Bình Dương xét nghiệm sàng lọc diện rộng để thu hẹp ‘vùng đỏ’

Cập nhật: 09:19 | 27/07/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo thông tin được Sở Y tế tỉnh Bình Dương báo cáo với Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh chiều 26/7, qua sàng lọc diện rộng 945.904 người, kết quả có 1% người nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2.

Cụ thể, từ ngày 17/7 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương triển khai chiến dịch xét nghiệm diện rộng bằng test nhanh và test RT-PCR tại tất các địa phương trên địa bàn tỉnh. Theo TTXVN, sau 9 ngày xét nghiệm sàng lọc diện rộng đã lấy mẫu xét nghiệm cho 945.904 người, kết quả phát hiện 10.007 người nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2 (tỷ lệ 1%).

Riêng ngày 26/7, Bình Dương ghi nhận tổng cộng 733 ca mắc mới, giảm 331 ca so với ngày 25/7.

Đáng chú ý, trong số 733 ca mắc, có 210 ca qua sàng lọc cộng đồng; 78 ca phát hiện tại cơ sở y tế; 268 ca phát hiện trong khu cách ly, 177 ca trong khu phong tỏa và 10 ca từ các nguồn lây từ tỉnh, thành phố khác.

1754-binh-duong
Cán bộ y, bác sĩ chăm sóc điều trị một ca F0 tại TP. Thủ Dầu Một - Ảnh: Báo Bình Dương

“Vùng đỏ” gồm 4 thành phố, thị xã phía nam vẫn ghi nhận số ca mắc mới khá lớn. Riêng ngày hôm nay, TP. Dĩ An có 355 ca; TP. Thủ Dầu Một 61 ca; TP. Thuận An 45 ca ; thị xã Tân Uyên 91 ca. Tuy nhiên, 2 “vùng vàng” gồm thị xã Bến Cát cũng có số ca nhiễm với 133 ca; huyện Bàu Bàng 28 ca. Về “vùng xanh” như huyện Dầu Tiếng 8 ca; huyện Bắc Tân Uyên 1 ca; huyện Phú Giáo 1 ca.

Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 8.743 ca mắc COVID-19; có 688 bệnh nhân khỏi bệnh; 38 bệnh nhân tử vong.

Toàn tỉnh có 12 khu điều trị bệnh nhân COVID-19 với 4.093 bệnh nhân đang điều trị. Trong đó có 156 người có bệnh lý nền, 145 người có diễn biến nặng.

Về các ca mắc mới, ngành y tế tỉnh đang điều phối sang các khu điều trị và một số bệnh nhân F0 không triệu chứng vẫn còn cách ly tại các khu cách ly tạm thời. Đến nay, khu vực bệnh viện dã chiến đã tiếp nhận gần 700 trường hợp mắc COVID-19 đưa vào điều trị.

Giải pháp thu hẹp “vùng đỏ” là chiến lược đang được tỉnh Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh thông qua phương án rà soát lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng gồm các khu vực như nhà trọ công nhân, công ty.

Theo đó, ngành y tế đang thực hiện chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên kết hợp Realtime-PCR cho 1,8 triệu người dân trên địa tỉnh, trong đó ưu tiên triển khai test nhanh tại các nhà máy, xí nghiệp và tầm soát bằng phương pháp lấy mẫu gộp cho người dân sinh sống trong các khu vực có nguy cơ cao trong cộng đồng.

Phân tầng F0

Theo báo Bình Dương, hiện Bình Dương có khoảng 80% ca F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Để bảo đảm thực hiện tốt công tác chăm sóc, điều trị F0, Bình Dương thực hiện mô hình điều trị “tháp 3 tầng”.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện tầng 1 tiếp nhận các trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ với tổng số khoảng 6.000 giường và có thể mở rộng khi cần với các khu tiếp nhận, như: Ký túc xá Đại học Quốc gia (1.000 giường), Bệnh viện dã chiến Bình Dương số 1 (1.500 giường), Bệnh viện dã chiến Bình Dương số 2 (1.000 giường), Bệnh viện dã chiến Bình Dương số 3 ở trường Đại học Việt Đức (phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát) khoảng 3.000 giường và có thể mở rộng lên 8.000 giường.

Tầng 2 tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 theo mức độ nhẹ, vừa với khoảng 3.500 giường và tiếp tục mở rộng thêm. Cụ thể, các Trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố sẵn sàng cơ số giường bệnh: TP. Thuận An 500 giường, huyện Phú Giáo 400 giường, thị xã Tân Uyên 400 giường, TP. Dĩ An 200 giường, thị xã Bến Cát 400 giường, huyện Bàu Bàng 400 giường, huyện Dầu Tiếng 200 giường, Bệnh viện dã chiến Bình Dương số 1 (1.500 giường), khu nhà xưởng khởi nghiệp Đại học Quốc tế Miền Đông, 1.500 giường.

Tầng 3 tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 theo mức độ nặng và nguy kịch với khoảng 1.000 giường và tiếp tục mở rộng. Đó là Bệnh viện Đa khoa tỉnh ở cơ sở phường Phú Chánh, thị xã Tân Uyên với khoảng 1.000 giường, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex 100 giường và các bệnh viện ngoài công lập khác mỗi bệnh viện 20 giường.

“Hiện ngành y tế cũng dự kiến một số bệnh viện khác sẽ triển khai đơn vị hồi sức, cấp cứu bệnh nhân COVID-19 theo yêu cầu. Các đơn vị này tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch và các trường hợp nguy kịch cần xin hỗ trợ của tuyến trên hoặc lực lượng hỗ trợ đặc biệt của Bộ Y tế”, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương cho biết.

Thời gian qua, Bình Dương đã triển khai 4 đợt tiêm vaccine với 67.417 người tiêm, trong đó có 63.370 người tiêm mũi 1 và 4.115 người tiêm mũi 2. Đối tượng ưu tiên thuộc tuyến đầu phòng chống dịch và mở rộng các đối tượng còn lại, phấn đấu nhanh chóng đạt 70% dân số trong tỉnh được tiêm mũi 1 và tiếp theo sẽ tiêm mũi 2.

Nguồn chinhphu.vn

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm