Agribank triển khai nhiều giải pháp cho kênh thanh toán không dùng tiền mặt

Cập nhật: 11:57 | 16/01/2020 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Tích cực cùng Chính phủ và ngành Ngân hàng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Agribank đã, đang và sẽ triển khai nhiều giải pháp, cung ứng đa dạng sản phẩm dịch vụ, nhất là các sản phẩm và kênh thanh toán ngân hàng điện tử, góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi tư duy của người dân trong hoạt động giao dịch thanh toán.

agribank trien khai nhieu giai phap cho kenh thanh toan khong dung tien mat

Trà Vinh: Khởi tố cựu giám đốc Agribank lấy 1 tỷ đồng của khách hàng để trả nợ

agribank trien khai nhieu giai phap cho kenh thanh toan khong dung tien mat

Agribank đã sẵn sàng cho cổ phần hoá, hoàn thành các mục tiêu tái cơ cấu gắn với xử lí nợ xấu

agribank trien khai nhieu giai phap cho kenh thanh toan khong dung tien mat

Lãi suất ngân hàng Agribank tháng 1/2020 mới nhất

agribank trien khai nhieu giai phap cho kenh thanh toan khong dung tien mat

Agribank xóa sạch nợ tại VAMC, tuyên bố xử lý gần 110.000 tỷ đồng nợ xấu

Việc thanh toán không dùng tiền mặt đem lại nhiều lợi ích cho quốc gia cũng như doanh nghiệp và cá nhân về mặt thời gian, kinh phí… Nhận thức đươc tầm quan trọng của xu hướng thanh toán hiện đại này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 – 2020 với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Đề án yêu cầu phải đặc biệt quan tâm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn.

Là ngân hàng chủ lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và cũng là ngân hàng tiên phong hành động đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần hạn chế ảnh hưởng của tín dụng đen, Agribank quyết liệt triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, đặc biệt tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, đáp ứng kịp thời các nhu cầu chính đáng, hợp pháp của người dân.

agribank trien khai nhieu giai phap cho kenh thanh toan khong dung tien mat
Ảnh minh họa

Nhận thấy hình thức tổ vay vốn rất phù hợp ở địa bàn nông thôn, nơi các tổ chức hội, đoàn thể hoạt động mạnh mẽ, có uy tín cao, giúp ngân hàng tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức đoàn thể các cấp, hỗ trợ tạo tiền đề cho ngân hàng trong quá trình phối hợp tuyên truyền triển khai các hoạt động cho vay, Agribank đã kết hợp với chính quyền địa phương, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai trên 68.000 tổ vay vốn với gần 1,5 triệu thành viên. Việc cho vay qua tổ vay vốn không chỉ tạo thuận tiện cho khách hàng trong quá trình quan hệ tín dụng với ngân hàng mà còn giúp ngân hàng thuận tiện trong việc quản lý khách hàng, giảm áp lực của cán bộ làm công tác tín dụng.

Qua thời gian triển khai, tổ vay vốn đã thực sự là cánh tay nối dài của Agribank đến các hộ nông dân. Hoạt động cho vay qua tổ nhóm được triển khai mạnh mẽ tại nhiều chi nhánh như: Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hưng Yên… Nhiều chi nhánh có dư nợ cho vay qua tổ tăng nhanh như: Tây Nghệ An, Nghệ An, Ninh Thuận, Nam Định…

Bên cạnh đó, Agribank thực hiện triển khai an toàn 68 Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với gần 7.000 phiên giao dịch, phục vụ gần 700 nghìn khách hàng tại trên 400 xã trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi đối với hộ gia đình, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận vốn vay và dịch vụ ngân hàng.

Lấy khách hàng là trọng tâm, mở rộng cơ sở khách hàng, phát triển khách hàng mở tài khoản và sử dụng dịch vụ tiện ích, năm 2019, Agribank chính thức triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn, với mục tiêu gia tăng sự tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của các cá nhân, gia đình cũng như các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Theo đó, Agribank triển khai hai sản phẩm dịch vụ đặc biệt ưu đãi đối với khách hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn và kéo dài chương trình này đến 15/09/2020. Những ưu đãi khách hàng được nhận từ chương trình này là miễn phí phát hành thẻ ATM, miễn phí quản lý tài khoản, miễn phí thường niên. Hạn mức vay thấu chi lên đến 30 triệu đồng dành cho các đối tượng là khách hàng cá nhân là người Việt Nam cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc cá nhân cư trú ngoài địa bàn nhưng có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn.

Không chỉ ưu đãi với người dùng, Agribank còn có chính sách cho các đơn vị chấp nhận thẻ (ĐVCNT) là các Công ty, hộ kinh doanh có địa điểm kinh doanh trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, bao gồm các đơn vị cung ứng dịch vụ công (điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí,…) và các cửa hàng, đại lý cung ứng dịch vụ, vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản cũng nhận được ưu đãi. Theo Đề án, các ĐVCNT miễn phí trang bị lắp đặt POS; miễn phí chiết khấu cho ĐVCNT địa bàn nông nghiệp, nông thôn khi chấp nhận thanh toán thẻ thấu chi ATM; hỗ trợ các công cụ quảng cáo…

Việc triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn cùng các chính sách ưu đãi thiết thực hứa hẹn sẽ sớm hiện thực hóa mục tiêu chủ động “đi tắt, đón đầu” của Agribank nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh có sự phát triển mạnh mẽ của các công ty Fintech, trung gian thanh toán.

Bên cạnh đó, Agribank mong muốn xây dựng hệ sinh thái khép kín qua ngân hàng giữa khách hàng sử dụng thẻ và các nhà cung ứng sản phẩm dịch vụ, mở rộng mạng lưới ĐVCNT tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các đơn vị cung cấp dịch vụ công, như: Điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí... và các đơn vị/cá nhân cung ứng vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản.

Văn Khương