Áp mức sàn thuế bảo vệ môi trường mặt hàng xăng dầu nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp

Cập nhật: 12:20 | 08/12/2022 Theo dõi KTCK trên

Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục áp mức sàn thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết năm 2023. Phản hồi về đề xuất này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ sự đồng tình.

Triển vọng kinh tế Việt Nam 2023: GDP có thể lên tới 6,7%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra

Thủ tướng Chính phủ: Thị trường chứng khoán có tín hiệu tích cực trở lại

Trong văn bản gửi Bộ Tài chính, VCCI cho biết: “Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, thống nhất với nội dung được đề xuất. Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục duy trì ở mức sàn trong Biểu khung thuế của Luật Thuế bảo vệ môi trường cho đến 31/12/2023. Đây là biện pháp cần thiết nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp”.

Đầu tháng 12, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến đối với dự thảo lần 2 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2023.

Tại dự thảo này, Bộ Tài chính cho rằng, năm 2023, dù dự báo giá xăng dầu thế giới có giảm nhưng nhìn chung, giá bán lẻ xăng dầu vẫn ở mức cao.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vì vậy, việc áp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tăng từ mức sàn về mức trần từ ngày 1/1/2023 (giai đoạn cận kề Tết nguyên đán) sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý, đời sống sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến lạm phát và sẽ tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Để tránh tác động tiêu cực này, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục áp mức sàn với mức thuế trên, là 1.000 đồng/lít xăng; 1.000 đồng/lít nhiên liệu bay; 500 đồng/lít dầu diezel; 300 đồng/lít dầu mazut, dầu nhờn; 300 đồng/lít mỡ nhờn và dầu hỏa cũng 300 đồng/lít.

Theo Bộ Tài chính, do thuế bảo vệ môi trường là một trong những yếu tố cấu thành giá bán lẻ xăng dầu trong nước nên việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường sẽ làm giảm chi phí thuế trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu, từ đó sẽ góp phần kìm hãm sự tăng giá xăng dầu trong nước.

Cùng với đó, "việc giữ giá bán xăng dầu không tăng quá cao thông qua việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần giảm chỉ số CPI, kiềm chế lạm phát và hạn chế được những tác động tiêu cực đến nền kinh tế", Bộ Tài chính đánh giá tác động.

Phân tích chi tiết tác động tích cực đến đến sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sau khi giảm thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính cho hay, đối với người dân, người lao động, hiện nay, giá cả một số mặt hàng tăng cao trong đó có mặt hàng xăng dầu khiến đời sống người lao động, người dân trong nước còn gặp nhiều khó khăn.

"Việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần giảm giá các mặt hàng này, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn cũng như giảm các chi phí gián tiếp từ các sản phẩm tiêu dùng khác, khi đó hộ gia đình sẽ có thêm một phần chi tiêu, qua đó làm tăng tổng cầu của nền kinh tế", Bộ Tài chính kỳ vọng.

Đối với các ngành sản xuất, xăng đầu vào của nhiều ngành sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp có sử dụng xăng dầu là đầu vào của hoạt động sản xuất như giao thông vận tải, vận chuyển, đánh bắt thủy sản, dịch vụ khí đốt, sản xuất hóa chất có sử dụng nguyên liệu từ xăng dầu...

Do đó, các ngành sản xuất sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Hoàng Hà (t/h)

Tin cũ hơn
Xem thêm