Thị trường chứng khoán “bùng nổ” thời Covid-19: Trong “cơ” phải nhìn ra “nguy”:

Bài 2: Đà tăng của thị trường sẽ đến đâu?

Cập nhật: 11:25 | 02/06/2021 Theo dõi KTCK trên

Dòng tiền “nóng” có xu hướng thuận theo trào lưu, đầu cơ, lướt sóng cũng khiến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trở nên tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro, thiếu tính bền vững. Đó là chưa kể, khi những yếu tố hỗ trợ như dòng vốn rẻ, áp lực cạnh tranh từ các kênh đầu tư khác thấp… sẽ dần mất đi, liệu thị trường có giữ được những thành quả hiện tại?

Những mầm mống bất ổn

5 tháng đầu năm 2021, Chính phủ nhận định dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng nhất là tại TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang… Đến 31/5/2021 cả nước có 5.815 ca F0 trong nước, 1.506 ca F0 nhập cảnh, chỉ tính riêng từ 27/4/2021 đến 31/5/2021 đã có 4.245 ca F0 cho thấy dịch COVID-19 đang tăng lên từng ngày và nguy cơ bùng dịch rất lớn tại Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nếu không có giải pháp mạnh mẽ để kiềm chế.

Tác động của dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế xã hội nhất là các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021 của Chính phủ. Thị trường chứng khoán vì thế cũng không nằm ngoài sự tác động của dịch COVID-19. Đó là những khó khăn do tâm lý nhà đầu tư lo lắng về dịch COVID-19 kéo dài. Đó còn là những mầm mống bất ổn khác.

Theo chuyên gia Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, sau thời gian tăng khá nóng thì thị trường đã bắt đầu có những dấu hiệu bất ổn, thiếu sự bền vững.

Dấu hiệu thứ nhất là hành động của các nhà đầu tư lớn và nhà đầu tư nhỏ đang có sự “lệch pha” nhau, tức là trong khi các nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức có xu hướng bán ròng, lực mua của các quỹ ETF cũng có dấu hiệu chững lại thì nhà đầu tư cá nhân trong nước lại rất tích cực mua vào.

Cụ thể, từ đầu năm đến hết tháng 5/2021,ước khối ngoại đã bán ròng hơn 25 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn chứng khoán. Đây là con số kỷ lục chưa từng có, vì tính cả năm 2020 – năm kỷ lục bán ròng của khối ngoại trước đó, con số mới chỉ đạt trên gần 19 nghìn tỷ đồng.

Dấu hiệu thứ hai, theo vị chuyên gia, là thị trường đang có sự phân hóa cực mạnh, dòng tiền vào thị trường lớn nhưng lại chỉ tập trung vào một số nhóm cổ phiếu. Trong nhiều phiên giao dịch, mặc dù thị trường đều tăng điểm nhưng số mã giảm lại áp đảo mã tăng.

Chẳng hạn phiên ngày 31/5, khi chỉ số VN-Index và thanh khoản đạt kỷ lục, tuy nhiên, trên HOSE có tới 226 mã giảm, chỉ có 156 mã tăng. Đáng nói, dòng tiền trong suốt một thời gian dài chỉ tập trung vào một số nhóm cổ phiếu như ngân hàng, sắt thép. Trong khi đó, hàng loạt bluechip như VNM, SAB, VIC, CTD hay TDH... vốn là những cổ phiếu hàng đầu thị trường trước đây thì nay đã giảm giá suốt từ đầu năm.

Theo vị chuyên gia, những dấu hiệu trên cho thấy, dòng tiền chủ đạo F0 đang rất mạnh nhưng là dòng tiền đầu cơ, dòng tiền chủ yếu theo tâm lý đám đông.

Tương tự, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng việc nhà đầu tư F0 thiếu kiến thức, tâm lý “bầy đàn” và một số lạm dụng đòn bẩy tài chính để lướt sóng sẽ mang lại nhiều rủi ro.

“Ví dụ thị trường giảm thì có thể họ sẽ rút vốn hàng loạt chẳng hạn, thì có thể gây nên sự hoảng loạn. Vì vậy, cơ quan quản lý cần cảnh báo, theo dõi, giám sát và có động thái phù hợp” – TS Cấn Văn Lực nói.

2322-bong-bong-chung-khoan
Nhiều chuyên gia lo ngại liệu thị trường có giữ được những thành quả hiện tại?

Khi những nhân tố hỗ trợ dần mờ nhạt

Như đã nói, TTCK Việt Nam đang được hỗ trợ rất nhiều từ nguồn vốn giá rẻ, từ dòng tiền đang thiếu các kênh đầu tư hấp dẫn… Tuy nhiên, trong dài hạn, những yếu tố này sẽ dần mờ nhạt.

Hiện nay, lạm phát đang tăng mạnh trên toàn cầu, giá cả hàng hóa leo thang trong bối cảnh chuỗi cung ứng đang bị hạn chế... Trong bối cảnh đó, một số quốc gia đã bắt đầu thắt chặt lại tiền tệ (tăng lãi suất, giảm các gói kích cầu).

Tại Mỹ- nền kinh tế lớn nhất thế giới thì Cục Dự trữ liên bang (Fed) nói sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cho đến hết năm 2022, nhưng hiện nay trong Hội đồng Thống đốc của Fed đã có một số quan chức lo lắng rằng tốc độ lạm phát đang tăng cao hơn dự kiến của Fed; Bộ trưởng Tài chính của Mỹ cũng nói rằng có thể phải đưa lãi suất về mức phù hợp hơn.

Như vậy, nhiều khả năng thời gian tới dòng tiền rẻ trên thế giới sẽ bị hạn chế. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính nói chung, trong đó có TTCK.

Cùng với đó, thời gian gần đây dòng tiền trên thế giới có xu hướng điều chỉnh, một phần đã được rút ra khỏi các kênh đầu tư rủi ro và trở lại các kênh “trú ẩn an toàn”. Theo đó, giá vàng bắt đầu tăng trở lại, trong khi TTCK hay tiền số lại có xu hướng giảm. Đây cũng là một trong những dấu hiệu cảnh báo đối với TTCK Việt Nam.

Riêng đối với thị trường Việt Nam, ông Phan Dũng Khánh cho rằng với việc Ngân hàng Nhà nước khẳng định tiếp tục duy trì chính sách lãi suất thấp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi thì dự kiến dòng tiền trong ngắn hạn chưa bị ảnh hưởng. Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn đang phục hồi nên khả năng “xì bong bóng” là chưa đáng lo.

Cũng cho rằng TTCK Việt Nam có thể phải đối mặt với một số khó khăn trong và sau dịch Covid-19, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia chỉ ra một số vấn đề như: Quan ngại về áp lực lạm phát và bong bóng tài sản toàn cầu tác động tâm lý với nhà đầu tư; Cơ quan quản lý (Ngân hàng Nhà nước) có động thái kiểm soát rủi ro liên quan tín dụng bất động sản, chứng khoán; Sau một thời gian tăng trưởng tương đối nhanh và mạnh thì đến nay dòng vốn vào thị trường đã có động thái chững lại…

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, dòng tiền chỉ là một khía cạnh, vấn đề cơ bản là nếu các tín hiệu về kinh tế tốt, kiểm soát dịch bệnh tốt thì niềm tin, sự hứng khởi, hưng phấn của nhà đầu tư sẽ phục hồi trở lại tốt hơn. Do đó, theo ông, cơ quan quản lý cần theo dõi để có những động thái phù hợp.

“Hiện nay họ cũng vẫn đang làm rồi, ví dụ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có nhiều cảnh báo đối với nhà đầu tư về việc cần phải tìm hiểu kỹ thông tin thị trường, tránh tâm lý đám đông, không lạm dụng đòn bẩy tài chính, siết chặt dòng tiền cho vay chứng khoán để hạn chế rủi ro…” – TS Cấn Văn Lực cho biết.

Do đó, vị chuyên gia nhận định thị trường chứng khoán trong năm nay sẽ phụ thuộc nhiều vào việc kiểm soát dịch bệnh. “Thị trường có thể có những điều chỉnh nhưng xu hướng chung tôi nghĩ sẽ tích cực hơn” – ông nhận định.

Tuy nhiên dưới góc độ kiến nghị các giải pháp, người viết bài báo này mong muốn và đề nghị Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính cần nắm vững tình hình thị trường và tâm lý các nhà đầu tư chứng khoán tại thời điểm này, dự báo dự đoán những khó khăn do dịch COVID-19 tác động để một mặt quản lý Thị trường chứng khoán bằng công cụ pháp luật, một mặt cần có các chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho Thị trường chứng khoán phát triển ổn định.

(Còn nữa)

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Thu Hoài