Bình Sơn (BSR) báo lãi “ngất ngưởng” gần 10.000 tỷ đồng trong quý II/2022

Cập nhật: 10:49 | 26/07/2022 Theo dõi KTCK trên

Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM – Mã: BSR) công bố báo cáo tài chính riêng quý II với kết quả kinh doanh vượt trội, lập kỷ lục về lợi nhuận kể từ khi hoạt động đến nay.

Cụ thể, trong quý II/2022, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của BSR đạt 52.391 tỷ đồng, tăng 88,1% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng 54,5% lên 41.705 tỷ đồng giúp biên lãi gộp của đơn vị này cải thiện từ 6,7% lên 20,4%.

Doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 2,3% lên 292,1 tỷ đồng nhờ lãi tiền gửi ngân hàng tăng và lãi chênh lệch tỷ giá. Chi phí tài chính, chi phí bán hàng tăng lần lượt 63% và 23,2% so với quý II/2021 trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 96,1 tỷ đồng.

Bình Sơn (BSR) báo lãi “ngất ngưởng” gần 10.000 tỷ đồng trong quý II/2022
Bình Sơn (BSR) bão lãi “ngất ngưởng” gần 10.000 tỷ đồng trong quý II/2022. Hình minh họa

Kết quả, Bình Sơn ghi nhận lợi nhuận sau thuế 9.909 tỷ đồng, gấp 5,9 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lãi kỷ lục trong lịch sử hoạt động của đơn vị này. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 9.926 tỷ đồng, gấp 5,8 lần quý II/2021, EPS cải thiện từ 544 đồng lên 3.302 đồng.

Ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết: Doanh nghiệp có 2 nhiệm vụ gồm đảm bảo an toàn vận hành nhà máy và đảm bảo an ninh năng lượng nên phải duy trì công suất hoạt động. Công ty phải đặt hàng dầu thô nguyên liệu ít nhất trước 2 tháng cho kế hoạch sản xuất. Do vậy, khi giá dầu tăng, giá dầu thành phẩm sẽ tăng hỗ trợ doanh thu và lợi nhuận. Khi giá giảm, doanh nghiệp gặp rủi ro giảm giá hàng tồn kho và phải dự phòng làm giảm lợi nhuận. Do vậy, doanh nghiệp phải kiểm soát hàng tồn kho rất “khéo”, đưa ra nhiều kế hoạch mua hàng khác nhau để đảm bảo tối ưu.

Ông Dương cho biết thêm, diễn biến thị trường tương đối thuận lợi trong 6 tháng đầu năm, giá dầu tăng cao so với dự báo, chênh lệch giá giữa sản phẩm và dầu thô được các tổ chức ấn định cao. Điều này giúp lợi nhuận đạt đỉnh.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, BSR đạt 87.158 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế đạt 13.018 tỷ đồng, cao hơn 3,56 lần so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 12.312 tỷ đồng, gấp 3,43 lần so với cùng kỳ. Sản xuất và kinh doanh khởi sắc, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty lên tới 11.919 tỷ đồng. Tính đến cuối kỳ, tiền và tương đương tiền của BSR đạt 18.427 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính của BSR cho thấy, công ty đã duy trì sản xuất hiệu quả, tiếp tục tiết kiệm chi phí hoạt động để đảm bảo đạt được lợi nhuận tối đa. Dù dự báo giá dầu có chiều hướng giảm, song vẫn neo ở mức cao, đồng nghĩa với điều kiện kinh doanh của BSR trong quý III sẽ rất tốt và đây vẫn là những thuận lợi để BSR hoạt động hiệu quả trong nửa cuối năm.

Xung đột Nga - Ukraine sẽ là yếu tố được theo dõi chặt chẽ bởi có ảnh hưởng lớn đến giá dầu và cung cầu trên thị trường thế giới. BSR đã xây dựng các kịch bản chi tiết nhằm kiểm soát rủi ro liên quan đến giảm giá dầu cũng như những yếu tố không xác định được có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên sáng 26/7, cổ phiếu BSR tăng 2,92% lên mức 24.700 đồng/cp, khối lượng giao dịch đạt hơn 6,8 triệu đơn vị.

Diễn biến giá cổ phiếu THG thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)
Diễn biến giá cổ phiếu BSR thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

BSR bổ nhiệm 2 tân Phó Tổng Giám đốc

Ngày 9/7/2022, tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) đã tổ chức Lễ công bố quyết định bổ nhiệm 2 Phó Tổng Giám đốc Công ty là ông Phạm Minh Nghĩa và ông Mai Tuấn Đạt.

Tham dự và chỉ đạo buổi lễ, về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) có ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn; cùng lãnh đạo các Ban/Văn phòng Tập đoàn. Về phía BSR, có ông Nguyễn Văn Hội - Chủ tịch HĐQT; ông Bùi Ngọc Dương - Tổng Giám đốc; cùng các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Tổng Giám đốc, Ban Giám đốc Nhà máy, lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất, lãnh đạo các Ban chuyên môn, các tổ chức chính trị - xã hội Công ty.

Ông Nguyễn Văn Hội - Chủ tịch HĐQT BSR đã trao quyết định cho 2 tân Phó Tổng Giám đốc BSR - ông Phạm Minh Nghĩa và ông Mai Tuấn Đạt. Ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn tặng hoa chúc mừng hai tân Phó Tổng Giám đốc BSR vừa được bổ nhiệm.

Tại lễ bổ nhiệm, ông Nguyễn Tấn Dũng - Phó Trưởng ban Quản trị và Phát triển nguồn nhân lực BSR đã công bố các quyết định bổ nhiệm cho 2 tân Phó Tổng Giám đốc. Quyết định số 2286/QĐ-BSR ngày 07/7/2022 của HĐQT BSR về việc bổ nhiệm ông Phạm Minh Nghĩa - Trưởng ban Quản trị và Phát triển nguồn nhân lực giữ chức Phó Tổng Giám đốc BSR. HĐQT BSR cũng có quyết định giao nhiệm vụ cho Phó Tổng Giám đốc Phạm Minh Nghĩa kiêm nhiệm Trưởng ban Quản trị và Phát triển nguồn nhân lực.

Quyết định số 2289/QĐ-BSR ngày 07/7/2022 của HĐQT BSR về việc bổ nhiệm ông Mai Tuấn Đạt - Giám đốc nhà máy lọc dầu Dung Quất giữ chức Phó Tổng Giám đốc BSR. HĐQT BSR cũng có quyết định giao nhiệm vụ cho Phó Tổng Giám đốc Mai Tuấn Đạt kiêm nhiệm Giám đốc nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Chúc mừng 2 tân Phó Tổng Giám đốc BSR, ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn chia sẻ, hai cán bộ được bổ nhiệm là những cán bộ gắn bó với BSR từ lâu, điều này chứng tỏ sức mạnh nội tại của BSR. “Mong rằng trên cương vị mới, bằng năng lực, kinh nghiệm của mình, 2 tân Phó Tổng Giám đốc cùng với các đồng chí trong Ban lãnh đạo Công ty sẽ định hướng, đưa ra các quyết định giúp BSR phát triển bền vững trong sản xuất, kinh doanh, phát triển văn hoá doanh nghiệp,… cùng Công ty hoàn thành những sứ mệnh được đất nước giao phó”, ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Thay mặt những cán bộ được bổ nhiệm phát biểu nhận nhiệm vụ, tân Phó Tổng Giám đốc BSR Mai Tuấn Đạt khẳng định, cam kết tiếp tục nghiên cứu, rèn luyện, không ngừng trau dồi bản thân, đồng thời tiếp nhận và thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo của lãnh đạo Tập đoàn, Ban lãnh đạo Công ty, góp sức định hướng, phát triển BSR ngày càng lớn mạnh; cùng người lao động Công ty phát huy sáng kiến, sáng tạo, tối ưu hoá Nhà máy góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Nguồn cung dầu thô thiếu hụt rất lớn và còn kéo dài

“2022 là năm khá đặc biệt bởi chênh lệch giá giữa sản phẩm lọc và dầu thô (crack margin) đang ở mức khá cao, cao bất thường so với các năm” - ông Bùi Ngọc Dương, Tổng Giám đốc CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR), chia sẻ tại Talkshow “Cơ hội phục hồi và ẩn số vàng đen” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 30/06.

Ông Dương dự báo, nguồn cung dầu thô vẫn còn thiếu hụt rất lớn và kéo dài đến hết năm nay, do kinh tế Trung Quốc đang bị tác động bởi dịch bệnh cộng thêm xung đột địa chính trị Nga-Ukraine dẫn tới xăng dầu bị điều chỉnh luồng.

“Theo các dự báo từ giờ đến cuối năm thì crack margin vẫn sẽ rất tốt đối với chúng tôi. Thời gian tới, phải cần một thời gian để tạo được một sự cân bằng mới. Việc đầu tư một nhà máy lọc hoá dầu không thể diễn ra nhanh được. Kể cả khôi phục sản xuất của nhà máy lọc dầu đã dừng hoạt động cũng không đơn giản. Ngoài ra, các nhà máy lọc dầu thường được thiết kế cho một số loại dầu cụ thể nên khi nguồn dầu thay đổi thì việc chế biến sẽ rất ảnh hưởng”, ông cho biết.

Ông đánh giá đây là những yếu tố thuận lợi cho các nhà máy lọc dầu và ngành công nghiệp lọc dầu nói chung trên thế giới trong ngắn và trung hạn.

MASVN kỳ vọng cổ phiếu BSR sẽ đạt 31.200 đồng/cp

Công ty Cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nhà máy có công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, đáp ứng khoảng 35% tổng nhu cầu tiêu thụ trong nước (năm 2022 dự báo cả nước tiêu thụ 20,6 triệu m3 xăng dầu tương ứng 18,4 triệu tấn).

Nguồn nguyên liệu hiện nay của BSR chủ yếu đến từ các mỏ dầu trong nước như Bạch Hổ, Heavy Bạch Hổ, Tê Giác Trắng, Sư Tử Đen và Chim Sáo. Doanh nghiệp thời gian qua đã tăng tỷ lệ dầu nhập khẩu đưa vào chế biến nhằm bổ sung cho sản lượng dầu thô Bạch Hổ và dầu nội địa khác đang suy giảm sản lượng. Đồng thời, việc mua được dầu nhập khẩu với giá cả hợp lý, nguồn cung dồi dào sẽ mang lại lợi ích tối đa cho BSR.

Sản phẩm đầu ra của BSR hầu hết thuộc nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ cho vận tải như đầu Diesel, xăng Mogas 92, xăng Mogas 95, 3 loại sản phẩm trên đóng góp khoảng 82% tổng doanh thu của doanh nghiệp trong năm 2021 và quý I/2022.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) cho biết, có đầu vào và đầu ra ổn định, tuy nhiên hoạt động kinh doanh xăng dầu của BSR chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá xăng dầu của thế giới, nhóm hàng hóa đang dao động với biên độ lớn trong khoảng thời gian gần đây. Trong đó, dầu thô với vai trò là sản phẩm tồn kho chính của BSR, dưới biến động giá dầu thế giới đã ảnh hưởng đến việc đánh giá lại hàng tồn kho của BSR trong mỗi kỳ báo cáo.

Cụ thể tại quý I vừa qua, việc giá dầu Brent tăng từ vùng 90 USD/thùng lên chạm mốc cao nhất 140 USD/thùng (ngày 7/3) sau đó giảm về vùng 107 USD/thùng (ngày 31/3), BSR đã phải trích lập dự phòng rủi ro hàng tồn kho 1.900 tỷ đồng. Sang quý II, dầu Brent tiếp tục có biến động lớn trong vùng 97 USD - 124 USD/thùng.

Bên cạnh đó, chỉ số thể hiện mức chênh lệch giữa giá các sản phẩm xăng dầu và dầu thô (crack spread) cũng biến động lớn trong ngắn hạn, dẫn đến tâm lý lo ngại của nhà đầu tư về rủi ro chỉ số này tiếp tục sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của BSR.

Cũng trong những tháng gần đây, Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn (NSRP), nơi đảm bảo 30-35% nguồn cung xăng dầu trong nước đã phải cắt giảm khoảng 20% sản lượng lọc dầu do vấn đề về tài chính. Trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung, BSR đã phải hoạt động vượt công suất để bù đắp lượng thiếu hụt. Dự kiến trong quý III tới, BSR sẽ tiếp tục vận hành hết công suất để đảm bảo cung ứng khoảng 35% tổng nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Cho cả năm 2022, MASVN dự phóng doanh thu cả BSR ở mức 182.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt gần 13.500 tỷ đồng, lần lượt tăng 80% và 103% so với thực hiện năm trước, tương ứng EPS đạt 4.352 đồng/cổ phiếu.

MASVN định giá BSR dựa theo P/E và P/B trung bình của doanh nghiệp, theo đó mức P/E trung bình được tham chiếu trong giai đoạn 2018 – 2019 (khi doanh nghiệp chưa bị ảnh hưởng bởi Covid-19) là 9,4 lần. Phương pháp P/B được thêm vào trước biến động lớn của giá dầu trong giai đoạn vừa qua. Mức P/B bình quân từ năm 2018 đến nay của BSR đạt 1,33 lần.

Kết hợp 2 phương pháp với tỷ trọng 50% mỗi phương pháp, MASVN kỳ vọng giá mục tiêu của cổ phiếu BSR trong 12 tháng tới sẽ đạt mức 31.200 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Mức sinh lời 12 tháng của cổ phiếu HCM là bao nhiêu?

Yuanta vẫn duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu HCM, dựa trên quan điểm tích cực đối với ngành chứng khoán, do tiềm ...

Cơ điện Lạnh (REE) nói gì về việc bị xử phạt do không báo cáo giao dịch?

CTCP Cơ điện Lạnh (HOSE – Mã: REE) vừa có thông báo về việc làm rõ lý do vi phạm hành chính trong lĩnh vực ...

Vĩnh Hoàn (VHC) muốn rút ngắn thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu ESOP

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/7, cổ phiếu VHC giảm 800 đồng về mức 83.100 đồng/cổ phiếu. Khối lượng ...

Quỳnh Nga

Tin cũ hơn
Xem thêm