Áp thuế giá trị gia tăng đối với các dịch vụ xe công nghệ 2 bánh và giao hàng

Cập nhật: 10:00 | 04/12/2020 Theo dõi KTCK trên

Với quy định này, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận tải như Grab, Gojek, Be… phải thực hiện khai và nộp thuế GTGT ở mức 10%.

5116-xcn
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Theo quy định của Nghị định 126, kể từ ngày 5/12, các nền tảng gọi xe sẽ phải thực hiện kê khai và thu hộ thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho các cá nhân. Mức thuế thu hộ là 10% tính trên tổng doanh thu phát sinh thay vì mức thu 3% trên phần doanh thu được nhận như hiện nay.

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế) cho biết: Điểm mới của quy định này là khai thuế trên tổng doanh thu hoạt động hợp tác kinh doanh giữa tổ chức và cá nhân.

Theo đó, quy định nêu: “Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế GTGT đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân, cho cá nhân hợp tác kinh doanh”.

Với quy định này, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận tải như Grab, Gojek, Be… phải thực hiện khai và nộp thuế GTGT ở mức 10%.

Theo lý giải của ông Huy, thực tế, theo quy định của các chính sách thuế và quy định của hóa đơn, người cung cấp hàng hóa dịch vụ cho khách hàng người đó phải đứng ra để xuất hóa đơn và khai thuế GTGT đối với cơ quan thuế. Trong trường hợp này, tổ chức đứng ra tổ chức các hoạt động đó nên họ phải đứng ra khai thuế GTGT. Đây là khoản thu áp người tiêu dùng.

Dù vậy, một số doanh nghiệp còn lúng túng trước quy định này. Họ cho biết, chưa rõ các dịch vụ xe hai bánh (gồm cả dịch vụ chở khách, giao hàng hóa, đồ ăn…) có nằm trong đối tượng bị thu hay không.

Cụ thể, trong buổi tọa đàm về thuế và hải quan vừa qua, một doanh nghiệp gọi xe thắc mắc về việc có áp dụng quy định của Nghị định 126 cho loại hình xe hai bánh hay không?

Không để tài xế hiểu sai vấn đề

Nêu ý kiến với cơ quan thuế, doanh nghiệp này cho biết: "Với dịch vụ 2 bánh, doanh nghiệp chỉ hợp tác kinh doanh và chia sẻ trên doanh thu. Nghị định 10 Quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hiện nay chỉ nhắc đến loại hình kinh doanh ô tô. Trong khi dịch vụ hai bánh lại chưa có một quy định nào cụ thể".

Trả lời báo chí, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục thuế cho biết, quy định về thuế mới sẽ áp dụng thống nhất đối với tất cả các loại hình dịch vụ vận tải.

"Nghị định 126 quy định trách nhiệm kê khai thuế thuộc về doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp tham gia kinh doanh vận tải – là lĩnh vực Nhà nước phải quản lý", lãnh đạo Tổng cục thuế nói.

Ông Đặng Ngọc Minh cho biết: Trách nhiệm kê khai thuộc về doanh nghiệp. Theo quy định mức khai là 10% và doanh nghiệp sẽ được khấu trừ thuế đầu vào. Với quy định này, lái xe chỉ có trách nhiệm khai và nộp phần thuế thu nhập cá nhân 1,5%, nếu thu nhập vượt quá 100 triệu đồng/năm. Người nào ở dưới mức này sẽ được hoàn lại thuế. “Vì thế, đây không chỉ là vấn đề lợi ích của khách hàng mà cũng chính là lợi ích của các tài xế. Người lái xe cũng cần hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình”.

Tạo môi trường cạnh tranh công bằng

Theo TS Trần Quang Thắng (Viện trưởng Viện Kinh tế quản lý TP. HCM), tăng thuế đối với xe công nghệ trong thời điểm này là hợp lý, cần thiết để đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường taxi.

Từ khi bước vào thị trường Việt Nam, các hãng xe công nghệ đã được nhận rất nhiều lợi thế nhờ kinh doanh trên nền tảng công nghệ. Phải thừa nhận rằng nhờ có sẵn ưu thế, tính tiện lợi, chi phí hợp lý... các hãng này nhanh chóng được khách hàng ưa chuộng.

Bây giờ cần chính sách quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn. Khi áp dụng mức thuế cao hơn, nước ta sẽ có thêm nguồn thu thuế có thể phân bổ sử dụng cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó, đến nay về phía các hãng taxi truyền thống cũng đã có ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ. Do đó, một môi trường cạnh tranh hợp lý sẽ thúc đẩy kinh doanh vận tải phát triển hơn, dịch vụ phát triển hơn, người dân được phục vụ tốt hơn.

Các hãng xe công nghệ nên tính phương án hỗ trợ tài xế, chứ không để tài xế và hành khách chịu hết chi phí tăng thêm được.

Đi xe công nghệ, khách hàng "cõng" thêm phí

Trong khi đó, theo Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, với quy định mới của nghị định 126, hiệu lực từ ngày 5/12, các hãng xe công nghệ như Grab, Be, Gojek... phải kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân cho đối tác và mức thuế GTGT từ 3% lên 10%, tức tăng 7% so với trước đây. Việc này sẽ tăng thêm gánh nặng cho người tiêu dùng.

Rõ ràng chúng ta nhìn thấy dịch vụ xe công nghệ, đặc biệt là xe 2 bánh, phục vụ nhu cầu số đông người dân đi lại, chủ yếu là người có thu nhập thấp. So với các phương tiện khác như taxi, xe buýt, có thể thấy rằng xe công nghệ vẫn đang có ưu thế về tiện dụng, linh hoạt, giá cả cạnh tranh, được người dân sử dụng hằng ngày như một phương tiện giao thông hữu ích.

Khi hãng xe công nghệ thu giùm Nhà nước khoản thuế của đối tác với mức tăng hơn trước, trước hết là thuế GTGT tăng 7%, cước phí cũng tăng thêm, khách hàng phải tăng số tiền chi trả cho những cuốc xe.

Ở Mỹ, người dân rất hiểu về thuế GTGT và họ được khấu trừ. Họ thoải mái mua hàng hóa, từ điện, nước, đi xe... đều chịu thuế GTGT và họ lấy hóa đơn. Cuối năm họ khai báo thuế và được khấu trừ vào phần thuế thu nhập cá nhân.

Trong khi đó ở Việt Nam người dân chưa được khấu trừ thuế GTGT từ những khoản như trên. Việc tăng thuế GTGT đối với xe công nghệ mà không được khấu trừ sẽ gia tăng chi phí cho khách hàng.

Và cũng chắc chắn rằng khi tăng thuế, doanh nghiệp sẽ tính phương án tăng giá cước. Làm sao khách hàng tránh được cú "sốc" giá, vốn dĩ loại xe công nghệ luôn kỳ vọng cạnh tranh giá thấp hơn so với taxi? Doanh nghiệp cũng phải "chia lửa", san sẻ cùng khách hàng và đối tác với phần chi phí tăng thêm kể từ ngày 5/12.

Hiện nay các ứng dụng gọi xe đang cạnh tranh khốc liệt để lấy thị phần, cách hỗ trợ tốt cho khách hàng hiện nay vẫn là giá hợp lý, thêm khuyến mãi phù hợp với mức chi tiêu của đa số khách hàng ở thời điểm người dân khó khăn. Đó là sự chia sẻ cần thiết và có ý nghĩa với khách hàng.

Lo lắng chất chồng

Anh Trần Ngọc Lãm (tài xế ô tô công nghệ TP. HCM) chia sẻ, "Việc tăng mức thuế từ ngày 5/12 sẽ tạo thêm áp lực cho tài xế rất nhiều. Căn cứ theo quy định mới, tài xế sẽ phải nộp 10% thuế GTGT đầu ra như doanh nghiệp (thay vì mức hiện hành là 3%).

Bên cạnh đó, mức thuế thu nhập cá nhân của tài xế xe công nghệ hiện nay là mức thuế quá cao. Tài xế phải gánh toàn bộ thuế, phí đến "oằn" vai. Các công ty công nghệ cần chia sẻ thuế với tài xế.

Chúng tôi mong Nhà nước phải có chính sách về thuế và quản lý chặt chẽ hơn để các công ty công nghệ cùng chia sẻ thuế với tài xế, thực hiện trách nhiệm thuế với Nhà nước.

Hiện tại, đời sống nhiều tài xế xe công nghệ đã rất khó khăn. So với trước đây, mức thu nhập giảm sút trầm trọng, chính sách ưu đãi từ phía công ty cũng không còn như trước.

Thời gian đầu xe công nghệ vào thị trường Việt Nam, nhiều tài xế đổi đời nhờ chăm chỉ chạy xe. Tuy nhiên trong năm 2020, hàng loạt tài xế còng lưng trả lãi vay mua xe.

Tôi chuyển từ chạy taxi sang chạy xe công nghệ để được tự do thời gian hoạt động, cải thiện thu nhập. Nếu áp dụng việc tăng thuế, e rằng thu nhập của tài xế chạy xe công nghệ còn thấp hơn chạy taxi truyền thống nhiều".

Đề xuất xây cầu, hầm chui ở sân bay Tân Sơn Nhất

Sở Giao thông Vận tải đề nghị Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nghiên cứu xây cầu đi bộ hoặc hầm chui trước ...

Hà Nội chính thức cho xe buýt, xe công nghệ hoạt động trở lại từ hôm nay

KTCKVN – Từ ngày 23/4, đồng loạt các hãng taxi, xe công nghệ, xe buýt… trên địa bàn Hà Nội đã hoạt động trở lại ...

Hà Nội dừng hoạt động xe buýt, taxi, xe ôm, xe khách để phòng dịch Covid-19

KTCKVN - TP Hà Nội quyết định dừng các hoạt động xe buýt, taxi, xe công nghệ, xe ôm, xe khách liên tỉnh để phòng ...

Hữu Dũng

Tin cũ hơn
Xem thêm