Bộ Giao thông Vận tải trả lời cử tri TP. Hà Nội liên quan tuyến đường vành đai 4

Cập nhật: 16:27 | 22/07/2020 Theo dõi KTCK trên

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri TP. Hà Nội liên quan đến tuyến đường vành đai 4 đi qua Hà Nội từ nút giao Vành đai 4 với đường cao tốc Pháp Vân - cầu Giẽ đến Quốc lộ 32, kinh phí đầu tư khoảng 66.500 tỷ đồng.

Theo đó, cử tri đề nghị các bộ, ngành sớm khởi công tuyến đường vành đai 4 đi qua TP. Hà Nội từ nút giao vành đai 4 với đường cao tốc Pháp Vân - cầu Giẽ đến Quốc lộ 32.

Trả lời cử tri, Bộ GTVT cho biết tuyến đường vành đai 4 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1278/QĐ-TTg với quy mô cao tốc 6 làn xe, chiều dài khoảng 98km, tiến độ xây dựng trước năm 2020, kinh phí đầu tư khoảng 66.500 tỷ đồng.

2050 vanh yai
Ảnh minh họa

Đối với các đoạn tuyến trên địa phận TP. Hà Nội do UBND TP. Hà Nội lập dự án đầu tư và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện đầu tư.

Hiện, UBND TP. Hà Nội đang giao nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất đầu tư đường Vành đai 4 đoạn nối từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Pháp Vân - cầu Giẽ theo hình thức PPP (đoạn tuyến từ Quốc lộ 32 đến cao tốc Pháp Vân - cầu Giẽ thuộc đoạn tuyến này).

Bộ GTVT nhận định đường Vành đai 4 là tuyến đường kết nối quan trọng kết nối các địa phương trong vùng Thủ đô, gắn phát triển hạ tầng giao thông với phát triển đô thị, giảm ùn tắc giao thông đô thị và có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế các tỉnh trong vùng Thủ đô.

"Bộ GTVT thống nhất với ý kiến của cử tri cần sớm đầu tư tuyến đường Vành đai 4 nói chung, đoạn tuyến nối cao tốc Pháp Vân - cầu Giẽ đến QL.32 và đề nghị UBND TP. Hà Nội thông báo đến cử tri được biết về tiến độ thực hiện đầu tư công trình", văn bản trả lời cử tri của Bộ GTVT nêu rõ.

Được biết, sau gần 10 năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, tuyến vành đai 4 – vùng Thủ đô vẫn đang nằm trên giấy. Theo Bộ GTVT, nguyên nhân đầu tư tuyến vành đai 4 chậm là khả năng huy động nguồn lực của các địa phương khó khăn, trong khi tổng mức đầu tư các dự án lớn, nguồn lực từ khai thác quỹ đất ngày càng khó khăn, điều kiện thủ tục đầu tư các dự án theo hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng phức tạp, không khả thi đối với các địa phương ngoài thủ đô Hà Nội.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa chủ động, chưa quan tâm trong việc huy động nguồn lực để đầu tư do đến thời điểm hiện nay vẫn chưa triển khai lập chủ trương đầu tư, đề xuất dự án đầu tư làm cơ sở xác định, huy động nguồn lực đầu tư; các địa phương chủ yếu tập trung hạ tầng thiết yếu cho giao thông nội tỉnh/thành phố, chưa chú trọng đến giao thông kết nối vùng và phối hợp đầu tư giao thông vùng để đảm bảo tính đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư chung của tuyến đường.

Hiện mới chỉ có TP. Hà Nội lập đề xuất đầu tư các dự án thành phần theo hình thức BT nhưng chưa phê duyệt đề xuất đầu tư (dài 53,52km); các đoạn tuyến còn lại qua tỉnh Hưng Yên (19km), tỉnh Bắc Ninh (21km) chưa lập đề xuất đầu tư dự án.

Cụ thể, hiện UBND TP. Hà Nội mới chỉ đang tiến hành xem xét hồ sơ đề xuất 3 Dự án đầu tư theo hình thức PPP của một số nhà đầu tư trong nước gồm: đoạn từ cao tốc Nội Bài – Lào Cai – Quốc lộ 32 – cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ dài 34 km, có tổng mức đầu tư 16.277 tỷ đồng của Tập đoàn T&T; đoạn Pháp Vân – Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng dài 13,9km, có tổng mức đầu tư 9.800 tỷ đồng của liên danh Phương Thành – Nguyên Minh; cầu Hồng Hà và đường dẫn dài 6 km, tổng mức đầu tư 9.876 tỷ đồng của Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn.

Thông xe dự án mở rộng đường Vành đai 3 nhân sự kiện 65 năm giải phóng Thủ đô

TBCKVN - Sau hơn 3 năm thi công mở rộng, dự án mở rộng đường Vành đai 3 dưới thấp đoạn Mai Dịch – cầu Thăng ...

Duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường rộng 40 m qua huyện Hoài Đức

TBCKVN - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng vừa ký ban hành Quyết định số 4122 về việc phê duyệt Chỉ ...

Hà Nội: Khởi công đường vành đai 4 và 5 trong giai đoạn 2021-2025

TBCKVN - Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, theo kế hoạch Hà Nội sẽ khởi công đường vành đai 4 và vành ...

Trâm Trâm (t/h)