tầng, nâng loại đô thị, đơn vị hành chính còn chưa đầy đủ, kịp thời.

Năm là việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.

Sáu là doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong tip cận vốn tín dụng và huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp có năng lực, tin cậy, có tín nhiệm, có dự án. Thị trường lại chưa có các nguồn vốn dài hạn, ổn định cho doanh nghiệp bất động sản (chưa có ngân hàng tiết kiệm nhà ở, các quỹ; chưa hình thành thị trường tài chính thứ cấp cho bất động sản).

Bảy là chính sách thuế đối với sử dụng bất động sản và hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản còn chưa phân biệt giữa sử dụng và đầu tư, kinh doanh, mua đi, bán lại dẫn đến hiện tượng đầu cơ, găm giữ bất động sản, trốn thuế trong giao dịch bất động sản, làm thất thu ngân sách.

Theo Bộ Xây dựng, có nhiều vướng mắc chính gây đình trệ thị trường bất động sản, trong đó, có các “vướng mắc về mặt pháp lý”: là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở hiện nay. Có vướng mắc liên quan khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng do Nhà nước kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động cho vay trong lĩnh vực bất động sản và hạn mức tín dụng của các ngân hàng, tổ chức tín dụng dành cho lĩnh vực bất động sản cạn dần. Nhưng cũng có vướng mắc do do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý trong một số đơn vị, cán bộ công chức dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, tránh né trách nhiệm không dám đề xuất, không dám quyết định.

Yến Thanh

Tin cũ hơn
Xem thêm