ACB báo lãi “khủng” nửa đầu năm

Cập nhật: 14:35 | 28/07/2022 Theo dõi KTCK trên

Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE - Mã: ACB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 với lợi nhuận trước thuế đạt mức kỷ lục trong nửa đầu năm 2022.

Ngân hàng Á Châu (ACB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng với mức lãi trước thuế 9.028 tỷ đồng, hoàn thành 60% kế hoạch cả năm và tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng quý II/2022, ACB ghi nhận lợi nhuận 4.900 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ 2021. Với kết quả đạt được trên, ACB duy trì tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao, đạt 25,8%, tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về hiệu quả hoạt động trên thị trường.

Hình minh họa
ACB thu về “núi tiền khổng lồ” tiền lãi nửa đầu năm. Hình minh họa

Kết quả này một phần nhờ vào tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ ngay từ đầu năm, tập trung tăng trưởng thu nhập phí dịch vụ và các khoản thu hồi nợ xấu, và đặc biệt là các khoản hoàn nhập dự phòng cho vay khách hàng. Thu nhập lãi thuần của ACB trong 6 tháng đầu năm nay đạt trên 11.047 tỷ đồng so với con số ghi nhận của 6 tháng năm 2021 là trên 9.629 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ACB gia tăng thu ngoài lãi mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm nay khi ghi nhận hơn 1.732 tỷ đồng. Cụ thể, thu nhập ngoài lãi tăng trưởng 20% so với cùng kỳ, trong đó thu nhập từ phí dịch vụ đóng góp 64%, chủ yếu nhờ thu nhập từ hoạt động bancassurance tăng 16%, thanh toán quốc tế tăng trưởng 30% và dịch vụ thẻ tăng 33% so với cùng kỳ.

Doanh số giao dịch online 6 tháng đầu năm đạt hơn 3,4 triệu tỷ, tăng 71% so với cùng kỳ và số lượng giao dịch online tăng 63% so với cùng kỳ, đạt hơn 113,4 triệu giao dịch. Ngược lại, ở các mảng kinh doanh ngoài tín dụng còn lại như ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư, ACB ghi nhận tăng trưởng âm. Thậm chí, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh trong quý vừa qua còn khiến ngân hàng phải gánh lỗ hơn 200 tỷ đồng, do thị trường chứng khoán đi xuống trong nửa đầu năm nay.

Bên cạnh đó, thay vì phải tăng trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng như phần lớn ngân hàng, ACB lại ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng 270 tỷ đồng, giảm mạnh 86% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhờ hoàn nhập từ các khách hàng được cơ cấu do ảnh hưởng bởi dịch Covid. Ngược lại, chi phí hoạt động của nhà băng này tăng hơn 42% so với cùng kỳ lên hơn 4.850 tỷ (cùng kỳ năm ngoái phần chi phí thấp hơn do được khấu trừ 600 tỷ đồng nhờ thu hồi khoản phải thu của nhóm khách hàng đặc biệt).

Tính đến cuối tháng 6/2022, tổng tài sản của ACB tăng 3% so với đầu năm nay lên mức gần 543.737 tỷ đồng. Trong đó, chỉ tiêu quan trọng nhất của ngân hàng là tiền gửi khách hàng đạt trên 388.100 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đạt 396 ngàn tỷ, tăng trưởng 9,31% so với đầu năm nay, gần toàn dụng room tín dụng và tăng ròng 6 tháng đầu năm tăng 12% so với cùng kỳ. Tiếp tục dẫn đầu nhóm các ngân hàng thương mại về quy mô tín dụng mảng bán lẻ.

Dư nợ tái cơ cấu của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid giảm còn 13 ngàn tỷ (giảm 24% so với đầu năm) và chỉ chiếm 3% tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu liên tục duy trì thấp, chỉ có 0,76%, là những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất trên thị trường. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục ở mức cao 185%. Tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ (CAR) của ngân hàng tiếp tục cải thiện, đạt 11,56% trong quý II và tỷ lệ vốn cấp 1 đạt 12,10%, vượt xa mức tỷ lệ tối thiểu 8% theo Basel II.

Tại ACB, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng kém hơn khi giảm về 25%, gần tương đương cuối năm 2021, theo xu hướng chung của thị trường. Điều này xuất phát từ dòng tiền của khách hàng dịch chuyển sang các kênh đầu tư chứng khoán và rút về phục vụ sản xuất kinh doanh khi doanh nghiệp gặp khó vay vốn ngân hàng trong bối cảnh hầu hết nhà băng đều chạm trần tín dụng.

Đồng thời, ACB cho biết, lợi nhuận của Công ty con là ACBS ghi nhận lỗ 3 tỷ trong 6 tháng đầu năm nay, do hoạt động đầu tư bị ảnh hưởng bởi diễn biến bất lợi của thị trường. Tuy nhiên, thu nhập từ hoạt động cho vay margin vẫn tăng trưởng tốt so với cùng kỳ (+69%).

ACB niêm yết bổ sung hơn 675 triệu cổ phiếu

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đã chấp thuận cho ACB thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết. Theo đó, ACB sẽ niêm yết bổ sung 675,4 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nâng tổng số cổ phiếu lưu hành lên 3,37 tỷ cổ phiếu. Vốn điều lệ của ACB nâng lên từ hơn 27.019 tỷ đồng lên 33.774 tỷ đồng. Ngày thay đổi niêm yết có hiệu lực từ 6/7.

Trước đó, ACB đã phát hành cổ phiếu trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%. Nhà đầu tư giữ 100 cổ phiếu ACB sẽ được nhận thêm 25 cổ phiếu.

Về phương án xử lý cổ phiếu lẻ, ngân hàng cho biết cổ phiếu phát hành phân phối cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền sẽ làm tròn xuống hàng đơn vị. Phần lẻ thập phân phát sinh (nếu có) sẽ được phân phối cho công đoàn ACB, làm nguồn cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên ACB.

Trong một diễn biến khác, ACB có quyết định của HĐQT về việc xác nhận ông Dominic Timothy Charles Scriven đương nhiên mất tư cách thành viên Hội đồng quản trị ngân hàng nhiệm kỳ 2018 – 2023.

Theo đó, HĐQT ghi nhận có văn bản của cổ đông Dragon Financial Holdings Limited (DFH) đề ngày 22/6/2022 về việc hủy bỏ ủy quyền cho ông Dominic Timothy Charles Scriven (thành viên HĐQT của ACB nhiệm kỳ 2018 – 2023) đại diện phần vốn góp của DFH tại ACB, có hiệu lực từ ngày 30/6/2022. Đồng thời có văn bản của ông Dominic đề ngày 22/6 về việc thông báo ông không còn là đại diện phần vốn góp của DFH tại ACB.

Căn cứ vào quy định tại điểm d, khoản 1, điều 35 Luật các tổ chức tín dụng, HĐQT ACB xác nhận ông Dominic Timothy Charles Scriven thuộc trường hợp đương nhiên mất tư cách thành viên HĐQT.

Về biến động nhân sự cấp cao, ngay đầu năm nay, ACB đã bổ nhiệm ông Từ Tiến Phát giữ chức vụ Tổng giám đốc nhiệm kỳ 2022 – 2025 thay cho ông Đỗ Minh Toàn, người đã nắm giữ vị trí này 9 năm kể từ năm 2012. Không lâu sau, ông Nguyễn Khắc Nguyện, Giám Đốc Khối Quản Trị Nguồn Nhân Lực ACB cũng được bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng Giám Đốc ACB.

Về diễn biến giá cổ phiếu, sau những vụ việc xảy ra trên thị trường chứng khoán từ đầu năm, cổ phiếu ACB có thời điểm giảm hơn 20% về mức đáy 22.000 đồng/cp. Trong phiên chiều 28/7, cổ phiếu ACB hồi phục về mức giá 24.450 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch tạm tính đạt hơn 3,1 triệu đơn vị (lúc 14h17).

Diễn biến giá cổ phiếu THG thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)
Diễn biến giá cổ phiếu ACB thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Ngành ngân hàng vẫn còn nhiều nỗi lo

Tại thời điểm này, một số ngân hàng đã công bố về lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm. Đây thực sự là bước phát triển tốt mặc cho 6 tháng đầu năm 2022 kinh tế Thế giới có sự trao đảo bởi chiến tranh Ucraina – Nga, dẫn đến lạm phát tăng cao. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, nước hiện đang đứng vị trí nhất nhì về kinh tế trên toàn Thế giới.

Theo thông tin từ VPBank cho thấy, 6 tháng đầu năm, nhà băng này đã đạt hơn 15.300 tỷ đồng, tương đương 52% kế hoạch cả năm. Tương tự các đơn vị khác như Techcombank báo lãi trước thuế hơn 14.100 tỷ đồng, thực hiện được hơn 52% kế hoạch lợi nhuận đề ra; MB thu về 11.920 tỷ đồng lợi nhuận, đạt trên 50% kế hoạch; MSB có tổng lợi nhuận trước thuế gần 3.336 tỷ đồng, đạt gần 50% kế hoạch; BacABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 448 tỷ đồng/1.000 tỷ đồng kế hoạch năm 2022…

Từ những số liệu đó, có thể thấy rõ ngàng Ngân hàng đã có những sự phát triển tốt. Nhưng theo nhiều chuyên gia ngành Ngân hàng thì đây mới là kết quả kinh doanh của 6 tháng đầu năm, khi các ngân hàng hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Hơn nữa các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân mà các ngân hàng đã nỗ lực triển khai ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện cũng giúp cho lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm được tăng lên.

Một vấn đề nữa cũng được nhắc đến đó là việc các phí bảo hiểm trả trước và thu hồi nợ xấu (như VPBank, ACB, VietinBank và Sacombank...) cũng được các nhà băng đẩy mạnh. Tuy nhiên, để hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022, các ngân hàng sẽ phải vượt qua rất nhiều khó khăn đang chờ phía trước. Theo tính toán sẽ có 5 vấn đề mà các nhà băng sẽ phải lưu tâm.

Thứ nhất, những tháng đầu năm doanh thu thuần của NHTM tăng do tín dụng tăng. Nhiều ngân hàng đã sử dụng hết hoặc gần hết room tín dụng mà NHNN cấp. Tính đến ngày 30/6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,42 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% so với cuối năm ngoái (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%).

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: “NHNN đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 là 14%. So với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 13,6% của năm 2021 và 12% của năm 2020, trong điều kiện áp lực lạm phát tăng, thì đây là sự cố gắng rất lớn của ngành Ngân hàng. Chỉ tiêu này đã được NHNN đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo các mục tiêu đề ra. Việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các NHTM cũng được tính toán, cân nhắc trên cơ sở các tiêu chí rõ ràng, minh bạch, cụ thể…”.

Từ định hướng này của NHNN, có thể thấy những tháng cuối năm, dư địa cho tăng trưởng tín dụng không còn nhiều. Điều đó có nghĩa lợi nhuận từ hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại có thể không khả quan như những quý đầu năm. Chưa kể trong bối cảnh lãi suất huy động tăng song lãi suất cho vay lại khó tăng, dẫn đến NIM (chênh lệch lãi suất biên ròng) sẽ giảm.

Thứ hai, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) vẫn tăng song tỷ trọng CASA trong tổng tiền gửi sẽ không cao như trước. Vì khi các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản trầm lắng, tiền chảy về ngân hàng nhưng người dân sẽ gửi có kỳ hạn thay vì để trên tài khoản thanh toán chờ cơ hội “lướt sóng” như trước đây.

Một số tổ chức tín dụng cũng đang mở rộng hoạt động ngân hàng mở (Open Banking), thiết lập hệ sinh thái, tạo động lực để người dân chuyển tiền vào ngân hàng để thực hiện hoạt động thanh toán, nhưng việc này đòi hỏi có thời gian.

Như vậy, sẽ không còn nhiều ngân hàng thương mại tận dụng được nguồn vốn giá rẻ như giai đoạn trước. Chi phí huy động vốn tăng mà lãi suất cho vay không tăng tương ứng thì tất yếu lợi nhuận ngân hàng giảm.

Thứ ba, thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã, đang thực hiện chính sách miễn, giảm nhiều loại phí dịch vụ để thu hút khách hàng nhằm “tích tiểu thành đại”, lấy số lượng khách hàng nhiều để bù đắp phần nào chi phí đã đầu tư. Song, nguồn thu từ dịch vụ chưa tăng như kỳ vọng. Việc này khiến ngân hàng phải tính toán giữa việc có thể tiếp tục duy trì chính sách miễn, giảm phí dịch vụ nữa hay không? Và nếu thực hiện thu phí thì thu ở mức nào, có thể giữ chân được khách hàng không khi mà người sử dụng dịch vụ lâu nay đã quen với việc được miễn phí.

Thứ tư, theo phân tích của TS. Cấn Văn Lực, nhiều ngân hàng thương mại đã đặt kế hoạch tăng mạnh vốn trong năm 2022 nhưng sẽ không dễ thực hiện. Việc tăng vốn nhằm đáp ứng chuẩn Basel 2 và ứng với mức tăng tài sản rủi ro (tín dụng) thông qua phát hành cổ phiếu sẽ gặp khó khăn do thị trường chứng khoán đang điều chỉnh.

Thứ năm, nợ xấu vẫn tiềm ẩn gia tăng trong bối cảnh các quy định pháp lý liên quan sắp hết hiệu lực, trong khi thị trường mua bán nợ chưa hình thành. Việc xử lý nợ xấu cũ không thuận lợi, trong khi nợ xấu mới phát sinh sẽ khiến tỷ lệ nợ xấu tăng, các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro…

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Đầu tư chứng khoán không như ý, BWE "ngậm ngùi" trích lập dự phòng gần 32 tỷ đồng

Tính tới cuối quý II, BWE bất ngờ trích lập dự phòng gần 32 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào đơn vị khác trong ...

Tác động giá hàng hóa tới một số nhóm cổ phiếu trên thị trường chứng khoán

Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) vừa đưa ra báo cáo phân tích với tên gọi “giá hàng hóa đảo chiều và cơ hội trên thị ...

Do đâu lợi nhuận Vinaseed (NSC) tăng mạnh trong quý II/2022?

Theo BCTC hợp nhất quý II, Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed, HoSE: NSC) - đơn vị thành viên của Tập đoàn PAN ...

Khánh Vân