BHXH Việt Nam và Kiểm toán Nhà nước ký kết quy chế phối hợp trao đổi thông tin

Cập nhật: 09:09 | 02/10/2020 Theo dõi KTCK trên

Ngày 1/10/2020, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam và Kiểm toán Nhà nước đã ký quy chế trao đổi thông tin giữa hai cơ quan, hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài chính công, thực hiện chính sách an sinh xã hội bền vững.

BHXH tỉnh Cà Mau: Nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội vì sự phát triển bền vững

BHXH Thanh Hóa: Giao lưu, tư vấn, đối thoại chính sách BHYT học sinh, sinh viên

5249-ly-ky-1
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh và Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc.

Tại Lễ ký kết, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc cho biết, trong thời gian qua, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán được coi là nhiệm vụ mang tính đột phá của Ngành. Luật Kiểm toán 2019 cũng đặt ra yêu cầu tăng cường và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và hoạt động kiểm toán của KTNN; tăng dần số lượng các cuộc kiểm toán tại trụ sở KTNN, giảm dần thời gian kiểm toán tại đơn vị; hoàn thiện hệ thống thông tin của Ngành hiện đại, đồng bộ, phù hợp với định hướng xây dựng Chính phủ điện tử.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cũng cho biết, là một trong những cơ quan nhà nước đi đầu trong việc ứng dụng CNTT vào hoạt động nghiệp vụ, BHXH Việt Nam đã xây dựng được nguồn "tài nguyên" quý là hệ CSDL của người tham gia BHXH, BHYT bao phủ hơn 90% dân số, hạ tầng CNTT đồng bộ với các phần mềm nghiệp vụ được sử dụng thống nhất trên toàn quốc, thuận lợi cho việc xây dựng kho dữ liệu tập trung cho tất cả các lĩnh vực hoạt động.

BHXH Việt Nam cũng đã thực hiện liên thông, chia sẻ dữ liệu với một số bộ, ngành như: Tư pháp, Thuế và hơn 14.000 cơ sở KCB BHYT... Đây là những tiền đề thuận lợi cho hoạt động kết nối, chia sẻ dữ liệu với KTNN, vừa thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong định hướng liên thông CSDL xây dựng Chính phủ điện tử; đồng thời nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành BHXH, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT...

Quy chế trao đổi thông tin giữa KTNN và BHXH Việt Nam gồm 3 Chương và 12 Điều, quy định cụ thể việc trao đổi thông tin giữa cơ quan KTNN và BHXH Việt Nam cũng như các đơn vị trực thuộc. Nội dung thông tin trao đổi giữa hai cơ quan được quản lý theo quy định của Luật BHXH, Luật BHYT, Luật KCB, Luật Việc làm, Luật KTNN, Luật An ninh mạng và quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, chỉ được sử dụng trong lĩnh vực quản lý BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và KTNN.

Nội dung thông tin chia sẻ bao gồm: Trao đổi thông tin về một số báo cáo có trong Thông tư số 102/2018/TT-BTC (ngày 14/11/2018) của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn kế toán BHXH; trao đổi thông tin về tình hình thanh toán bảo hiểm, hỗ trợ từ BHXH và xử lý chậm đóng BHXH theo Quyết định số 595/QĐ- BHXH (ngày 14/4/2017) của BHXH Việt Nam ban hành quy trình thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, TNLĐ-BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT. Trao đổi thông tin về các kết luận kiểm toán liên quan tình hình sai phạm và xử lý của KTNN đối với các sai phạm đã phát hiện tại các cơ quan BHXH được kiểm toán; các sai phạm KTNN đã phát hiện tại các đơn vị khác có liên quan đến thu chi, quyết toán quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Phương thức trao đổi thông tin được thực hiện qua hình thức: Hệ thống kết nối tự động và trao đổi trực tiếp. Theo đó, BHXH Việt Nam và KTNN phát triển hệ thống dữ liệu tập trung, phối hợp kết nối, trao đổi thông tin; chia sẻ văn bản, tài liệu chứa đựng các nội dung thông tin liên quan; bảng (file) dữ liệu được định dạng theo các biểu mẫu; thông qua các buổi làm việc, hội nghị, hội thảo giữa hai cơ quan.

Hàng năm, để phục vụ cho việc lập kế hoạch kiểm toán, cơ quan BHXH cung cấp thông tin về các nội dung: Báo cáo tài chính; thông tin tổng hợp tình hình thu chi của quỹ BHXH; thông tin về dự toán thu chi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và chi phí quản lý BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho KTNN theo các mẫu biểu quản lý theo quy định.

Trong quá trình thực hiện kiểm toán tại các cơ quan BHXH, phát sinh nhu cầu cần cung cấp thông tin chi tiết trong phạm vi cuộc kiểm toán, KTNN gửi công văn đề nghị BHXH cung cấp các thông tin bổ sung cho KTNN để kiểm tra, đối chiếu số liệu do các bên liên quan cung cấp. Sau khi có kết luận kiểm toán, KTNN thông báo cho cơ quan BHXH tình hình sai phạm và xử lý của KTNN đối với các sai phạm đã phát hiện tại các cơ quan BHXH được kiểm toán; các sai phạm KTNN đã phát hiện tại các đơn vị khác có liên quan đến thu chi, quyết toán quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Nếu phát hiện các đơn vị có dấu hiệu sai phạm cần làm rõ, cơ quan KTNN kiến nghị với cơ quan BHXH có biện pháp làm rõ và kế hoạch kiểm tra, thanh tra.

Đảm bảo yêu cầu bảo mật thông tin trao đổi, quy chế cũng nêu rõ: Hoạt động chia sẻ dữ liệu, trao đổi giữa hai bên sẽ sử dụng địa chỉ thư điện tử nội bộ. Các thông tin, tài liệu, KTNN đề nghị cơ quan BHXH Việt Nam cung cấp thông qua Cổng kết nối điện tử giữa hai cơ quan, thuộc danh mục “Mật” theo quy định của pháp luật về bảo về bí mật nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018; theo Khoản 5, Khoản 6, Điều 4 Nghị định số 26/2020/NĐ-CP; theo Điều 9 và Điều 18, Luật Cơ yếu 2011. Cơ quan KTNN và Kiểm toán viên KTNN thực hiện quy định về bảo mật thông tin quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 8 và Khoản 2, Điều 22 của Luật KTNN 2015.

Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Định kỳ 6 tháng, cơ quan KTNN và cơ quan BHXH tổ chức đánh giá kết quả phối hợp, kiến nghị xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh, thống nhất kế hoạch phối hợp kỳ tiếp theo. Hàng năm, theo hình thức luân phiên, cơ quan KTNN và cơ quan BHXH tổ chức đánh giá tình hình, kết quả thực hiện quy chế.

PV