911 Group (NO1) - "tân binh" mới niêm yết HOSE có gì đáng chú ý?

Cập nhật: 15:41 | 29/11/2022 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP Tập đoàn 911 (911 Group) đã chính thức niêm yết trên HOSE vào ngày 28/11với 24 triệu cổ phiếu.

“Tân binh” mới niêm yết HOSE

Ngày 28/11 là ngày đầu tiên mã NO1 của Công ty CP Tập đoàn 911 (911 Group) chào sàn HOSE. Trong ngày giao dịch đầu tiên, NO1 chốt phiên đạt 10.450 đồng/đơn vị, tăng 4,5% so với mốc tham chiếu, thanh khoản đạt 681.600 đơn vị. Sang đến phiên sáng ngày 29/11, cổ phiếu NO1 “quay đầu” giảm 4,31% còn 10.000 đồng/đơn vị.

911 Group tiền thân là Công ty CP Thiết bị Nền móng 911, được thành lập từ năm 2011, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh, quản lý, khai thác các thiết bị thi công công trình. Hiện tại, doanh nghiệp đang phân phối chính thức các sản phẩm của các hãng như KCP (KCP Heavy Industries), ATom (Zton Group Corporation), XCMG (Xuzhou Construction Machinery Group Co., Ltd),...

Vốn điều lệ tại thời điểm 911 Group thành lập là 3 tỷ đồng, tương ứng 300.000 cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Doanh nghiệp đã thực hiện chào bán lần đầu ra công chúng 5,5 triệu cổ phiếu, giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 1/2022.

Tính đến tháng 9/2022, cơ cấu cổ đông của 911 Group chỉ gồm 2 cá nhân nắm trên 5% vốn công ty gồm: Ông Lưu Đình Tuấn (20,83%) – Chủ tịch HĐQT và ông Bùi Việt Bắc (7,5%). Tuy vậy, về cơ bản gia đình Chủ tịch HĐQT là nhóm cổ đông lớn nhất tại NO1 khi nắm tổng cộng 30,36% vốn công ty. Theo đó, ngoài ông Tuấn, đó là các cá nhân: Bà Nguyễn Thị Thơm (2,5%) – em vợ, Lê Xuân Hoàng (3,12%) – chồng bà Thơm, Nguyễn Thị Thơ (0,9%) – em gái bà Thơm, Nguyễn Văn Chinh (3,01%) – em rể bà Thơm.

911 Group kinh doanh ra sao?

Trong giai đoạn 2020-2022, có thể thấy 911 Group tăng trưởng khá tốt.

Chỉ tính riêng doanh thu, trong gần 3 năm, doanh thu thuần của Công ty đã tăng hơn 3 lần. Cụ thể, năm 20220, doanh thu thuần là 372,8 tỷ đồng; năm 2021 là 539,5 tỷ đồng, tăng 44%. Chỉ 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần đã vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng, đạt 1.149 tỷ đồng (riêng quý III/2022, doanh thu thuần đã tăng 6 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 849 tỷ đồng).

Năm 2022, 911 Group đặt mục tiêu doanh thu và lãi sau thuế lần lượt 800 tỷ đồng và 22 tỷ đồng, tăng hơn 48% và 57% so với năm 2021. Sau 9 tháng, công ty đã vượt 44% chỉ tiêu doanh thu và vượt 68% kế hoạch lợi nhuận năm.

Giai đoạn này, lợi nhuận của 911 Group cũng tăng trưởng khá tốt, cụ thể: năm 2020, lợi nhuận trước thuế là 8,5 tỷ đồng; năm 2021 tăng gấp đôi lên 18 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận trước thuế tăng cao 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 46 tỷ đồng.

j

Dù doanh thu tăng trưởng khá nhanh song 911 Group lại có một “điểm gợn” là biên lợi nhuận có xu hướng giảm. Năm 2020, biên lợi nhuận gộp của công ty đạt 9%, sau đó giảm xuống 7,5% vào năm 2021. Đến năm 2020, biên lợi nhuận tiếp tục giảm còn 6,2% (tính riêng quý III/2022, biên lợi nhuận gộp còn 5,6%).

Không chỉ tăng trưởng ấn tượng về kết quả kinh doanh, tổng tài sản của 911 Group cũng liên tục được bồi đắp qua các năm. Tính tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của Công ty đã tăng gấp 5 lần so với thời điểm 31/12/2021, đạt 1.133 tỷ đồng.

Trong cơ cấu tài sản của Công ty, chiếm tỷ trọng cao nhất là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm tới 56% tổng tài sản, đạt 635 tỷ đồng (thường là những khoản đầu tư có thời hạn trong vòng 1 năm như tiền gửi ngân hàng, đầu tư chứng khoán kinh doanh,…), tính tại ngày 30/9/2022.

Một điểm đáng chú ý là 911 Group đã giảm được tỷ trọng hàng tồn kho và các khoản phải thu qua các năm. Chẳng hạn, năm 2020, tổng giá trị hàng tồn kho và các khoản phải thu chiếm 50% tổng tài sản, năm 2022 chiếm tới 58% tổng tài sản. Đến ngày 30/9/2022, khoản mục này chỉ còn khoảng 25% tổng tài sản, đạt 290 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, 911 Group đang có biểu hiện phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn bên ngoài. Nếu như giai đoạn 2020 - 2021, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu trung bình khoảng 0,9 lần - mức tương đối an toàn thì tới ngày kết thúc quý III/2022, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đã lên tới 2,7 lần.

Song, đáng nói là, trong cơ cấu nợ phải trả của 911 Group lại có tới 90% là khoản mục phải trả người bán ngắn hạn (tại ngày 30/9/2022 là 752 tỷ đồng). Đây bản chất là khoản tiền.giá trị mà doanh nghiệp chiếm dụng được của đối tác.

Bên cạnh đó, dư nợ vay của công ty đã giảm mạnh qua các năm. Chẳng hạn, giai đoạn 2020 - 2021, dư nợ vay lần lượt chiếm 55% và 22% nợ phải trả thì tới ngày kết thúc quý III/2022 chỉ còn khoảng 7%.

Dù kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng, chất lượng tài sản ở mức khá song 911 Group vẫn còn một "điểm trừ" là cảnh âm dòng tiền kinh doanh trong nhiều năm liền. Giai đoạn 2020-2021, dòng tiền kinh doanh của công ty lần lượt âm 21,5 tỷ đồng và 24 tỷ đồng, chủ yếu do giảm các khoản phải trả và tăng các khoản phải thu và hàng tồn kho. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm 13 tỷ đồng.

Để bù đắp thâm hụt dòng tiền, doanh nghiệp chọn cách đi vay, khiến dòng tiền vay/trả trong kỳ tăng cao, lần lượt là 148 tỷ đồng/114 tỷ đồng, lần lượt tăng 80% và 25%.

Yến Thanh

Tags: 911 Group NO1
Tin cũ hơn
Xem thêm