Bản tin tài chính ngân hàng ngày 22/9: MB chuẩn bị chia cổ tức bằng cổ phiếu

Cập nhật: 08:00 | 22/09/2020 Theo dõi KTCK trên

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 22/9/2020 do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam cập nhật có những nội dung chính sau: MB chuẩn bị chia cổ tức bằng cổ phiếu; LienVietPostBank chào bán 3.000 tỷ đồng trái phiếu ra thị trường...

5313-trusomb
Bản tin tài chính ngân hàng ngày 22/9

MB chuẩn bị chia cổ tức bằng cổ phiếu

Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB- HOSE: MBB ) vừa thông báo đã nhận được công văn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc đã nhận đủ tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu để trả cổ tức của MB.

Trước đó, hồi cuối tháng 6, Đại hội cổ đông thường niên 2020 của MB đã thông qua mức chi trả cổ tức dự kiến cho năm 2020 là 15% bằng cổ phiếu.

Đại hội cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ mức 24.370 tỷ đồng lên 27.987 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 15% trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành của MB. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 3 hoặc quý 4/2020.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của MB hiện ở vùng cao nhất trong 6 tháng khi đóng cửa ngày 21/9 ở mức 19.050 đồng/cổ phiếu. So với đầu năm, giá cổ phiếu MBB tuy nhiên vẫn giảm khoảng 6%.

LienVietPostBank chào bán 3.000 tỷ đồng trái phiếu ra thị trường

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chấp thuận phương án phát hành trái phiếu ra công chúng năm 2020 của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - Mã: LPB).

Theo nội dung được phê duyệt, tổng mệnh giá LienVietPostBank được phát hành là 3.000 tỷ đồng. Lãi suất trái phiếu do LienVietPostBank quyết định phù hợp với qui định hiện hành về lãi suất của NHNN Việt Nam.

Đối tượng mua trái phiếu là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài. Đối tượng mua trái phiếu do LienVietPostBank phát hành lần đầu trên thị trường sơ cấp không bao gồm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty con của tổ chức tín dụng.

Công ty cho thuê tài chính Quốc tế Việt Nam thay đổi vốn điều lệ

Ngày 17/9/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có quyết định về việc sửa đổi nội dung giấy phép thành lập và hoạt động Công ty TNHH cho thuê tài chính Quốc tế Việt Nam 100% vốn nước ngoài.

Theo đó, NHNN chấp thuận sửa đổi vốn điều lệ của công ty thành 350 tỷ đồng. Trong đó, Công ty tài chính KDB góp 285,77 tỷ đồng, Công ty Mizuho Leasing Company góp 64,23 tỷ đồng.

Công ty tài chính KDB (Hàn Quốc), có trụ sở chính Seoul, Hàn Quốc; Công ty Mizuho Leasing Company, Limited, Tokyo, Nhật Bản.

Tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 9 mới đạt 4,71%

Theo số liệu từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước, tính đến 11/9/2020, tăng trưởng tín dụng đạt 4,71%. Như vậy tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ bằng hơn một nửa mức 8,64% của 9 tháng đầu năm 2019. Nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm do sức hấp thụ của nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Trong 9 tháng qua, các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục tăng trưởng tích cực như dư nợ cho vay xuất khẩu tăng 5%; cho vay nông nghiệp nông thôn tăng 4,5%; cho vay DNNVV tăng khoảng 3,5%... so với cuối năm 2019. Các ngân hàng đã, đang dành một lượng vốn ưu đãi lớn đầu tư giúp doanh nghiệp sớm hồi phục, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Theo dự đoán của các chuyên gia, tăng trưởng tín dụng cả năm nay sẽ vào khoảng 8 - 9%, cũng phù hợp với mức tăng trưởng của nền kinh tế.

Một số ngân hàng lớn trên thế giới bị tố giao dịch tiền bẩn

Một số ngân hàng lớn trên thế giới có thể đã tiếp tay cho nạn rửa tiền và tội phạm trong gần 20 năm. Đó là thông tin được trang tin BuzzFeed (Mỹ) đăng tải dựa trên nội dung các báo cáo về hoạt động đáng ngờ (SAR) được nhiều ngân hàng, công ty tài chính gửi đến Mạng lưới Chống tội phạm tài chính (FinCEN) thuộc Bộ Tài chính Mỹ.

Cụ thể, các ngân hàng trên đã xử lý các giao dịch có tổng giá trị hơn 2.000 tỷ USD trong giai đoạn 1999-2017 bất chấp nghi ngờ về nguồn gốc số tiền này. BuzzFeed đã chia sẻ hơn 2.100 SAR có được với Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) và các cơ quan truyền thông khác. Theo ICIJ, 5 ngân hàng lớn xuất hiện nhiều nhất trong các tài liệu nói trên là HSBC, Standard Chartered (đều của Anh), JP Morgan Chase, New York Mellon (đều của Mỹ) và Deutsche Bank (Đức).

Cổ phiếu Ngân hàng HSBC xuống mức thấp nhất 25 năm

Theo Bloomberg đưa tin, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu HSBC đã ghi nhận giảm 51% so với thời điểm cuối năm trước, xuống mức 29,6 HKD/cổ phiếu. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ năm 1995.

Theo tờ Global Times đưa tin hôm 19/9, HSBC có khả năng bị liệt vào danh sách "các tổ chức không đáng tin cậy", một danh sách được lập ra nhằm trừng phạt các công ty, tổ chức hoặc cá nhân gây tổn hại đến an ninh quốc gia.

Một ngày sau đó, HSBC đã có tên trong một báo cáo của Hiệp hội các Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) với nghi ngờ ngân hàng này đã kiếm lợi bất chính trong suốt hai thập kỉ qua.

Trung Quốc bơm 210 tỷ NDT vào thị trường

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) đã bơm 210 tỷ NDT (khoảng 31,1 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng của nước này thông qua hoạt động thị trường mở trong tuần trước để duy trì thanh khoản ở mức hợp lí.

Trung Quốc đã tuyên bố sẽ theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng theo cách linh hoạt và phù hợp hơn. Trong báo cáo chính sách tiền tệ quý II, PBoC cho biết họ sẽ thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt hơn và có mục tiêu đạt được sự cân bằng dài hạn giữa ổn định tăng trưởng và ngăn ngừa rủi ro.

Ngân hàng trên toàn cầu "tăng tốc" sa thải nhân sự

Các nhà phân tích gọi đây là thời kỳ "tái cấu trúc đớn đau" của các ngân hàng này trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 21/9: Ông lớn ngân hàng giảm thêm lãi suất tiết kiệm

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 21/9/2020 do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam cập nhật có những nội dung ...

Cổ phiếu ngân hàng đang có "sóng"

Cổ phiếu ngân hàng nhận được sự quan tâm nhờ thông tin chuyển sàn, tăng vốn và phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến ...

Lưu Lâm t/h