Bản tin bất động sản ngày 1/10: Bình Dương lấy đất vàng làm công viên, mở hàng loạt hẻm thành đường

Cập nhật: 16:52 | 01/10/2020 Theo dõi KTCK trên

Khai tử dự án Khu nghỉ dưỡng Tóc Tiên ở Bà Rịa- Vũng Tàu; Dự án tái định cư khẩn cấp ở Nghệ An chậm tiến độ gần... 10 năm;... là những tin tức bất động sản đáng chú trong ngày 1/10.

"Khai tử" dự án Khu nghỉ dưỡng Tóc Tiên ở Bà Rịa- Vũng Tàu

Cụ thể, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ký quyết định số 2908/QĐ-UBND về việc thu hồi, huỷ bỏ quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Tóc Tiên (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Theo đó, UBND tỉnh này thu hồi, hủy bỏ quyết định số 561/QĐ-UBND ngày 16/3/2020 về việc cho phép Công ty TNHH thương mại Tân Hoà chuyển mục đích sử dụng 71.100m2 đất nông nghiệp (trong tổng diện tích 71.400m2) sang đất thương mại, dịch vụ để thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái nghĩ dưỡng Tóc Tiên (tại xã Tóc Tiên và Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ). Lý do là vì Công ty TNHH thương mại Tân Hoà xin chấm dứt hoạt động dự án và đề nghị huỷ bỏ quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất do không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính Nhà nước.

Văn bản do phó chủ tịch tỉnh Lê Ngọc Khánh ký cũng ghi rõ, giao UBND thị xã Phú Mỹ thông báo công khai cho người sử dụng đất trong vùng dự án biết; tiếp tục thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định. Sở Kế hoạch Đầu tư hướng dẫn Công ty TNHH thương mại Tân Hoà thực hiện các thủ tục chấm dứt dự án đầu tư theo quy định pháp luật.

Dự án tái định cư khẩn cấp ở Nghệ An chậm tiến độ gần... 10 năm

Theo thống kê của tỉnh Nghệ An, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh này có 19 dự án tái định cư chậm tiến độ. Trong đó, một số dự án tái định cư khẩn cấp chậm tiến độ gần... 10 năm.

Dự án xây dựng khu tái định cư (TĐC) kiểu mẫu cho người dân vạn chài ở Khe Mừ xã Thanh Thủy được khởi động từ năm 2010 với tổng vốn đầu tư hơn 80 tỷ đồng, do Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Nghệ An) làm chủ đầu tư. Dự án hy vọng sẽ mang lại cuộc sống tốt hơn cho hàng trăm người dân từ những con thuyền chật hẹp lên đất liền định cư.

Tuy nhiên, kể từ khi khởi công đến nay, hàng trăm người dân vẫn phải sống trong cảnh thấp thỏm mỗi khi mưa bão tràn về, còn khu TĐC “đắp chiếu”.

Tương tự, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư để di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai, sạt lở đất và vùng đặc biệt khó khăn thuộc xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông được khởi động từ năm 2011. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 26 tỷ, dự kiến đưa 60 hộ dân (bản Quẹ 20 hộ, bản Quăn 40 hộ) đến nơi ở mới. Đến nay, dự án này cũng dang dở.

Ngoài ra, dự án đầu tư di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai, sạt lở đất xã Châu Tiến và xã Liên hợp (huyện Quỳ Hợp) được phê duyệt năm 2011. nhưng sau khi hoàn tất thi công giai đoạn 1 vào năm 2014, dự án tới nay vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Bình Dương lấy đất vàng làm công viên, mở hàng loạt hẻm thành đường

UBND TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) cho biết vừa đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm của TP. Trong số này, đáng chú ý có nhiều tuyến đường được nâng cấp, mở rộng với mặt tiền khang trang từ những con hẻm nhỏ vốn chật chội, khó khăn lưu thông nhiều năm nay.

Bên cạnh đó, gần chục con hẻm nhỏ khác cũng chuẩn bị được mở rộng với tổng mức đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Cụ thể, hẻm dân sinh nối đường Trần Văn Ơn với đường 30/4 (phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một) được mở rộng nền đường lên đến 17 mét, kết nối các trục đường chính của TP với tổng mức đầu tư hơn 46 tỷ đồng. Hẻm nối đường Trần Văn Ơn đến đường Lê Hồng Phong (phường Phú Hòa) chạy qua hàng trăm hộ dân với chiều dài 700 mét được mở rộng nền đường 17,5 mét, thiết kế hai làn xe lưu thông, tổng mức đầu tư của dự án này là hơn 115 tỷ đồng.

Cũng tại phường Phú Hòa, tỉnh Bình Dương dự kiến sẽ chi hơn 300 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để mở rộng hẻm dân sinh nối hai trục đường chính là Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong. Ngoài ra, nhiều con hẻm tại các phường Phú Mỹ, Phú Lợi, Hiệp Thành, Tương Bình Hiệp,… cũng đang được chủ đầu tư lập báo cáo, hoàn thiện thủ tục để chuẩn bị mở rộng nâng cấp thành các tuyến đường lớn khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện lưu thông.

Trình Chính phủ đề án thành lập TP. Phú Quốc

UBND tỉnh Kiên Giang cho biết Bộ Nội vụ vừa có tờ trình trình Chính phủ về việc thành lập TP. Phú Quốc và các phường thuộc thành phố này. Theo tờ trình, diện tích tự nhiên của Phú Quốc là 589,27km2, dân số 179.480 người, có 10 xã, thị trấn. Sau khi lên TP. Phú Quốc sẽ có 9 đơn vị cấp xã, gồm 7 xã và 2 phường.

Những điều kiện thuận lợi để thành lập TP. Phú Quốc cũng được Bộ Nội vụ nêu rõ. Cụ thể, Phú Quốc hiện có 320 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 340.000 tỷ đồng, diện tích khoảng 10.900ha, trong đó có 47 dự án đã đi vào hoạt động với tổng số vốn đầu tư khoảng 13.504 tỷ đồng, diện tích 1.202ha. Tổng giá trị sản xuất năm 2019 đạt 56.547 tỷ đồng, tổng chi ngân sách là hơn 2.306 tỷ đồng, tổng thu ngân sách đạt hơn 5.257 tỷ đồng. Số lượng du khách đến Phú Quốc trong năm 2019 đạt hơn 3 triệu lượt, chiếm khoảng 60% lượng khách của tỉnh Kiên Giang. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 là 0,65%, giảm so với mức 0,93% trong năm 2017.

Phú Quốc được công nhận là đô thị loại 2 từ năm 2014. Tuy vậy, Phú Quốc vẫn quản lý theo mô hình chính quyền nông thôn kéo theo nhiều vấn đề bất cập. Với sự phát triển mạnh, hai thị trấn Dương Đông và An Thới có nhiều chuyển biến trong quá trình phát triển đô thị, xứng đáng được thành lập phường.

Bản tin bất động sản ngày 29/9: Cảnh báo lừa đảo tại dự án sân bay Long Thành

Cưỡng chế thu hồi hơn 7.700 m2 đất công bị chiếm dụng ở Vũng Tàu; Cảnh báo lừa đảo tại dự án sân bay Long ...

Bản tin bất động sản ngày 25/9: BĐS công nghiệp được đánh giá là phân khúc có tiềm năng lớn

Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị không xây khách sạn trên đồi Dinh; Nhà xây nhỏ hơn giấy phép xây dựng sẽ được ...

Bản tin bất động sản ngày 24/9: Phá dỡ hàng loạt công trình, nhà ở xây dựng bao chiếm ở Phú Quốc

Hơn 800 sàn giao dịch nhà đất tạm ngừng hoạt động hoặc đóng cửa; TP. HCM hủy bỏ chủ trương thu hồi đất để đầu ...

Đại Dương

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm