7 vấn đề của kinh tế Việt Nam năm 2021

Cập nhật: 15:05 | 15/01/2021 Theo dõi KTCK trên

Tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng 2021: Cải cách, hội nhập và phát triển bền vững" tổ chức sáng nay (15/1), Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021 với các mức tăng trưởng lần lượt là 5,98% và 6,46%.

0319-kte
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Cùng với dự báo mức tăng GDP, CIEM cũng đưa ra mức dự báo lạm phát bình quân là +3,51% và +3,78%. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,23% theo kịch bản 1 và tăng 5,06% theo kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở mức 5,49 tỷ USD và 7,24 tỷ USD.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, hai kịch bản tăng trưởng được đưa ra đã tính toán, phân tích đến yếu tố dịch COVID-19 kéo dài, diễn biến phức tạp và đã được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.

"Kịch bản tăng trưởng kinh tế đạt 5,98% sẽ có nhiều khả năng xảy ra hơn, trong khi đó kịch bản tăng 6,46% chỉ có thể đạt được với nỗ lực cao", ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp CIEM nhận đinh.

Tại Hội thảo, CIEM cũng nêu ra một số yếu có thể ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2021. Cụ thể:

Thứ nhất, kinh tế thế giới còn rất bất định, rủi ro, thách thức từ bên ngoài vẫn đang hiện hữu. Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục các biện pháp để kiềm chế Trung Quốc về kinh tế - thương mại – công nghệ và có thể củng cố được liên minh với một số nước đối tác để thực hiện các biện pháp này. Xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn khiến cho các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế có nhu cầu dịch chuyển địa điểm sản xuất để tránh mức thuế cao. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Việt Nam.

Thứ hai, dịch COVID-19 và các biến thể còn diễn biến phức tạp, khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát làn sóng tiếp theo. Hệ lụy kèm theo là gia tăng chi phí logistics đối với hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu.

Thứ ba, việc nhiều nền kinh tế thực hiện các gói hỗ trợ quy mô lớn, trong khi thiếu điều phối giữa các biện pháp này ở cấp độ toàn cầu, có thể gây ra những rủi ro không nhỏ đối với thị trường tài chính thế giới và tình trạng nợ toàn cầu.

Thứ tư, Cách mạng Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến nhanh, qua đó ảnh hưởng đến sự phát triển của cả doanh nghiệp và thị trường trong nước Việt Nam.

Thứ năm, khả năng duy trì các cải cách thực chất đối với môi trường đầu tư – kinh doanh cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, quyết định mở rộng đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài.

Thứ sáu, nhu cầu tiêu dùng trong nước có thể gia tăng nhanh hơn, và doanh nghiệp có thể tập trung hơn đến khai thác thị trường trong nước.

Thứ bảy, dù kỳ vọng nhiều vào tác động tích cực của EVFTA, Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, v.v., không chỉ ở thị trường Mỹ.

Với những yếu tố nêu trên, các chuyên gia của CIEM khuyến nghị tiếp tục cải thiện nền tảng kinh tế vi mô, đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong bối cảnh "bình thường mới".

"Hội nhập, cải cách và phát triển bền vững sẽ không thể tiếp tục đi song song, mà phải "bện chặt" với nhau hơn", TS. Trần Thị Hồng Minh cho hay.

Cảng Đình Vũ sẽ thanh toán 60 tỷ đồng cổ tức vào đầu tháng 2

Với số lượng cổ phiếu DVP đang lưu hành là 40 triệu đơn vị, ước tính Cảng Đình Vũ phải chi khoảng 60 tỷ đồng ...

"Bong bóng" chứng khoán - bất động sản đang to ra dưới tác động của lãi suất?

Chính sách tiền tệ và tài khóa vốn đóng vai trò là chất xúc tác trong năm 2020 có thể trở nên thận trọng trong ...

Kinh tế Việt Nam năm 2021: Cần định hình chiến lược trong bối cảnh mới

Trong bối cảnh thế giới vẫn đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19, xây dựng chiến lược là một trong những nhiệm ...

Hữu Dũng

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm